Giá trị kiến trúc, nghệ thuật của Đền Vân Luông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đền Vân Luông xã Vân Phú, TP Việt Trì, Phú Thọ là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Đền được xây dựng trên khuôn viên có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bên hữu đền có am thờ vọng thánh Tản Viên. Tương truyền hàng năm Ngài về quê ngoại lễ tết ngự tại đây. Khuôn viên đền hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ trên nền đá ong. Đền được xây dựng từ lâu đời để thờ các vua Hùng.
Giá trị kiến trúc, nghệ thuật của Đền Vân Luông
Chơi đu trong Hội đền Vân Luông.

Trong đền bài vị thờ ghi: “Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Đại vương và Viễn Sơn Đại vương”. Hậu cung đền được xây dựng từ mùa đông, năm Giáp Tuất thời nhà Lê. Các cổ vật còn được lưu giữ gồm: Một đôi câu đầu ngoài nhà đại bái khắc chữ sơn son thiếp vàng ghi là: “Tu tạo năm thứ 2 đời vua Minh Mạng (năm Tân Tỵ 1821); một bức hoành phi ghi “Nam - Thiên - Chính thống” nghĩa là mối dường chính trời nam, ý nói: Nước ta là nước độc lập hoàn toàn, làm năm Ất Mùi đời Minh Mạng (1835); một bức nữa ghi “Thánh cung vạn tuế” nghĩa là “chúc vua muôn tuổi” làm năm Bảo đại thứ 16 (năm Tân Tỵ 1941); một bức phù điêu chạm “Tứ linh”; một quyển ngọc phả ghi cụ thể về các đời vua: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng Vương gồm 56 trang do Hàn lâm viện sỹ Quốc tử giám Nguyễn Đình Trấn biên soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572); 8 đạo sắc giấy rồng của các vua triều Nguyễn phong như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định; 1 quyển văn chào cùng ngày lễ hội, ném chài, cướp bông. 1 câu đối làm năm Canh Thìn (1940) ghi:

“Thiên tông, thánh tổ, hồng cơ sơn hà thạch thủy

Lô bắc, Tản nam, cố quốc, thiên địa trường tồn”

Nghĩa là:

Sông núi ngày nay nối tiếp trước đây của tổ tông thần thánh, xây dựng nền móng từ họ Hồng Bàng.

Sông Lô phía Bắc, núi Tản phía Nam nước ta từ xưa vẫn cùng trời đất tồn tại mãi.

- Một câu đối nữa ghi:

“Hưởng tập bát thế xa thư, thần truyền thánh kế

Dư nhị thiên niên kiến quốc, đế thịnh vương bình”

Nghĩa là:

“Mười tám đời vua Hùng truyền nối nhau

Hơn hai ngàn năm dựng nước đời nào cũng thịnh trị”

Trong đền còn có các cổ vật: Một cây đèn sắt hình quy hạc chầu thần; một chiếc chiêng đồng làm năm Duy Tân thứ 2 (1908); một chiếc quán tẩy (giá chậu) thiếp bạc hình long giáng. Đồ thờ trong đền có: 3 bộ ngai cổ thiếp vàng ghi tên vua, 3 chiếc lư hương chính ngự bằng đất nung, 1 chiếc lục bình cổ bằng sứ, 1 bình hoa đan bằng tre sơn son vẽ thiếp bạc, 2 chiếc mâm để tiến rượu và 1 hòm sắc trạm trổ khá đẹp. Liên quan đến Đền Vân Luông, trong làng còn giữ 1 quyển Hương ước soạn năm 1894 (Thành Thái thứ 6) và một số bài văn tế: Văn tế vua thần nông trong lễ cầu mùa mùng 3 tết hàng năm, văn tế thượng điền dùng vào lễ xuống đồng tháng 11 hàng năm, văn tế nghinh thần hoàn cung doanh (rước vua về cung), văn tế thổ thần vào dịp lễ đầu xuân để cầu bình an...

Các tư liệu quý giá này đều do các cụ cao niên nhiều thế hệ trong làng lưu giữ đến nay.

Trải qua bao năm tháng nắng mưa và chiến tranh, đền được trùng tu vào năm 1821, sửa chữa lớn vào năm 1939. Từ đó đến nay nhân dân trong xã đã bỏ nhiều công sức để bảo vệ và tôn tạo ngôi đền. Đền được tỉnh công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh năm 1992. Ngày 18-12-2009 đền được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử: Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Trong công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, sân Đền Vân Luông là nơi tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ và là nơi xuất phát của đoàn dân công đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Từ xưa đến nay sân đền là nơi tổ chức hàng trăm lễ hội đông vui, náo nhiệt.

Hàng năm tại đền có 2 lần tổ chức lễ hội theo “xuân thu nhị kỳ” năm âm lịch. Mùng 3 tháng giêng lễ hội ném chài cướp bông, kỷ niệm cuộc đi săn đầu xuân thắng lợi từ đời Vua Hùng thứ 18, ngày mùng 4 tháng 9 lễ hội mừng một năm sản xuất bội thu. Gắn với hội đền là “Lễ hội cướp bông ném chài đền” rất độc đáo. Đây là lễ hội được duy trì, khơi dậy nét đẹp văn hóa lâu đời, tiếp thêm sức mạnh tinh thần đoàn kết nhất trí cao, xây dựng làng xã vững mạnh. Hòa nhập với sự phát triển chung của thành phố Việt Trì, đền Vân Luông góp phần tô điểm quần thể Khu di tích Đền Hùng, là “vệ tinh” lễ hội Hùng Vương góp thêm nét đẹp độc đáo của một miền quê đất Tổ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật