Tỷ giá nhân dân tệ bị đe dọa bởi chính người Trung Quốc

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đồng USD tăng giá đang khiến tỷ giá nhân dân tệ sụt giảm mạnh chưa từng thấy. Nhưng, nguyên nhân chính sẽ khiến cuộc khủng hoảng tỷ giá này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết thì lại đến từ chính các công ty và người Trung Quốc.
Tỷ giá nhân dân tệ bị đe dọa bởi chính người Trung Quốc
Ảnh minh họa

Những dự đoán của các chuyên gia trên thế giới về việc đồng nhân dân tệ sẽ nhanh chóng quay trở về giá trị thực của mình sau khi được xếp vào giỏ tiền dự trữ SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang trở thành hiện thực sớm hơn nhiều so với dự đoán. Ở thời điểm hiện tại, đồng nội tệ của Trung Quốc đang là một trong những đồng tiền chủ chốt trên thế giới có mức độ mất giá cao nhất so với đồng USD, khi tỷ giá nhân dân tệ/USD đã ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm rưỡi qua, và đang tạo ra những hệ lụy nguy hiểm buộc chính phủ Trung Quốc phải cứu vãn đà rớt giá. Sự tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ và chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Donald Trump đang kích hoạt một đợt sụt giá mạnh chưa từng thấy của đồng nhân dân tệ, thông qua sự tăng giá của đồng USD. Nhưng nguyên nhân chính sẽ khiến cuộc khủng hoảng tỷ giá này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết thì lại đến từ chính các công ty và người Trung Quốc.

Tỷ giá nhân dân tệ/USD sụt giảm mạnh trong suốt khoảng thời gian vừa qua đang là một thách thức thực sự với chính phủ Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Tính từ đầu tháng 10.2016 đến nay, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 3,1% so với đồng USD, đưa đồng nội tệ của Trung Quốc trở thành một trong những đồng tiền chủ chốt trên thế giới có mức độ mất giá cao nhất so với đồng bạc xanh của Mỹ, bên cạnh đồng euro. Nếu không được kiểm soát và cải thiện, điều này có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng như tăng khối lượng nợ của Trung Quốc, tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng, và trong kịch bản xấu nhất có thể đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào khủng hoảng do không thể kiểm soát được tỷ giá đồng nội tệ khi nhu cầu nắm giữ USD thay vì nhân dân tệ tăng đột biến trong xã hội.

Theo số liệu thống kê, số tiền ngầm chảy ra khỏi Trung Quốc trong năm 2015 đạt khoảng 526 tỉ USD, và chủ yếu diễn ra thông qua việc các tổ chức và cá nhân ở nước này làm giả hóa đơn để chuyển tiền ra nước ngoài. Lý do của tình trạng này là vì quy định mỗi cá nhân ở Trung Quốc không được phép mang quá 50.000 USD ra nước ngoài trong vòng 1 năm, và họ buộc phải lách luật khi chính phủ Trung Quốc cho phép tự do hóa các giao dịch thanh toán vãng lai trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ từ năm 2012. Và khi mà tỷ giá nhân dân tệ/USD sụt giảm trầm trọng, thì nó có thể khiến tình trạng chảy máu dòng vốn ra nước ngoài trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Vào tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã phải bổ sung thêm một cơ chế mới, trong đó yêu cầu các giao dịch vốn trên 5 triệu USD phải cần sự chấp thuận của Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối. Theo một ngân hàng Pháp ước tính, tình trạng chảy máu dòng vốn ngầm khỏi Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong năm nay, lên tới khoảng 900 tỉ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn một đối tượng khác đang đe dọa đến tỷ giá nhân dân tệ, đó chính là người dân trong xã hội Trung Quốc. Theo Xia Le, nhà kinh tế tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA có trụ sở tại Hồng Kông, thì cá nhân và hộ gia đình đang là mối đe dọa lớn nhất đối với đồng nhân dân tệ ở thời điểm hiện tại, vì đây là đối tượng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn. Khi nhân dân tệ sụt giá mạnh so với đồng USD, các cá nhân và hộ gia đình Trung Quốc sẽ có xu hướng đổi sang ngoại tệ để tiết kiệm, và điều này sẽ khiến nhân dân tệ càng mất giá mạnh thêm. Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, tiết kiệm bằng ngoại tệ tại các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng lên đến mức kỷ lục là 113 tỉ USD trong tháng 10.2016.

Những biến động này đang khiến cho quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, do Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phải liên tục bơm USD ra thị trường để ổn định tỷ giá nhân dân tệ. Trong tháng 11 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 69,1 tỉ USD – mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1 năm nay, cao hơn mức giảm gần 60 tỉ USD vào tháng 10, và khiến cho quy mô dự trữ hiện chỉ còn khoảng 3.050 tỉ USD mà thôi – theo số liệu công bố của PBOC ngày 7.12.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật