“Cô béo từ thiện“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chồng làm xe ôm nhưng hàng ngày gia đình bé nhỏ vẫn tiết kiệm từng đồng để cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn.
“Cô béo từ thiện“
Những thùng mì tôm ân tình

Chúng tôi xuống với xóm gầm cầu phường Phúc Tân vào những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu. Những mảnh rác, rau củ vứt lại trên đường qua chợ cùng tiếng xe chạy tấp nập trên cây cầu Long Biên như báo hiệu cuộc sống không bằng phẳng của người dân nơi đây. Đường vào ngõ 195 Hồng Hà trở nên xa hun hút bởi lối đi rất hẹp. Nhà cửa được xây san sát như bấu víu, nương tựa vào nhau để sống...

Đi qua những ngôi nhà nhỏ bé, cũ kĩ đậm màu thời gian; chúng tôi có thể cảm nhận được không khí Tết đã len lỏi vào nơi đây. Đâu đó phảng phất sắc đào tươi, khung lạt làm hàng mã cũng được dựng ngay ngắn bên cạnh tường, người dân rộn rã gọi nhau… Họ đến nhà cô Hà béo 'xe ôm' để nhận quà Tết.

Món quà nào có nhiều nhặn gì, một thùng mì tôm cho mỗi một xuất. Ấy thế mà với những gia đình khó khăn nơi đây, món quà đó lại vô cùng ý nghĩa, nhất là khi họ nhận được từ một 'tấm lòng vàng' không hề dư giả. Chồng làm nghề xe ôm, vợ ở nhà quán xuyến cơm nước và hoạt động trong tổ dân phố. Chúng tôi đang nhắc đến cô Hà (tên thật là Hoàng Thị Xoan), người phụ nữ mà ai ai trong xóm gầm cầu Phúc Tân và làng chài ven sông Hồng đều gọi dưới cái tên trìu mến: cô béo từ thiện.


Với những người nghèo khó ở khu vực chân cầu, 'cô Béo' đã trở thành
người bạn thân thuộc

Ba năm trở lại đây, cứ mỗi ngày đi chợ, 'cô béo' lại bớt ăn bớt tiêu của gia đình, hôm 5000 đồng, hôm 10.000 đồng để cho vào một chiếc hòm cứu trợ nhỏ. Đến cuối năm, chiếc hòm được mở ra với một khoản tiền kha khá trên dưới 2 triệu đồng. Với số tiền này, cô Hà đã qui đổi thành 30 thùng mì tôm để tặng cho 30 gia đình khó khăn trong khu phố.


Chồng làm xe ôm, phải nuôi con ăn học nhưng gia đình nhỏ bé
vẫn tích kiệm từng đồng để cứu giúp những cảnh đời nghèo khó

Quỹ cô Hà béo được thành lập quả là đặc biệt. Bởi cắt giảm chi tiêu là việc không hề đơn giản, hơn thế nữa, số tiền tiết kiệm đó lại đem đi cho người khác. Đối với những người khá giả điều này đã đòi hỏi quyết tâm rất lớn và đối với những gia đình không có nhiều tiền như gia đình cô béo, điều này lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, việc làm của cô béo rất đáng trân trọng và biểu dương!

'Cô béo' bộc bạch với chúng tôi: "Ở khu này có nhiều gia đình hoàn cảnh lắm. Cuối năm mọi người sắm sửa, sum vầy thì những người dân bên sông Hồng vẫn từng ngày vật lộn để kiếm bát cơm qua ngày, thế nên mình càng phải giúp đỡ, âu đó cũng là tấm lòng của con cháu Bác Hồ".

Thực ra, khu xóm này có rất nhiều gia đình nghèo khó, nhưng trên hết, 'cô béo' thương cảm cho những số phận không may mắn. Đó là em Phương, bố mẹ mất do tệ nạn xã hội, phải sống cùng bà nội. Đó là em Linh, bố phải đi cai nghiện, mẹ ngày ngày đi bán hàng nước nuôi con ăn học. Được nhận quà, các em thích lắm, khuôn mặt rạng rỡ hẳn, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc và biết ơn.


Cụ Nguyễn Thị Khang xúc động nhận quà tết

Bên cạnh những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, 'cô béo' còn quan tâm đến người già nơi đây. Đó là cụ Nguyễn Thị Khang, năm nay đã 90 tuổi. Cụ sống với con trai và con dâu nhưng khổ lắm, bởi con trai cụ vừa phải lăn lộn đi xe ôm, vừa bị bệnh tật; con dâu thì hay gây gổ với chồng và mẹ chồng. Căn nhà chỉ 15 mét vuông thôi nhưng con dâu luôn đòi chia chác. Hàng ngày, cụ vẫn phải bám trụ vào đồng lương hưu và tiền trợ cấp xã hội thương binh liệt sĩ Nhà nước cho. Bên cạnh đó, cụ còn phải chăm lo cho cháu thằng cháu nhỏ vì bố mẹ không quan tâm đủ cho con.

Cách nhà cô Hà khoảng một cây, xóm chài nằm cô quạnh ven sông Hồng. Người dân nơi đây kiếm sống bằng nghề nhặt rác và ăn xin. Ngay cả một mái nhà họ cũng không có, phải dựng tạm túp lều bằng vài tấm ván gỗ và vải bạt. Chính vì vậy, cô Hà đã tặng 16 thùng mì cho 16 hộ gia đình nơi đây. Đáp lại tình cảm của cô Hà, xóm chài cũng tặng cô túi rau củ do chính họ trồng. Những 'món quà' đó, tuy giá trị vật chất không phải là nhiều nhưng lại nặng trĩu tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.


"Còn sống còn khỏe thì còn phải giúp người"

Dù mới lập xuân, nhưng thời tiết nóng nực như mùa hè, ai ai cũng cảm thấy bức bối, đặc biệt là đối với 'cô béo' Thế nhưng, những lời 'cô béo' tâm sự  khiến tôi quả thực bất ngờ: "Trời nóng thế này may thật! Như thế thì người dân xóm chài mới vui vẻ đón Tết được. Vì họ đâu có đủ quần áo ấm mà mặc khi trời lạnh."

Đối với 'cô béo', điều khiến cô hạnh phúc chính là sự động viên cổ vũ lớn lao từ chồng và 2 con. "Chồng cô rất khuyến khích cô tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bản thân cậu con trai cả cũng vừa đi làm vừa tham gia hội chữ thập đỏ cấp phường". Ghi nhận những đóng góp của cô Hà và gia đình, Hội chữ thập đỏ phường Phúc Tân đã trao bằng khen biểu dương gia đình cô.


Làng chài sông Hồng một ngày ấm áp cuối năm

Rời khỏi ngõ nhỏ nơi gầm cầu, câu nói chắc nịch của 'cô béo' vẫn ám ảnh trong tôi: "Còn sống, còn sức khỏe thì cô còn làm từ thiện!". Có lẽ tôi đã tìm ra đáp án cho câu hỏi ban đầu: vì sao một người không dư giả gì, chồng chỉ làm nghề xe ôm lại có đủ nghị lực bớt xén những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống để đi giúp đỡ người khác? Điều này bắt nguồn từ trái tim đồng cảm và giàu tình thương của một người phụ nữ tiêu biểu cho truyền thống dân tộc Việt Nam:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật