Ông bác sĩ của tuổi thơ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sinh năm 1967, quê Long An, tốt nghiệp Đại học Y dược TP. HCM, học tiếp 4 năm nội trú, BS Tăng Chí Thượng sau đó về ngay Khoa cấp cứu hồi sức của bệnh viện Nhi đồng 1 năm 1994 để rồi trở thành Giám đốc bệnh viện trẻ nhất trên cả nước khi mới 37 tuổi. Ông được người dân TP. HCM trìu mến gọi là “Ông bác sĩ của trẻ thơ”.
Ông bác sĩ của tuổi thơ
Tại Khoa hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng I.

Ông bác sĩ...

Năm 1994, anh bác sĩ nội trú Tăng Chí Thiện sau khi tốt nghiệp được phân công về Khoa cấp cứu hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1. Hồi sức cấp cứu và phẫu thuật cho người lớn đã cực kỳ khó khăn mà hồi sức cấp cứu, phẫu thuật cho trẻ sơ sinh lại còn phức tạp hơn nhiều. Đơn giản chỉ vì thể lực trẻ sơ sinh làm sao bằng người lớn lại không thể khai bệnh, kêu đau. Ngày ấy, chưa có bệnh viện nào trong cả nước có khoa như thế này. Sách vở cũng chẳng nhiều. Thế là các thầy thuốc ở đây cứ phải nghiên cứu mày mò, kể cả mày mò nhiều trang thiết bị. Bác sĩ Thượng là “lính mới” trong một khoa hoàn toàn mới chắc còn gặp nhiều khó khăn hơn nhưng bằng tình yêu trẻ, anh đã vượt lên chính mình, tạo dựng được uy tín với đồng nghiệp và gia đình bệnh nhân. Miệt mài tại khoa, đêm về nhà, hình ảnh các cháu sơ sinh bị teo thực quản, hở thành bụng bẩm sinh, thoát vị hoành cứ ảm ảnh, lẩn quất trong đầu anh. Những đứa trẻ đáng yêu bị t‌ử von‌g càng là nỗi day dứt trong lòng người bác sĩ trẻ.

Khi người ta có tâm và nỗi day dứt thường trực trong lòng trước những bất cập thì trái tim thường mách bảo, chỉ ra những lối thoát bất ngờ mà nay hay dùng từ là “đột biến”. Cái tâm cộng thêm cái tài là một tài sản không chỉ của riêng người đó mà là của chung vì lợi ích cộng đồng nên chỉ 3 năm làm việc, BS Thượng đã được bổ nhiệm làm trưởng khoa.

Vinh quang đấy mà cũng nặng nề không kém. Ông trưởng khoa nhìn tài sản khoa mình vỏn vẹn 2 máy thở, 2 lồng ấp, 1 giường sưởi... mà buồn. Ra trận phải có vũ khí, vũ khí càng hiện đại càng tốt và trong cuộc chiến chống lại bệnh tật vì trẻ thơ này, trang thiết bị y tế cũng là vũ khí. Không cam chịu “chờ trên”, ông đã lập tức cùng với đồng nghiệp trong Khoa Hồi sức sơ sinh mà mình phụ trách tự bỏ tiền túi ra để mày mò nghiên cứu thiết kế thêm nhiều trang thiết bị khác như giường hồi sức, đèn sưởi, đèn chiếu vàng da... Nhờ đó mà công tác phẫu thuật sơ sinh liên tục gặt hái nhiều thành công.

Mới có mấy năm, thoắt cái, hầu hết các ca dị tật sơ sinh trước đây đành phải bó tay, nay đều được giải quyết tốt và tỷ lệ t‌ử von‌g phẫu thuật sơ sinh rất thấp: dưới 1%.

Tiếng lành đồn xa và năm 2004, ông Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh của BV Nhi đồng 1 được bổ nhiệm thẳng lên vị trí Giám đốc, một chức vụ mà ở nhiều nước có lẽ là chậm nhưng ở ta là quá trẻ vì GĐ một BV lớn như thế mà mới có... 37 tuổi! Vâng, có thể nói Tăng Chí Thượng là Giám đốc BV lớn trẻ nhất nước lúc bấy giờ.

... Kiêm thêm “kỹ sư”

Như trên đã nói, khi Khoa Hồi sức sơ sinh mới thành lập, bệnh viện Nhi Đồng 1 gặp không ít khó khăn về phương tiện, nhất là giường dành cho trẻ. Tăng Chí Thượng là bác sĩ nội trú không khỏi bức xúc khi thấy những bệnh nhi sơ sinh phải nằm điều trị trong những chiếc giường to “đùng”, lạnh lẽo, không phù hợp với kích cỡ. Nếu mua giường ngoại thì chi phí khá cao (hơn 10.000 USD/chiếc), vượt quá khả năng đầu tư của bệnh viện. Thế là Tăng Chí Thượng cùng những đồng nghiệp tâm huyết của mình như Đinh Tấn Phương, Phạm Thị Thanh Tâm bàn nhau nghiên cứu, thiết kế và họ vô tình trở thành những “kỹ sư” tay ngang đã làm ra những bộ giường sơ sinh đa năng thiết thực phục vụ bệnh nhi.

Để làm ra những sản phẩm này, những bác sĩ - kỹ sư trong nhóm Tăng Chí Thượng đã phải vật lộn với tri thức và vật lộn với cả túi tiền eo hẹp của mình. Gặp BS. Cam Ngọc Phượng, phu nhân ông bác sĩ -  kỹ sư Tăng Chí Thượng, bà vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm cũ: “Cứ tối đến là anh ấy lại ngồi vào bàn, phác thảo chiếc giường. Hơn một tuần miệt mài làm việc, anh ấy đã cho ra đời bản vẽ chiếc giường với kích thước phù hợp với trẻ sơ sinh, có thành giường, hộc, bàn viết đựng hồ sơ, bệnh án...”. Có phác thảo trong tay, BS. Thượng đã mời thêm các đồng nghiệp của mình là BS Đinh Tấn Phương và Phạm Thị Thanh Tâm tham gia công trình.

 Tại Khoa hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng I.

Quả là trời không phụ lòng người. Sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung các chi tiết như vị trí để máy hồi sức, máy bơm tiêm, máy đếm giọt, dụng cụ sát trùng tay nhanh, chỗ gắn đèn..., BS Thượng và đồng nghiệp trong nhóm đưa chiếc giường đa năng sang cơ sở sản xuất thăm dò giá. Khi nhận được báo giá, cả nhóm cứ dụi mắt không tin vì bất ngờ khi chi phí mỗi chiếc chỉ mất 3 triệu đồng. Những chiếc giường cấp cứu sơ sinh đã ra đời như vậy.

Có được giường cấp cứu sơ sinh rồi, BS Thượng cùng nhóm của mình dấn tới nghiên cứu tiếp  giường chuyển bệnh sơ sinh đa năng. Vốn là bác sĩ cấp cứu, bác sĩ Thượng trăn trở khi đoạn đường chuyển viện xa, bệnh nhi sơ sinh phải dùng băng ca của người lớn là không phù hợp. Trên băng ca lại không có máy thở ôxy cùng các thiết bị. Việc chuyển viện như thế khiến môi trường thay đổi đột ngột, trẻ dễ bệnh hơn. Từ những suy nghĩ đó, nhóm đã cử BS. Đinh Tấn Phương trực tiếp thực hiện ý tưởng.

Chị Lê Thị Hồng Linh, Điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu của bệnh viện, nhận xét: “Trưa nào các bác sĩ cũng ở lại làm giường. Có hôm cầm hộp cơm lên, chưa kịp ăn, nghe bên cơ sở gia công gọi, bác sĩ liền chạy đi. Đến chiều, chợt nhớ ra thì hộp cơm đã nguội lạnh”. Sau 3 tháng làm việc miệt mài, chiếc giường chuyển viện sơ sinh ra đời với khung bằng inox, thành giường bằng mica, chân có 4 bánh di chuyển dễ dàng. Giường có nút điều khiển có thể nâng lên hạ xuống an toàn, có 4 trụ treo dịch truyền, máy thở ôxy, bình sát trùng tay nhanh... rất an toàn cho bệnh nhi.

Với công trình này, nhóm tác giả không chỉ đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP.HCM năm 2006 mà còn đoạt luôn giải Nhất cuộc thi Sáng tạo cấp toàn quốc. Nhiều bệnh viện trong cả nước cũng đặt hàng mua những chiếc giường này.

Người truyền lửa

Với cương vị Giám đốc BV, BS Tăng Chí Thượng đã thành người truyền lửa cho tất cả cán bộ CNV BV Nhi đồng 1 về tinh thần nhiệt tình, hết lòng vì trẻ thơ. Trong thời kinh tế thị trường, đời sống còn không ít khó khăn, nhưng đội ngũ thầy thuốc ở đây đã gạt đi nhiều lời mời từ các phòng khám tư với mức lương cao ngất để bám trụ, dùng sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho bệnh viện. BS Tăng Chí Thượng thật hạnh phúc bởi ngọn lửa say mê sáng tạo trong ông đã được đồng nghiệp tiếp nhận và phát huy. Người bạn, người đồng nghiệp của ông như BS Đinh Tấn Phương được ông động viên đã thành công với việc cải tiến chiếc xe bug-gi từ sân golf thành xe điện chuyển bệnh từ cấp cứu lên các phòng khoa hay chế tạo thành công thước đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dây đai an toàn cho cấp cứu. Và còn bao người khác nữa... Riêng bác sĩ giám đốc Tăng Chí Thượng khi nhận nhiệm vụ quản lý đã không mất nghề hay “lỏng nghề” mà dường như ông có điều kiện phát huy mình hơn cùng với những cải tiến, đưa bệnh viện phát triển theo hướng chuyên sâu: hạ thấp bệnh t‌ử von‌g trẻ sơ sinh, tim bẩm sinh và các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ.

 Niềm vui khi đứa con bé bỏng khỏe mạnh.

Tiếng BV Nhi đồng 1 không chỉ nổi lên ở TP. Hồ Chí Minh, trong cả nước mà còn vượt ra khỏi biên giới. Cách đây mấy năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định chọn bệnh viện Nhi đồng 1 làm trung tâm nghiên cứu sâu và giảng dạy về bệnh sốt xuất huyết. Các chuyên gia của WHO sẽ phối hợp đánh giá lại những tiêu chuẩn về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết... tại bệnh viện Nhi đồng 1 từ trước đến nay, sau đó sẽ tiếp tục xúc tiến hỗ trợ để bệnh viện này trở thành thành viên của WHO.

Trong những thành tích ấy không thể không nhắc đến “người truyền lửa” là bác sĩ - Giám đốc Tăng Chí Thượng. Dù là anh bác sĩ nội trú, vị trưởng khoa hay ông GĐ bệnh viện thì Tăng Chí Thượng vẫn mãi mãi là “Ông bác sĩ của trẻ thơ”...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật