Ngày điện ảnh Việt Nam và giấc mơ diều vàng cất cánh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Chiếu bóng và Nhiếp ảnh. Từ đó, mốc thời gian này được lấy là ngày khai sinh ngành Điện ảnh Việt Nam.
Ngày điện ảnh Việt Nam và giấc mơ diều vàng cất cánh
Ảnh minh họa

Sau 57 năm chờ đợi, từ năm nay, giới điện ảnh Việt Nam sẽ có ngày hội riêng của mình vào ngày 15/3. Đây là ngày hội lớn của những người làm điện ảnh và công chúng yêu nghệ thuật, đồng thời là cơ hội để tổng kết thành tựu của điện ảnh Việt Nam, ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh… Trong năm đầu tiên, "Ngày điện ảnh Việt Nam" đã được tổ chức tại 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ, Long An, Đắk Lắk, Thái Nguyên với các hoạt động như: Chiếu phim tiêu biểu của nền điện ảnh dân tộc, cách mạng Việt Nam các thời kỳ; tổ chức các chuyến đi về nguồn; Thi tìm hiểu lịch sử điện ảnh Việt Nam và thế giới; Hội thảo Điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế; Hội thảo Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ. Điểm nhấn của "Ngày Điện ảnh Việt Nam" và cũng là hoạt động thường niên của Hội từ nhiều năm nay là Lễ trao giải Cánh diều vàng tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối qua, 14/3.


Gặp lại những bộ phim thời vàng son

Trong những ngày điện ảnh Việt Nam, tại các rạp chiếu phim trong cả nước sẽ đồng loạt trình chiếu miễn phí những bộ phim được coi là kinh điển của điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ. Tại rạp Ngọc Khánh, ba bộ phim tiêu biểu của thời kỳ đầu điện ảnh cách mạng, gồm có Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ. Tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, sẽ là Mùa gió chướng và Chung một dòng sông. Tại rạp Tháng Tám, ngoài những phim trên còn có Em bé Hà Nội, Con chim vành khuyên. Khán giả TP. Hồ Chí Minh không chỉ có cơ hội xem lại những bộ phim của một thời bom đạn như Cánh đồng hoang, mà còn cả thời hậu chiến, như Đời cát, Thương nhớ đồng quê, Trăng nơi đáy giếng, Mùa len trâu... tại các rạp Thăng Long A, Fafilm, rạp Tân Sơn Nhất. Ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, một số phim truyện nhựa này được lưu trữ ở dạng đĩa DVD cũng sẽ được mang đi chiếu miễn phí cho bà con ở các tỉnh xa. Bên cạnh đó là các phim tài liệu nổi tiếng như Lũy thép Vĩnh Linh, Chị Năm Khùng, Đường ra phía trước... cũng sẽ có cơ hội tái ngộ khán giả.

Cũng bắt đầu từ 15/3, viện Phim Việt Nam chính thức khai trương Thư viện Video, nơi mà công chúng mộ điệu điện ảnh có thể tới và xem lại bất kỳ lúc nào những bộ phim mà mình yêu thích. Với sự đầu tư hợp tác giữa viện Phim Việt Nam và viện Nghe nhìn quốc gia Pháp, một căn phòng cùng với 10 máy tính với đủ mọi thiết bị cao cấp, khán giả có thể tra cứu và xem lại một cách hệ thống các tác phẩm điện ảnh Việt Nam.

Ngày 15-3 chính thức trở thành Ngày điện ảnh Việt Nam, và sẽ được tổ chức trọng thể hằng năm. Năm nay là năm đầu tiên, với những hoạt động nhớ về nguồn cội, tổ chức chiếu lại những bộ phim tiêu biểu, các nghệ sĩ và công chúng có dịp để nhắc nhớ về một thuở huy hoàng của điện ảnh. Đặc biệt, trong Ngày điện ảnh Việt Nam, Hội điện ảnh Việt Nam sẽ tôn vinh các nghệ sĩ tiền bối - những người khai sinh ra nền Điện ảnh Việt Nam như: Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Khương Mễ, Mai Lộc; cố nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi; cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Đăng Khoa. Và không chỉ có cơ hội xem lại những thước phi‌ּm đe‌ּn trắng đầy ấn tượng và xúc động, công chúng còn có dịp gặp gỡ và giao lưu với các nghệ sĩ, những gương mặt của điện ảnh một thời huy hoàng như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Thanh Quý...


Cánh diều vàng cất cánh

Lễ trao giải cánh diều vàng ngoài vai trò là hoạt động tâm điểm của ngày điện ảnh Việt Nam năm nay, còn được coi như một cuộc tổng kết một năm điện ảnh ở nhiều khía cạnh, thể loại.

91 tác phẩm và công trình nghiên cứu tranh Giải Cánh Diều Vàng 2009, trong đó có 8 phim truyện nhựa (Đừng đốt, Chơi vơi, Không cân sức, Bẫy rồng, Được sống, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa “teen” và ngũ hổ tướng, 14 ngày phép), 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 11 phim khoa học video, 12 phim truyền hình dài tập, 6 phim truyền hình ngắn tập, 10 phim hoạt hình 2D, 3D và 3 công trình nghiên cứu.

Hạng mục được quan tâm nhất - phim truyện nhựa, năm nay có 8 phim dự thi, nhiều hơn 2 phim so với năm 2008. Số phim truyện nhựa của hãng phim tư nhân và nhà nước bằng nhau. Tăng hai phim hoạt hình so với năm 2008 cũng là tín hiệu đáng mừng cho thể loại vốn hiếm hoi này. Năm nay không có giải báo chí bình chọn, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Điện ảnh: LHP 16 vừa có giải thưởng này nên giải thưởng của Hội phải khác. Bù lại, thêm Giải Diễn viên triển vọng và mở rộng một số giải thưởng cá nhân dành cho thể loại phim truyền hình dài, ngắn tập.

Điều đầu tiên dễ nhận they trong các lễ trao giải Cánh diều vàng nhiều năm nay chính là số lượng phim truyện nhựa sản xuất mỗi năm quá ít. Dù không phải tất cả các phim “ra lò” trong thời gian quy định đều tranh giải nhưng cả chục năm nay, dường như chưa năm nào số đầu phim truyện nhựa vượt qua con số 10. Chưa nói đến chất lượng phim thế nào, mà hầu hết phim làm ra chỉ nhằm đến mùa phim Tết và cái gọi là thị trường điện ảnh Việt Nam cũng chỉ tập trung vào mùa này.

Trước lễ trao giải, nhiều người cho rằng, giải vàng năm nay có vẻ chỉ là cuộc ganh đua của “chiến tuyến” phim Nhà nước với 4 phim: Chơi vơi (Hãng phim truyện I), Được sống, Đừng đốt (Hãng phim truyện Việt Nam), Không cân sức (Hãng phim Giải Phóng). Trong số đó, chỉ có “Không cân sức” là chưa từng tham gia các giải khác, 3 phim còn lại đều đã từng chạm trán nhau tại sân chơi “Bông Sen Vàng” năm 2009. “Không cân sức” được xem là “món lạ” của thị trường phim chiếu rạp. Đây cũng được xem là phim chính luận hiếm hoi gần gũi với thị trường. Tuy nhiên cách cấu tứ và thể hiện nội dung phim vẫn chưa thực sự thuyết phục người xem. Cũng với cách lựa chọn đề tài người thật việc thật, “Được sống” - phim nhựa đầu tay của đạo diễn trẻ Trung Dũng khai thác câu chuyện xúc động về nhân vật “Hằng 12”, một nữ tiếp viên hàng không có nghị lực phi thường. Phim từng ra về tay trắng tại giải “Bông Sen Vàng 2009” do còn nhiều hạn chế về cách kể và kỹ thuật âm thanh.

Với hai bộ phim đình đám là “Chơi vơi” và “Đừng đốt”. Nếu như thế mạnh của “Chơi vơi” là được “thử lửa” và đánh giá cao tại nhiều Liên hoan phim quốc tế thì lợi thế của “Đừng đốt” là “được lòng” cả giám khảo lẫn khán giả nhà khi dựng lại câu chuyện xúc động về nữ liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm.

Giải diễn viên xuất sắc cũng không có nhiều sự lựa chọn cho gương mặt nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở giải Cánh Diều Vàng. Bởi lẽ so về diễn xuất, vai diễn của các gương mặt quen đứng trước ống kính máy quay và được đặt nhiều kỳ vọng như: Hải Yến (Chơi vơi), Ngô Thanh Vân (Bẫy rồng)… còn ở mức tầm tầm, không quá khó để có thể làm tròn. Trong khi đó, các nữ diễn viên khác như: Hà Thu (Được sống), Ngọc Hiền (Không cân sức)… cũng diễn chưa đủ chín. Tuy nhiên không thể phủ nhận, Hà Thu trong “Được sống” đã phần nào để lại ấn tượng cho người xem bởi khuôn mặt biểu cảm cùng đôi mắt biết nói của mình. Hầu hết các vai chính trong phim dự thi năm nay đều nghiêng về phái nữ nên xem ra ở hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”, Jonny Trí Nguyễn của “Bẫy rồng” đang có nhiều lợi thế vì ít đối thủ cạnh tranh.

Sự thiếu hụt những bộ phim lớn và mới, cuộc chơi lặp lại của những bộ phim đã đọ sức ở nhiều giảI thưởng làm không chỉ khán giả mà cả những người trong nghề cũng cảm thấy có nhiều điều băn khoăn về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Với cương vị Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, GS - TS Trần Luân Kim cho rằng: Nghệ thuật điện ảnh cần hướng đến phục vụ khán giả hơn nữa, thu hút khán giả bằng chính sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của đông đảo công chúng. Các nhà hoạt động điện ảnh Việt Nam cần nhìn lại chính mình một cách cẩn trọng, nhận diện mặt mạnh, mặt yếu của mình đồng thời khắc phục căn bệnh trầm kha, lười suy nghĩ, ít sáng tạo, đổi mới, dễ sa vào lối mòn, nhiều giáo huấn mà không chú trọng khai thác nội tâm nhân vật, diễn xuất bị sân khấu hoá, nhiều sự dàn trải. Đánh giá về tình hình điện ảnh nước nhà, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: “Điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn yếu ớt này cần sự bảo hộ của nhà nước. Cần có sự tài trợ của nhà nước để có những bộ phim mang lại giá trị nhân văn và tâm hồn Việt. Điện ảnh nước ta đang trên con đường hội nhập sau nhiều năm tụt hậu xa so với thế giới. Nhưng tôi nghĩ, hội nhập phải bắt đầu từ khái niệm. Nếu hiểu đúng mới có thể phát triển được”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật