Đã có 40.000 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo thống kê, trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40.000 bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%.
Đã có 40.000 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH QGHN, trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V

Thông tin trên được GS.TSKH Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH QGHN đưa ra tại buổi họp báo sáng nay 8/12 về Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, (sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 16/12/2016 tại Hà Nội) với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.

GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH QGHN, trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V cho biết, hội thảo quốc tế Việt Nam học là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.

Trong khi các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” thì Hội thảo lần này đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm đến vấn đề giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu...

GS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, ở trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40.000 bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Đây là các lý do mà ĐHQGHN muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Được biết, trong top 10 các đơn vị nghiên cứu mạnh về Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất đã có tên 5 cơ sở của Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội, viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, 3 đơn vị đứng đầu Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh nội dung học thuật, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ V này được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu; hướng tới việc quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.

Theo Ban tổ chức, các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật