Câu chuyện đầu xuân mang tên: “bắt chẹt“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Nguyễn Ngọc Thành bức xúc vì lên phải một taxi treo biển Thế kỷ mới, đi 3 km mất 56.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường…
Câu chuyện đầu xuân mang tên: “bắt chẹt“
Ban quản lý di tích tại đền Cửa Ông phải liên tục nhổ hương ra khỏi lư đồng trong khi khách bình thản khấn vái.

Qua ba ngày Tết, phần lớn các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại. Một số ít các “điểm đến” trong dịp Tết như đền chùa, nơi vui chơi công cộng… trở nên lộn xộn; vỉa hè bị chiếm dụng thành nơi trông giữ xe trái phép; hàng ăn nhếch nhác; đua nhau “chặt, chém”.

Hầu hết các chợ và một số siêu thị tại Hà Nội đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, lượng khách còn thưa vắng, sức mua yếu, song giá cả hàng hóa, nhất là nhóm hàng rau xanh, thực phẩm tiếp tục tăng giá so với những ngày trước Tết và đứng ở mức cao.

Hàng rong quây kín cổng ra vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhộn nhạo

Đền Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả - Quảng Ninh) thờ dũng tướng Trần Quốc Tảng, con trai Trần Hưng Đạo dù còn gần một tháng nữa mới khai hội nhưng đã thu hút khá đông khách thập phương. Bất chấp nhiều tấm biển báo ghi rõ mỗi người chỉ thắp một nén hương, nhưng phải có đến 80% tín chủ bày tỏ lòng thành bằng cách cắm đủ một… bó vào lư hương. Chỉ khổ mấy bác có tuổi trong ban quản lý di tích, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó vì khói, vì bực bội do phải liên tục quơ tay nhổ hương ra, nhúng vào xô nước cạnh đó.

Trong đền Thượng, hai tráng đinh đeo băng đỏ đứng làm tả phù, hữu bật hộ vệ bên khám thờ Trần Quốc Tảng luôn miệng nhắc nhở các tín chủ nhiệt thành quá đà, bày bừa đồ cúng lễ. Trên các ban thờ gia quyến Trần Hưng Đạo và thuộc hạ, tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng của khách “tiến cúng” bày la liệt. Không ai chịu bỏ tiền vào hòm công đức, có lẽ vì muốn “phơi bày” lòng thành của mình cho người và thần đều thấy!

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), dưới tượng thờ danh nhân Chu Văn An cũng có khá nhiều tiền lẻ do các bậc phụ huynh đặt để cầu khấn cho con cái đỗ đạt, hiển vinh. Nhằm ngăn chặn tình trạng khách tham quan xâm phạm rùa và bia đá, Ban quản lý khu di tích đã phải dựng các cột inox buộc dây xích sắt xung quanh nhà bia kèm tấm biển “Không viết, vẽ, ngồi lên bia tiến sĩ”. Nhưng chừng đó không ngăn nổi đám nam phụ lão ấu đua nhau xoa, xát tứ tung vào rùa, bia. Có một cột inox còn bị đẩy đổ chỏng chơ, chẳng ai buồn dựng lại.

Lúc ra về, chúng tôi phải một phen vất vả mới lọt qua đám hàng rong bu bám đông nghẹt ngay trước cổng Văn Miếu vì công an phường sở tại không còn làm nhiệm vụ như ngày thường.

Bắt chẹt

Từ mùng 2 Tết, trên vỉa hè rất nhiều tuyến phố ở khu trung tâm Hà Nội đã mọc lên nhan nhản quán bún, phở vô cùng nhếch nhác, điểm trông giữ xe tự phát, thậm chí cả sới bạc công khai… “Đắc lợi” nhất chắc là những người trông giữ xe.

Mùng 5 Tết, giá gửi xe máy ban ngày vào Văn Miếu vẫn là 5.000 - 10.000 đồng một lượt, còn xung quanh hồ Hoàn Kiếm gấp 5 - 10 lần ngày thường (10.000 - 20.000 đồng một lượt). Anh Bùi Đức Minh (91 phố Cầu Gỗ) nói: “Cứ gửi xe vào khách sạn, cơ quan nhà nước gần các đền chùa, điểm tham quan cho mấy ông bảo vệ kiếm thêm dịp Tết, vừa yên tâm và rẻ hơn hẳn”.

Mặc dù hàng rong mọc vô số trên vỉa hè, nhân viên một số công sở phải đi làm sớm vẫn mang mì tôm, xôi, bánh chưng… đến cơ quan ăn trưa. Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh, biên tập viên báo Người đại biểu nhân dân, kể, trưa 17/2, không may ngồi vào một gánh bún riêu ở ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Khắc Cần. Bát bún lợn cợn đám bọt riêu cua giá 25.000 đồng, đắt gấp đôi bình thường song chỉ dám ăn hết một nửa vì quá tệ hại. Bà bán hàng vui tính khoe cả năm chuyên bán nước chè, chỉ “tranh thủ” đổi nghề từ 28 đến mùng 10 Tết mà thôi. Về đến tòa soạn, chị Ánh bị “Tào Tháo đuổi” một phen tưng bừng.

Anh Nguyễn Ngọc Thành, nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, rất bức xúc vì lên phải một taxi treo biển Thế kỷ mới, đi 3 km mất 56.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường…

Giá thực phẩm tăng vọt

Tại các chợ Hà Nội, rau xanh tiếp tục tăng giá, nhất là các loại như súp lơ xanh, bắp cải trắng, hành hoa. Cụ thể: súp lơ xanh 13.000 đồng một cái, bắp cải trắng tăng giá gần gấp đôi so với những ngày trong Tết lên 6.000 - 8.000 đồng một kg tùy từng chợ, hành hoa lên tới 90.000 - 120.000 đồng một kg. Các loại rau khác vẫn giữ ở mức giá cao tương đương dịp trước Tết: cải làn 15.000 đồng một kg, cải cúc 1.000 đồng một mớ, ngồng cải 14.000 đồng một kg, khoai tây 7.000 - 8.000 đồng một kg, đỗ quả 12.000 - 14.000 đồng một kg…

Tương tự, các loại thịt gà, lợn, bò hầu như vẫn đứng ở mức cao: thịt bò nạc 150.000 - 170.000 đồng một kg, thịt lợn mông sấn 65.000 - 67.000 đồng một kg, thịt lợn nạc thăn 75.000 - 76.000 đồng một kg, gà ta làm sẵn 110.000 - 120.000 đồng một kg. Riêng các loại cá tăng giá mạnh, cá trắm to tăng từ 40.000 đồng một kg trước Tết lên 60.000 - 65.000 đồng một kg.

Các loại hoa tuy không chạy hàng nhưng hầu như chỉ giảm một chút so với mức giá “sốt” trước Tết. Hoa Ly vàng vẫn giữ ở mức 50.000 - 70.000 đồng một cành, hoa dơn 40.000 - 45.000 đồng một cành.

Các siêu thị cũng rục rịch hoạt động. Siêu thị Big C đã mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết nhưng lượng khách vẫn còn thưa thớt, chỉ khoảng một nửa số quầy thanh toán hoạt động. Các mặt hàng thực phẩm chưa được phong phú như ngày bình thường. Giá cả hàng hóa tại các siêu thị được niêm yết ở mức bình ổn so với thị trường tự do.

Một số loại thực phẩm tiêu dùng ngày Tết và các loại rau thu hút khách hàng mua sắm nhiều. Tại Big C, hành hoa có giá 15.300 đồng một kg, chanh 25.600 đồng một kg, bí xanh 6.000 đồng một kg, cải thảo 8.500 đồng một kg, gà ta nguyên con giảm từ 96.000 đồng một kg trong Tết xuống còn 83.500 đồng một kg.

Tại TP HCM, hầu hết các siêu thị tới hôm nay (mồng 6 Tết) mới mở cửa trở lại. Tuy vậy, giá thực phẩm tại các chợ đã tăng như thường lệ. Chị Sự, một tiểu thương bán thịt gà tại chợ Phú Nhuận cho biết, hiện gà ta sống ở giá 140.000 đồng một kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với trước Tết.

Riêng thịt heo nạc, ba rọi giá 65.000 - 70.000 đồng một kg, nạc thăn giá 80.000đồng một kg tùy chợ. Các loại rau, củ tươi tăng giá bình quân 1.000 - 3.000 đồng so với trước Tết. Nguyên nhân là do tiểu thương tại hầu hết các chợ đều treo biển khai trương vào mồng 8 - 9 Tết nên có hiện tượng tăng giá tạm thời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật