Trung úy cảnh sát 2 lần bị taxi “húc và đẩy“ là ai?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi chỉ sợ mình không làm tròn trách nhiệm của người CSGT, còn không sợ gì những hành vi ngang ngược của người vi phạm…”, trung úy Nguyễn Việt Anh, đội CSGT số 3, người đã 2 lần dũng cảm “đối đầu” xe taxi vượt đèn đỏ trả lời rất hiền lành.
Trung úy cảnh sát 2 lần bị taxi “húc và đẩy“ là ai?
Trung úy Nguyễn Việt Anh trong lễ đón nhận bằng khen của Tổng cục cảnh sát vì đã có thành tích xuất sắc khi làm nhiệm vụ.

"Tôi chỉ sợ mình không làm tròn trách nhiệm của người CSGT"

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai làm trong ngành cảnh sát, nhưng với niềm đam mê phim hình sự từ khi còn học phổ thông, Việt Anh đã quyết tâm thi vào Học viện Cảnh sát. Kỳ thi đại học năm 2003, Việt Anh trúng tuyển vào hệ Trung cấp của trường. Việt Anh bảo, chính nơi đây đã rèn dũa cho anh nghị lực của một chiến sĩ cảnh sát “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Ngày 20/1 vừa qua, dư luận xôn xao và tỏ ra rất bất bình về chuyện một trung úy CSGT bị chiếc taxi hãng CP Hà Nội đẩy đi 100m phía trước đầu xe. Người chiến sĩ này chính là Việt Anh (Đội CSGT số 3). Trước phản ứng gay gắt của các chiến sĩ cảnh sát và cả trăm người đi đường, tài xế của chiếc xe trên mới chịu dừng lại, xuống làm việc.

Tuy nhiên, cũng ít ai ngờ rằng Việt Anh cũng là "nạn nhân" trong một vụ việc tương tự ngày 12/6/2007. Tại ngã tư đường Láng Hạ, chiếc taxi do lái xe Phạm Hữu Kiên điều khiển đã cố tình vượt đèn đỏ phóng qua ngã tư. Ngay lập tức, Việt Anh - khi đó là thượng sỹ - đã chặn trước hướng xe chạy, ra tín hiệu yêu cầu lái xe dừng vào lề đường. Tuy nhiên, tài xế vẫn ngoan cố rồ ga lao thẳng vào người anh.

Kiên quyết không bỏ cuộc, Việt Anh đã tránh sang trái và nhảy lên đầu xe, quyết tâm dừng cho bằng được chiếc xe. Bất bình trước cảnh đó, người dân cũng đã đổ tới giúp người CSGT chặn chiếc xe lại. Cuối cùng chiếc xe đã bị chặn đứng sau khi chạy được khoảng 40m.

Hai lần đối đầu xe taxi vượt đèn đỏ chống người thi hành công vụ là hai lần anh đứng trước ngưỡng cửa “tử thần”, sự sống và cái chết lúc đó rất mong manh. Song chàng cảnh sát sinh năm 1984 này cho rằng đó là nhiệm vụ và trách nhiệm mà người CSGT nào cũng cần phải làm.

Khi được hỏi, lao ra chặn đầu xe như vậy, nhất là với những đối tượng cố tình vi phạm, anh không sợ nguy hiểm đến tính mạng sao, Việt Anh trả lời hiền lành: “Tôi chỉ sợ mình không làm tròn trách nhiệm của người CSGT, còn không sợ gì những hành vi ngang ngược của người vi phạm, sự sợ hãi trong tôi lúc đó hoàn toàn không có, nhưng lo nhất tài xế taxi gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân".

Theo Việt Anh, tình huống chặn đầu xe như trong “phim hành động” của anh không hề có trong những bài giảng lý thuyết ở trường mà đó chỉ là phản xạ bản năng và cái tâm của người chiến sĩ CSGT trong cuộc đấu tranh chống lại những hành vi phạm pháp nghiêm trọng.

Bận bịu với công việc nhưng những lúc rảnh rỗi, Việt Anh lại dành thời gian cho đam mê của mình đó là ngồi trước ti vi để tìm đến đón xem những bộ phim cách mạng và chuỗi phim cảnh sát hình sự. Việt Anh thích những bộ phim này vì trong phim phản ánh phần nào về đời sống và công việc của những chiến sĩ cảnh sát như anh.

Trung úy Nguyễn Việt Anh hiền lành bên cha khi ở nhà. 

Gia đình và người yêu ngăn nhưng… không cấm

Hai lần biết chuyện Việt Anh dũng cảm đấu tranh với người vi phạm là hai lần cả gia đình anh bất an. Mọi người trong nhà ai cũng lo lắng thậm chí anh còn bị bố… mắng. Nhưng rồi ai cũng hiểu tính chất công việc của anh nên cuối cùng chỉ biết "khuyên răn" nhẹ nhàng.

Bà Nguyễn Thị Thúy, mẹ của Việt Anh bày tỏ: “Lần nào nó “gây” ra chuyện khi làm nhiệm vụ như thế phải đến mấy ngày sau tôi mới biết do... hàng xóm nói. Nó về giấu bặt vì sợ mẹ lo. Tôi cũng biết là do công việc, nhưng làm như vậy thì nguy hiểm lắm, không may có mệnh hệ gì. Nhưng rồi cũng chỉ biết khuyên bảo tìm giải pháp khác chứ cũng không thể cấm nó được".

Ông Nguyễn Đình Thạch, cha của Việt Anh, chia sẻ: “Nghề nào cũng phải chịu hy sinh mất mát, con mình đấu tranh chống tiêu cực nguy hiểm, nhiều lúc cũng thương cũng xót mắng mỏ nó. Nhưng cái nghiệp nó vận vào thân rồi, giúp ích được cho đời là việc tốt, mong sao ý thức người dân được nâng cao, xã hội ngày càng văn minh thôi”.

Bạn bè và đồng nghiệp của Anh gọi anh là “thằng liều” hay “thái quá” và khuyên “chẳng dại gì”, nhưng Việt Anh chỉ cười hiền: “Liều trước còn hơn là khi thấy hậu quả rồi thì muốn liều cũng không được nữa”.

Việt Anh bên người vợ sắp cưới cũng là một chiến sĩ cảnh sát.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, người yêu và cũng là người vợ sắp cưới của Việt Anh, từng là “fan” hâm mộ chàng chiến sĩ CSGT dũng cảm, khi còn đang là SV tại Học viện Cảnh sát.

Hiếu "bật mí" yêu anh ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Chị Hiếu tâm sự: “Là người trong ngành nên em hiểu rất rõ những tình huống có thể xảy ra trong công việc nên rất thông cảm trước những tình huống xử lý của Việt Anh. Lần này biết chuyện anh ấy lại làm như vậy cũng lo lắng lắm, nhưng đã là công việc thì người chiến sĩ cảnh sát buộc phải làm hết trách nhiệm của mình để đảm bảo an toàn cho nhân dân, đó là điều cần thiết phải làm”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật