Bi kịch phía sau màn mua bán thận

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người muốn bán thì không bán được, người có được cho không cũng không dám lấy là bi kịch đang diễn ra trong thế giới bệnh nhân chạy thận. Muốn kéo dài sự sống, một là tìm kiếm sự may rủi với quả thận của người lạ hoặc mòn mỏi nằm đợi 3-4 tiếng bên chiếc máy lọc máu.
Bi kịch phía sau màn mua bán thận
Ông Khẩn 'khoe' cầu tay nổi cục.

Không hào hứng cũng chẳng "mơ mộng" có một quả thận để thay thế, ông Bùi Văn Khẩn (Bắc Giang), bệnh nhân chạy thận đã 8 năm nay, chia sẻ: "Có biếu tôi quả thận tôi cũng không lấy bởi không có khả năng nuôi được sau ghép. Đành kiên trì tuần ba lần vào viện, sống được ngày nào hay ngày ấy". 8 năm qua là ngần ấy thời gian ông Khẩn gắn bó với xóm chạy thận ở ngõ 121, Lê Thanh Nghị, đối diện cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông từng là cán bộ ngành Thuế ở Bắc Giang, giờ bị bệnh đành phải lấy nhà trọ trên Hà Nội làm nhà. Hai con gái ông đã lớn, một đứa ra làm giáo viên còn một đứa đang học đại học dưới Hà Nội. Ở nhà chỉ còn mình vợ ông làm ruộng, chạy chợ lo toan tiền hàng tháng gửi xuống cho chồng. bệnh tật dai dẳng nhưng ông vẫn tếu táo, đùa vui "thu nhập nhà nông, sống ở Hà Nội" như để quên đi sự chán chường và cũng để vợ con bớt lo âu.

Ngày mới bị bệnh, ông cũng muốn chết quách đi cho xong để đỡ là gánh nặng cho gia đình, lúc ấy, hai con ông vẫn còn nhỏ và đang học phổ thông. Một mình ông khăn gói xuống xóm chạy thận để chữa bệnh, tự chăm sóc bản thân và tự chiến đấu với bệnh tật bởi có thêm người đi theo là lại tốn tiền.

Căn phòng nhỏ 9m2 không cửa sổ thuê giá 600 nghìn một tháng trong xóm tối tăm là nơi ông Khẩn và một người nữa đã chạy thận được hơn 10 năm cùng trọ. Hàng ngày, hàng xóm của ông vẫn đi bán ngô, khoai, bánh mỳ để trang trải cuộc sống, mua thuốc men và có khi còn gửi về quê đỡ đần vợ. Ông Khẩn nói: "Cũng có nghe tới ghép thận nhưng lo được tiền để trụ được ở thành phố đã là quá sức. Sau khi ghép, mỗi tháng phải mất những 9 triệu tiền thuốc để duy trì. Chúng tôi thì lấy đâu ra mà ghép...".

Xóm chạy thận chật hẹp ở ngõ 121, Lê Thanh Nghị, tuy khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười lạc quan.

Ông vẫn thường đùa, người bị bệnh này như có máy chém chờ trước cổ. Nói xong, ông lại ngửa cổ cười như muốn giấu đi giọt nước mắt tủi thân đang chực sẵn. Ông Khẩn vẫn tự hào vì chạy đã 8 năm mà tới giờ vẫn khỏe, vẫn tự làm mọi việc. Vừa rồi, ông cũng về quê ăn Tết "cốt là để họ hàng, người thân nhìn thấy mặt, cho có không khí gia đình, đi cả năm rồi. Về cũng không ăn được gì, mà cũng chẳng dám ăn".

Không quá khó khăn như những người ở xóm thận, gia đình anh Đoàn Ngọc Điển ở Hà Đông sẵn sàng chi tiền ghép nếu có quả thận phù hợp. Đã năm người thân của anh tình nguyện hiến tặng nhưng không may, cả năm quả thận đều không phù hợp. Từng sang tận bệnh viện Vũ Hán (Trung Quốc) để điều trị, anh phát hiện bị viêm dạ dày nên không thể phẫu thuật được. Anh đành trở về Việt Nam và tiếp tục chạy thận tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai. "Cũng có một người chị thử gần đủ các thông số nhưng mọi thứ lại không ổn ở khâu cuối cùng", anh nói.

Người đàn ông có dáng cao, gầy, khuôn mặt đen xạm, dấu tích của những năm tháng sống chung với bệnh tật, chậm rãi và từ tốn khi nhắc tới sức khỏe của mình. Cũng muốn tìm một quả thận của người lạ thay thế nhưng do quy trình kiểm tra và thủ tục phức tạp lại có bệnh dạ dày nên anh đành bỏ cuộc. Anh Điển cho biết: "Để làm đầy đủ các xét nghiệm xem thận của người cho có hợp với mình không phải mất khoảng ba tháng trong khi sang Trung Quốc làm chỉ mất có ba ngày. Mua thận của người lạ phải nuôi họ trong suốt thời gian đó. Nếu không hợp coi như mọi thứ phải bắt đầu lại. Làm bên Trung Quốc nhanh nhưng lại gặp trục trặc ở khâu giấy tờ, hộ chiếu".

Suốt 10 năm qua, tuần nào chị Oanh (vợ anh Điển) cũng đưa chồng vào viện ngồi đợi hơn ba tiếng chạy thận rồi lại đưa chồng về. Nỗi buồn của chị đã không còn quá nặng nề như ngày mới biết tin chồng bị bệnh nữa. Chị tâm sự: "Đến giờ thì không ghép được nữa rồi. Nếu còn hy vọng thì gia đình đã làm mọi cách dù phải mất bao nhiêu tiền cũng được. Đành phải chạy thường xuyên như vậy thôi. Tuần ba lần, mỗi lần khoảng 500 nghìn, tổng cộng là 1,5 triệu đồng một tuần. Tốn kém nhưng ở phòng dịch vụ, mọi thứ sẽ thoải mãi hơn. Vào đây mới thấy nhiều gia đình bệnh nhân họ vất vả lắm".

Theo bác sĩ Hồ Lưu Châu, Phó trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai, với những bệnh nhân ghép thận, ngoài yêu cầu về kinh tế còn phải có ý thức dùng thuốc bảo quản thận và phải tuân thủ chế độ sinh hoạt điều độ. Những bệnh nhân suy thận nặng sẽ được đưa vào danh sách chờ ghép. Có hai loại ghép, ghép cùng huyết thống và không cùng huyết thống, trong đó ghép cùng huyết thống là dễ nhất. Ông cho biết thêm: "Hàng tháng vẫn có một số thanh niên tới đây hỏi người nhà bệnh nhân, thậm chí vào tận phòng bác sĩ nói rằng muốn "hiến thận" nhưng đều bị từ chối".

Những đoạn quảng cáo bán thận xuất hiện nhiều trên mạng.

Search chữ "cần bán thận" lên mạng, những mẩu quảng cáo với nhiều hoàn cảnh khác nhau của người bán hiện ra hàng loạt. "Tôi là sinh viên đã tốt nghiệp hai năm nay, khỏe mạnh, thích thể thao, không có tiền sử bệnh. Tôi đã đi làm ở nhiều nơi nhưng thu nhập không bao nhiêu, gia cảnh nhà lại quá khó khăn, bố tôi mất sớm, mẹ tôi vì lao động nặng nên giờ bệnh liệt giường (ung thư ruột kết). Tôi quyết định bán một bên thận của mình để có tiền chữa trị cho mẹ tôi. Tôi tên Vũ", dòng giới thiệu khá đầy đủ của một người đàn ông ở Nha Trang, Khánh Hòa khiến người đọc cảm thấy tin tưởng và muốn hỏi thăm. Anh này cho biết vừa mới ở Hà Nội về nửa tháng nay. Sau khi đăng tin trên trang rao vặt, có người gọi điện muốn mua nên anh Vũ phải ra Hà Nội kiểm tra và xét nghiệm. Do bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, các thông số không phù hợp nên không thể tiến hành ghép. Thấy khách gọi điện hỏi muốn mua thận, anh Vũ nhiệt tình hướng dẫn các bước để hai bên đỡ mất thời gian.

Người đàn ông này có ý định bán thận với giá từ 6.000 USD đến 7.000 USD. Vũ chấp nhận: "Biết sẽ không tránh khỏi những rủi ro nhưng nếu việc nhượng lại thận cứu được mạng sống của người khác, tôi sẵn lòng. Gia đình không ai biết tôi bán thận. Do hoàn cảnh, họ hàng không ai giúp được nữa nên tôi mới buộc phải làm thế".

Theo anh Vũ, mặc dù có nhiều bệnh nhân cần thận để thay nhưng những người có nhu cầu bán như anh lại không bán được vì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài vấn đề về giá cả, giữa người cho và người nhận phải có những thông số phù hợp. Từ hôm đăng quảng cáo đến nay mới có một khách gọi điện hỏi anh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật