Làm sao để hạn chế ‘sách rác’?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số lượng xuất bản phẩm vi phạm nội dung bị xử lý hàng năm đang tăng lên. Vai trò của đội ngũ biên tập viên trong vấn đề này là rất lớn.
Làm sao để hạn chế ‘sách rác’?
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, liên tiếp nhiều cuốn sách “sai kinh hoàng”, đi ngược thuần phong mỹ tục… bị phát hiện gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như cuốn Từ điển tiếng Việt của Vũ Chất được một số nơi xuất bản nhiều lỗi sai khiến dư luận dậy sóng. Cuốn Bộ luật Dân Sự (NXB Lao Động – Xã Hội) in ảnh chế diễn viên Công Lý cởi trần mặc quần đùi lên bìa là sự tắc trách của hệ thống biên tập, duyệt bản thảo của NXB.

Lượng xuất bản phẩm vi phạm nội dung tăng lên

Lượng sách vi phạm mà Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) phát hiện và xử lý tăng lên qua từng năm. Bà Mai Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Xuất bản, cho biết năm 2011, cơ quan này xử lý 55 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, tới năm 2014 tăng lên 129 xuất bản phẩm vi phạm, năm 2015 là 128 xuất bản phẩm vi phạm.

Biên tập viên – những người vốn được coi là “bà đỡ” hay “người gác cửa nội dung” có vai trò quan trọng trong việc làm nên một cuốn sách giá trị hay không.

“Rác” là từ ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, nói về những cuốn sách sai phạm. Trong phần phát biểu đề dẫn hội thảo về công tác biên tập viên xuất bản (tổ chức sáng 18/11 tại Hà Nội), ông Hòa cho biết trước khi đến hội thảo, ông đã ký công văn xử lý 4 cuốn sách vi phạm, mà cả 4 cuốn đều do một biên tập viên đứng tên.

Vị Cục trưởng Cục Xuất bản miêu tả cảm giác của mình khi ký những văn bản này là "đau đớn". Bởi theo ông, phải tiếp nhận một cuốn “sách rác” là điều không ai muốn. Ông Chu Văn Hòa đánh giá, việc các biên tập viên nhà xuất bản làm việc thiếu trách nhiệm, yếu chuyên môn là hành vi “đổ rác” lên vai cơ quan quản lý.

Hiện nay, cả nước có 60 nhà xuất bản, số lượng biên tập viên qua khảo sát là 1.159 người. Lượng biên tập viên được cấp chứng chỉ hành nghề của các công ty sách tư nhân khoảng 100 người. Trong đó, lực lượng biên tập viên trẻ về tuổi đời và tuổi nghề khá cao, nên tuy được đào tạo cơ bản, song công việc đặc thù đòi hỏi biên tập viên phải trải qua một thời gian thử thách để trau dồi.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng sách sai phạm, khâu biên tập chưa được tốt được chỉ ra. Một số nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, buông lỏng công tác quản lý, quy trình biên tập, quy trình liên kết xuất bản. Đây là nguyên nhân chính để xuất bản phẩm có nội dung không tốt lọt ra thị trường.

Một số biên tập viên yếu kém về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và thiếu thông tin, nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạ‌y cả‌m.

Công tác kiểm tra, phát hiện sai phạm để xử lý còn hạn chế do những nguyên nhân khách quan như thiếu nhân lực, kinh phí.

Cần xác định rõ trách nhiệm của NXB 

Để nâng cao công tác biên tập, nhiều giải pháp được đưa ra. Đối với cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Xuất bản, một số biện pháp cụ thể đã và sẽ được triển khai, như việc rà soát, đánh giá năng lực xuất bản dựa trên chức năng, nhiệm vụ của một số nhà xuất bản.

Đối với những nhà xuất bản nhiều sai sót trong liên kết xuất bản mà không rút kinh nghiệm, Cục sẽ hạn chế số tên sách được xác nhận đăng ký xuất bản để cân xứng với lượng biên tập viên.

Thời gian qua, nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ biên tập viên, cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên đã được thực hiện. Cục Xuất bản đề nghị xác định rõ trách nhiệm của nhà xuất bản đối với việc áp dụng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của biên tập viên.

Bên cạnh đó, Cục Xuất Bản đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với biên tập viên và tổng biên tập các nhà xuất bản.

Đối với các nhà xuất bản, quy trình biên tập, xuất bản đã được đưa ra, cần được thực hiện chặt chẽ. Một bản thảo trước khi in thành sách cần qua biên tập của biên tập viên, trưởng ban biên tập, tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản.

Từ hoạt động thực tiễn, đại diện một số nhà xuất bản cũng đưa ra các giải pháp nâng cao hoạt động xuất bản. Ông Anh Vũ – Giám đốc NXB Văn Học, cho rằng quy trình biên tập được hướng dẫn ở nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên đi sâu vào vấn đề bếp núc, chuyên môn của công việc biên tập cần có sự cân nhắc, cẩn trọng, kỹ lưỡng nhằm xây dựng một hệ thống những kỹ năng, tiêu chí, quy định… để tạo một quy trình biên tập chuẩn, phù hợp, có ý nghĩa lâu dài.

Ông Thành Nam – Phó Giám đốc NXB Trẻ, đề nghị Cục Xuất bản thường xuyên gửi cho các NXB những lỗi ở những cuốn sách để các biên tập viên rút kinh nghiệm. Ông Nam cũng cho rằng, ngày nay một biên tập viên không chỉ nên ngồi chờ tác giả mang sách tới. Họ cần tìm kiếm tổ chức bản thảo, có ý tưởng thiết kế, bìa, tổ chức truyền thông. Họ cần tư duy của một người quản lý cho một dự án.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật