Sự cố và man trá

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhật Bản là một nước được đánh giá cao về việc quản lý chất lượng trong sản xuất công nghiệp, những chương trình Q.C (Quality Control) của các tập đoàn công nghiệp của nước này luôn được xem là khuôn mẫu, tấm gương sáng cho các nước đang phát triển. Nhờ vậy hàng hóa “made in Japan”có uy tín rất lớn trên thị trường quốc tế.
Sự cố và man trá
Ảnh minh họa

Tuy nhiên trong quá trình phát triển với những thành tựu vô cùng rực rỡ từ năm 1950 đến nay, nhân dân - người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã phải trả giá đắt cho những bài học: sông ngòi, đất đai, không khí và con người luôn phải đối chọi với nạn ô nhiễm ngày càng gay gắt. bệnh Itai-Itai; Minamata; Hen suyễn… do nhiễm độc cadimi, thủy ngân, chì, hóa chất… đã gây đau đớn, tật nguyền và cái chết không đáng có cho biết bao con người.

Ô nhiễm môi trường ở chân núi Phú Sĩ

Với chuyên đề về ô nhiễm độc tố trong thực phẩm, chúng tôi đã chọn một số vụ án xảy ra trong quá khứ, có sự kiện đã trải qua gần nửa thế kỷ trước nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay… với hi vọng nước ta sẽ tránh được vết xe đổ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó vấn đề quản lý việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm trong môi trường cũng như trên con người thông qua thực phẩm chế biến, là những vấn đề thời sự nóng bỏng.

Theo nguồn tin  mới nhất của WHO, hàng năm nước ta có khoảng 8 triệu người bị ngộ độc thực phẩm trong đó  chỉ có 0,1% (8.000 người) được phát hiện và chữa trị, đây có phải là một thực tế đáng báo động?

Trong loạt bài này, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến Văn hóa “t‌ּự x‌ּử”(Jiketsu) của người Nhật Bản, một triết lý sống độc đáo thể hiện trách nhiệm và đạo đức (mỹ học) của cá nhân trước cộng đồng xã hội trong đó tinh thần của “thần đạo” (Shinto) vẫn còn đậm nét… mà bạn đọc có thể chứng kiến trong đời sống chính trị, xã hội của người Nhật ngày nay.

Hồ sơ nhiễm tụ cầu khuẩn trong sữa SNOW BRAND tháng 8/1955 và tháng 6/2000

nhiễm khuẩn lần thứ nhất

Là một tập đoàn chế biến sữa, thịt và thực phẩm nổi tiếng, có uy tín tại tỉnh Hokkaido, đứng hàng đầu ở Nhật Bản, được thành lập năm 1925 nhưng Snow đã gây ra sự kiện ngộ độc tập thể vào sáng ngày 1/3/1955 khi hơn 1.936 em học sinh của 5 trường tiểu học ở Tokyo bị đau bụng và tiêu chảy do nhiễm tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus Aureus) có trong lô sữa gầy (ít chất béo) do nhà máy Yagumo của hãng này sản xuất được cung cấp trong bữa cơm trưa thay thế sữa nhập khẩu.

Ngày 2/3/1955, Công ty Snow đã họp báo phủ nhận nhưng sáng ngày hôm sau, Sở Y tế thành phố Tokyo công bố kết quả kiểm nghiệm chính thức xác nhận sữa này nhiễm độc tố tụ cầu khuẩn vàng là nguyên nhân gây chóng mặt, đau bụng, buồn nôn... buộc lòng Snow phải chịu trách nhiệm, lập tức cho thu hồi toàn bộ sản phẩm đồng thời đăng tải “Lời cáo lỗi” khách hàng trên các báo.

Qua điều tra tại hiện trường, được biết nguyên nhân phát sinh tụ cầu khuẩn trong sữa nguyên liệu vì sự cố cúp điện xảy ra trong nhiều giờ, lượng sữa ngưng tụ ở bồn gia nhiệt quá lâu đồng thời nhân viên nhà máy còn tận dụng sữa cũ của những ngày hôm trước để “tái chế”, vì vậy lượng sữa nhiễm khuẩn tăng  đột ngột.

Việc Công ty sữa Snow có hành động đối phó tức thời khi phát hiện sai sót bằng cách cho thu hồi triệt để  sản phẩm nhiễm độc, bày tỏ thái độ thành khẩn với khách hàng như cử cán bộ đến từng nhà người gặp nạn để thăm hỏi, chăm sóc thuốc thang... đã được dư luận đánh giá cao, không những giảm thiểu được thiệt hại cho người tiêu dùng, mà về lâu dài đã giúp sản phẩm của Snow vực lại được sự tin cậy, tạo cơ hội cho sữa của Công ty Snow phát triển không ngừng, trở thành 1 trong 3 tập đoàn chế biến sữa mạnh nhất tại Nhật Bản trong những thập niên kế tiếp.

Sau đó, với kinh nghiệm này, Snow đã thực hiện việc giáo dục triệt để các nhân viên mới vào chương trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt chưa từng có  nhưng tiếc thay 45 năm sau, khi quy mô sản xuất mở rộng và phát triển lớn mạnh, Snow lại để xảy ra sự cố nhiễm độc tương tự nhưng quy mô lớn hơn gấp bội, đưa đến tình trạng suy thoái bi đát nhất trong lịch sử 75 năm  của Tập đoàn Snow.

nhiễm độc lần thứ hai vào 45 năm sau

 

Năm 1963, Chính phủ Nhật Bản quyết định cung cấp sữa miễn phí trong buổi cơm trưa của các cháu mẫu giáo và tiểu học tại trường vì vậy lượng sữa tiêu thụ năm 1964 tăng 1,822 % so với năm 1948. Đây là điều kiện để ngành sữa phát triển trong đó Snow vươn lên đứng đầu trong thị trường có quy mô 10 tỷ đô-la/năm trước khi xảy ra sự cố.

Vụ sữa Snow nhiễm độc lần thứ hai xảy ra vào ngày 26/6/2000 ở vùng Kansai làm 14.780 người bị ngộ độc. Đây là sự kiện nhiễm độc lớn nhất trong lịch sử, vượt cả quy mô nhiễm độc ars‌enic (thạch tín) trong sữa Morinaga xảy ra vào tháng 8/1955.

Theo điều tra thì sữa nguyên liệu sản xuất tại Nhà máy Taiki (Hokkaido) đã bị nhiễm tụ cầu khuẩn vàng từ độc tố ruột nguy hiểm nhất (Enterotoxin A), được đưa  về nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa ở Osaka và gây ngộ độc cho người dân trong vùng khi được tung ra thị trường.

Lý do được giải thích là vì sự cố cúp điện như sự cố năm 1955, trong thời gian này tụ cầu khuẩn đã phát sinh trong bồn chứa sữa đậm đặc và khâu phân ly (tách) sữa và kem, đồng thời đoàn kiểm tra phát hiện lối quản lý vệ sinh, quy trình sản xuất vô cùng bê bối, và phát hiện việc tận dụng loại sữa không tiêu thụ hết được nhà máy này thu hồi  “tái chế” trở lại.

Rõ ràng đây không phải là sai sót như lần đầu tiên mà bộc lộ cung cách làm ăn chạy theo lợi nhuận triệt để của một tập đoàn công nghiệp tư bản. Từ khi phát hiện sự việc đến khi ban giám đốc công ty này ra lệnh thu hồi sản phẩm phải chờ đợi mất 4 ngày vì những lời nói dối loanh quanh, cố tình phủ nhận, bưng bít thông tin của lãnh đạo.

Mãi đến ngày thứ năm, Chủ tịch Ishikawa Takuro mới chính thức thừa nhận, họp báo để “xin lỗi” khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong lúc số người bị hại mỗi lúc một tăng, tăng vọt, lan khắp 15 tỉnh thành ở Nhật Bản. Tình hình này đã gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo Snow đã bị giới truyền thông phản ứng dữ dội trước sự lan tỏa của sữa nhiễm độc và thái độ lừng khừng vô trách nhiệm của tập đoàn này.

Đến ngày 2/7/2000, tức một tuần lễ sau khi phát hiện sự cố, Snow tuyên bố đóng cửa nhà máy Osaka vô thời hạn, Chủ tịch Tập đoàn Snow - ông Ishikawa Takuro  họp báo vào ngày 9/7/2000 nói rằng ông “sẽ từ chức để nhận trách nhiệm” sau khi giải quyết hậu quả của sự cố để xoa dịu sự căm phẫn và phê phán gay gắt của công luận. Tuy nhiên ngày 10/7/2000, tức  một ngày  sau buổi họp báo, người ta lại phát hiện nhà máy Osaka vẫn tiếp tục sử dụng sữa bị nhiễm khuẩn thu hồi “tái chế” để đưa ra thị trường.

Điều này đã lộ rõ “bản chất” của Tập đoàn Snow, những phát biểu xin lỗi hay cải thiện... trước đó là giả dối, gây phản ứng dữ dội không những từ phía khách hàng mà Bộ Y tế Nhật Bản đã lập tức ra lệnh thu hồi chứng nhận HACCP (Hệ thống kiểm soát điểm hiểm nguy và vệ sinh an toàn thực phẩm) của nhà máy Osaka, đồng thời buộc 21 nhà máy trên cả nước của Snow phải ngừng sản xuất để kiểm tra vệ sinh, quy trình bảo vệ an toàn chất lượng sản phẩm trong đó nghiêm xét việc sử dụng sữa quá hạn để sản xuất trong suốt thời gian qua.

Trước sức ép lớn của xã hội cũng như sụp đổ uy tín nghiêm trọng này, ban lãnh đạo Tập đoàn Snow gồm 8 người đã phải từ chức đồng loạt vào ngày 28/7/2000, tức 32 ngày sau khi xảy ra sự việc.

Lãnh đạo Snow xin lỗi Chính phủ và nhân dân Nhật Bản

Snow là một tập đoàn sản xuất sữa chiếm 45% thị phần cả nước với doanh thu 10 tỷ đô la/năm, là nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm sữa lớn nhất tại Nhật Bản nhưng với cung cách quản lý cẩu thả và lối làm ăn gian dối liên tục xảy ra như trên đã đẩy công ty này đến bờ vực thẳm của phá sản.

Tất cả các siêu thị, trường học và gia đình từ chối sản phẩm của Snow, trong đó thế mạnh của Snow là siêu thị, 82,3% sản phẩm Snow trên thị trường được tiêu thụ qua mạng lưới này hoàn toàn bị loại trừ, các nhà kinh doanh bán lẻ thẳng tay “tẩy chay” không kinh doanh sản phẩm Snow vì sợ bị vạ lây và 10% sữa phân phối trong các trường mẫu giáo, tiểu học cũng không còn chỗ đứng.

Đánh tráo thịt bò “ngoại” thành thịt bò “nội” - một hành động man trá

Những sự việc tiêu cực đối với Snow đã không ngừng tại đây khi nội bộ tố cáo thịt bò mang nhãn hiệu “Snow” của Công ty Thực phẩm Snow (Snow Food company, một công ty con trong tập đoàn, Công ty mẹ là Snow Brand Milk chiếm giữ 65% cổ phần) ghi xuất xứ “Nhật Bản” nhưng thực chất là thịt bò nhập khẩu từ Australia và Mỹ.

Vào tháng 9/2001, Nhật Bản phát hiện bò điên bị chết cùng lúc với nạn dịch này bùng nổ ở Anh quốc, vì vậy Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh các nhà cung cấp thịt bò xuất xứ trong nước khẩn cấp thu hồi thịt trên thị trường để nộp cho chính phủ nhằm ngừa bệnh “bò điên” lây lan và có chính sách bù lỗ cho các nhà cung cấp khi thực hiện chủ trương này.

Tháng 10/2001, lợi dụng sự chênh lệch về giá thịt trong nước thu mua cao gấp 3 lần giá thịt bò nhập khẩu, Công ty Thực phẩm Snow đã cho nhà máy chế biến thịt ở Osaka dùng thịt của Australia vào bao bì ghi xuất xứ trong nước để hưởng sự bù lỗ của chính phủ, sau đó còn dùng thịt bò nhập từ Mỹ dán nhãn “xuất xứ trong nước” đưa ra tiêu thụ khi thị trường đang khan hiếm thịt nội địa. Đây là một hành động gian lận thương mại không tiền khoáng hậu, vừa lừa dối chính phủ để nhận tài trợ “bù lỗ” vì nạn dịch “bò điên” đồng thời lừa gạt khách hàng một cách trắng trợn.

Đến ngày 1/2/2002, Snow công bố là  đã “dán nhầm” lên tổng cộng 30 tấn thịt bò (13,8 tấn thịt của Australia và 16 tấn của Mỹ) thành xuất xứ  trong nước,  gây thiệt hai vô cùng nghiêm trọng lên cả công ty mẹ vì phản ứng dây chuyền, lỗ gần 71,4 tỷ yên (tương đương 541 triệu đô la) trong năm tài khóa 2001 (ở Nhật, năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau - ở đây là tháng 3/2002), đồng thời bản thân Công ty Snow Food cũng tuyên bố phá sản, “dẹp tiệm” vào ngày 30/4/2002 sau khi thiệt hại trên 25 tỷ yên, hoàn toàn bị đẩy lùi  khỏi thị trường cung cấp thịt bò tại Nhật Bản.

viện kiểm sát Osaka đã bắt ngay 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao đồng thời niêm phong trụ sở của Công ty Thực phẩm Snow để điều tra và khởi tố hình sự về hành vi gian lận thương mại.

Ngay lập tức, giá cả cổ phiếu của Tập đoàn Snow nói chung và Thực phẩm Snow nói riêng đã tụt dốc nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Tokyo - Osaka, buộc lãnh đạo tập đoàn phải thả nổi cổ phiếu của công ty con đồng thời vận động ngân hàng cũng như các đối tác thân cận đứng ra chia sẻ,  duy trì việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động của Công ty mẹ (Sữa Snow) mặc dù Snow đã giảm số nhân viên từ 15.000 (năm 2000) người xuống còn 4.591 người (năm 2003) trong chương trình “tái thiết” công ty.

Tình trạng lao đao của Snow  kéo dài, hậu quả vẫn còn cho đến tận ngày nay, chưa thể phục hồi mặc dù lãnh đạo mới của Snow không ngừng cam kết bảo đảm chất lượng và tích cực  sửa đổi cung cách làm ăn hòng cứu vãn uy tín của sản phẩm Snow, nhưng ấn tượng gian dối và lừa đảo trong sản xuất và kinh doanh của tập đoàn này không những đã tác động lên toàn ngành sản xuất sữa mà còn gây ấn tượng “chất lượng dỏm” của sản phẩm Nhật Bản đối với thế giới qua hai sự kiện nói trên. (Còn nữa)

4 căn bệnh lớn do ô nhiễm tại Nhật Bản

Tên bệnhNguyên nhânNơi phát sinhNăm
MinamataThủy ngânNhà máy Chisso1932-1968
Niigata MinamataThủy ngânNhà máy Điện Showa1965
Yokkaichi Hen suyễnSO2 và NO2Ô nhiễm không khí1961
Itai-ItaiCadimiMỏ ở  tỉnh Toyama1912
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật