Bật mí về nghi lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người muốn lễ hoàn táng phải theo nghi thức dành cho một vị vua, dù chẳng ai dám chắc phải tổ chức nghi lễ như thế nào...? Nghi lễ dành cho vua đời Lê không thể như vua đời Nguyễn...
Bật mí về nghi lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông
Đoàn xe chở di hài vua Lê Dụ Tông về làng Bái Trạch

Vậy là di hài vua Lê Dụ Tông đã được hoàn táng yên lành sau chặng đường dài gian nan lận đận.

Vài chục năm nằm yên nơi Bảo tàng Lịch sử phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, dù nhiều nhà khoa học cũng công nhận rằng chẳng thể nghiên cứu được gì hơn nữa với trình độ hiện tại của ta, còn để phục vụ tương lai lâu dài thì chỉ cần lưu giữ đủ các mẫu hiện vật (như mẫu tóc chẳng hạn). Tuy thế, cũng có người cho rằng thi hài vua Lê Dụ Tông đã là một di sản văn hóa nên cần phải được bảo vệ theo Luật Di sản, và sợ việc trao trả di hài nhà vua về cho dòng họ Lê sẽ tạo ra tiền lệ xấu khi các dòng họ khác cũng sẽ đòi lại những di sản chung.

Cũng bởi những tranh luận qua lại này mà dạo năm 1996, đề nghị của dòng họ Lê mới chưa được chấp thuận, để 10 năm sau, 17/10/2006, dòng họ Lê tiếp tục gửi tờ trình đề nghị được đưa di hài nhà vua về Thanh Hóa. Mất thêm tới gần 3 năm để hoàn tất rất nhiều thủ tục như hỏi ý kiến các bên, quyết định sẽ hoàn táng rồi lại phải bàn bạc xem cấp nào sẽ tổ chức, nghi lễ như thế nào, đưa di hài vua về nơi đâu...

Cuối cùng thì ngày giờ đưa di hài nhà vua về quê cũng đã được ấn định (vào 10/10 âm lịch).

Vội vàng thì chưa thể chu đáo! Khu đất sẽ được quy hoạch

Mọi chuyện tưởng thế đã êm xuôi thì lại dấy lên tranh luận nóng khi tỉnh Thanh Hóa quyết định đưa thi hài vua về làng Bàn Thạch, thay vì về nơi đã tìm thấy thi hài vua ngày xưa (tại làng Bái Trạch). Lại thêm trao qua đổi lại, không bên nào chịu bên nào, lúc nghe thông tin cả tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH - TT - DL sẽ thuận theo đề nghị của Hội đồng họ Lê, nhưng kể cả Hội đồng họ Lê "thỏa thuận" sẽ đưa về làng cũ rồi thì vẫn có những thành viên của chính hội đồng dòng họ Lê không đồng ý, với lập luận phong tục của ta không thể chôn về lại chỗ cũ.

Người ngoài theo dõi chẳng biết đâu mà lần, chỉ một từ "hoàn táng" mà người bảo đã "hoàn" thì phải về chỗ cũ, kẻ lại cãi hoàn táng hay cải táng gì cũng phải ra chỗ mới hết. Chỉ có một điều những người muốn về chỗ mới quên mất rằng, huyệt mộ mới không có nghĩa là... một làng mới, một xã mới. Nếu cần một chỗ mới, có đến cả trăm vị trí ở làng Bái Trạch sẵn sàng đón thi hài vua trở về.

Rốt cuộc chỉ vì những giằng co ấy mà không ai dám quyết định một chỗ nằm mới cho vua Lê Dụ Tông. Như thứ trưởng Trần Chiến Thắng giải thích trong buổi họp báo, ngày xưa khi an táng, các cụ đã chọn đất rồi, giờ ai dám khẳng định có khu đất nào tốt hơn? Thôi thì, trước cụ ở đâu, giờ đưa về đó, dù có đang thuộc vườn nhà dân, dù có phải di dời vài hộ gia đình, phải giải phóng mặt bằng thì cũng làm.

Quyết định cuối cùng được đưa ra quá gấp rút khiến họ Lê và dân làng Bái Trạch dù vô cùng cố gắng cũng không thể chuẩn bị khu đất dành cho lăng mộ vua được chu đáo. Đến sát ngày vẫn có hộ chưa thể dời đi vì chưa kịp nhận đền bù, chưa kể mấy ngày cuối cùng trời mưa gió sụt sùi. Vậy nên mới có chuyện đến hôm làm lễ, nhiều người phàn nàn khu lăng mộ chưa được chuẩn bị chu đáo, còn lộn xộn, rồi có những người dân dù sẵn sàng di dời để dành đất cho khu lăng mộ của vua nhưng vẫn bức xúc, băn khoăn chuyện tiền đền bù, chuyện phải làm sao để họ ổn định cuộc sống sau này?

Chuyện chọn địa điểm đã "rối bời", đến việc nghi lễ tổ chức thế nào cũng khiến các bên "đau đầu". Nhiều người cứ muốn lễ hoàn táng phải theo nghi thức của một vị vua, dù chẳng ai dám chắc nếu muốn sẽ phải tổ chức nghi lễ cho vị vua ấy như thế nào? Nghi lễ dành cho vị vua đời Lê không thể như vua đời Nguyễn, vua ta không thể giống vua... nước khác.

May rồi lãnh đạo, các nhà khoa học và dòng họ cũng thỏa thuận được, sẽ là nghi lễ trang trọng, kết hợp giữa truyền thống và vận dụng nghi thức của lễ tang hiện hành. Nói thế, nhưng từng chi tiết cụ thể vẫn bị cánh báo chí vặn hỏi, nào là vì sao lại làm một giờ sáng mà không phải chiều tối, nào quan tài của vị vua sẽ ra sao, đồ tùy táng đưa theo thế nào, không phải đồ ngày xưa (vì hư hỏng hết rồi) thì đồ mới có phục dựng y hệt không? Khổ cho Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức, cứ phải cặn kẽ giải thích từng tý một, giải thích xong vẫn "lo" báo chí không hiểu lại bình luận nọ kia. 

Dân làng tràn cả ra đường chờ đón đoàn rước di hài nhà vua...

Chính những lằng nhằng qua lại ấy đã khiến lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông trở thành sự kiện nóng được đông đảo dân chúng quan tâm, bình luận. Nhiều người có dịp chứng kiến tận mắt thắc mắc, có nhiều "lỗi" thế, sao báo chí lại vẫn khen là "tốt đẹp". Họ kể những lỗi như xe chở bài vị xấu và sơ sài quá, không giống dành cho một vị vua, đoàn xe dẫn đường chưa làm tốt nhiệm vụ nên để nhiều xe của dân chen lấn với đoàn xe của BTC, rồi khu đất làm lăng mộ còn bừa bộn, rồi báo chí không có khu vực tác nghiệp, người dân muốn xem phải leo trèo khắp nơi...

Tất cả cũng chỉ bởi quá trình chuẩn bị quá gấp gáp, như chuyện xe chở bài vị không được sạch bởi đã đi cả đoạn đường dài từ Thanh Hóa lên trong thời tiết mưa gió. Rồi lễ hoàn táng diễn ra ở một vùng thuộc diện "vùng sâu vùng xa", lượng người về lại quá đông...

Trong điều kiện như thế, có thể thấy BTC chính thức (Bộ VH - TT - DL và tỉnh Thanh Hóa) cũng như Hội đồng họ Lê đều đã rất cố gắng. Nhưng vẫn không tránh khỏi tiếc nuối, giá như dòng họ Lê tìm được sự đồng thuận sớm hơn, để công tác chuẩn bị được chu đáo hơn, tránh những lỗi không đáng có để bị phê phán là ứng xử chưa tốt với tiền nhân, nhất là tiền nhân ấy lại là một vị vua. 

Giờ lễ hoàn táng đã xong, chỉ mong Hội đồng họ Lê sẽ góp sức với chính quyền giải quyết ổn thỏa những vướng mắc còn lại, để người dân được yên tâm, mà vua Lê Dụ Tông cũng yên lòng nơi chín suối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật