Nghệ sĩ Thanh Thủy: “Diễn nhạt hay không do mình”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị không kén vai chính hay phụ, bi hay hài, ác hay lành. Với chị, mỗi vai diễn là một bài học để giáo dục con cái tốt hơn…
Nghệ sĩ Thanh Thủy: “Diễn nhạt hay không do mình”
"Bản thân mình phải bù đắp cho nhân vật theo suy nghĩ của mình."

Lúc mới vào nghề, chị luôn cảm thấy tuyệt vọng với bản thân mình. Khi hiểu thế nào là định mệnh, chị lại cho rằng không có gì phải tuyệt vọng hay mất niền tin. “Trời đã cho mình cái nghề thuộc về năng khiếu thì đó là may mắn.” - Thanh Thủy tâm sự.

May mắn hơn, Thanh Thủy có người chồng làm về khoa học biết cảm thông với công việc nghệ thuật của vợ, hai cô con gái thông minh nên “nổi loạn” rất đúng lúc.

Xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai trò như: diễn viên truyền hình, kịch, MC… chị có sợ mình sẽ bị nhạt trước khán giả không?

Tôi không nghĩ đến chuyện đó, diễn nhạt hay không do mình. Nếu mình hóa thân vào nhân vật không hay, không độc đáo thì khán giả không thích đó là chuyện bình thường.

Tôi có thói quen đọc kịch bản nhiều lần, nếu thấy đồng cảm với nhân vật thì tôi mới nhận vai.

Vậy chị phải chuẩn bị như thế nào cho vai diễn?

Tôi không đắn đo nhiều trong chuyện này. Bởi vì khi đạo diễn giao vai, họ cũng hiểu Thanh Thủy như thế nào. Đương nhiên, mình cũng phải đi theo cái quỹ đạo chung và dựa vào trong kịch bản, dựa vào nhân vật mà tác giả đã định hình trong đó.

Bản thân mình phải bù đắp cho nhân vật theo suy nghĩ của mình. Phải gắn vào những mối quan hệ xung quanh, đó là thời đại, con người để lột tả đúng với ý đồ tác giả.

Nhân vật như thế nào thì chị mới thích?

Tôi không kén vai chính hay phụ, bi hay hài, ác hay lành, nhưng thường thì các tác giả đã định hình cho mình vào những vai như: phụ nữ nghèo, số phận khổ sở, trắc trở trong chuyện gia đình, con cái…

Bản thân mình đã cho người ta thấy cái gu, nghĩa là cái chất, rồi từ đó khán giả quen thuộc. Cứ thế mà các nhà làm phim, đạo diễn thường giao cho mình những vai như vậy.

Buổi sáng ngồi dẫn chương trình, chiều vào vai mẹ, tối diễn cho ra… bà nội. Chị phải diễn như thế nào để tất cả đều rất duyên, nhất là diễn cho thiếu nhi?

Tôi nghĩ, mình phải hiểu tâm hồn của trẻ và phải hiểu được cách để thể hiện điều đó. Diễn cho thiếu nhi phải nói cụ thể hơn, nói rõ ràng hơn chứ không thể nói một cách lặng lẽ, nói một cách triết lý như nói với người lớn. Do đó, diễn kịch thiếu nhi cực hơn, về mặt hình thể, về ca múa, đòi hỏi phải có hình thức hấp dẫn.

Diễn kịch thiếu nhi thì mình phải hiểu mới diễn được, khi đã hiểu được thì rất dễ diễn. Cách diễn của nó cũng phải có nét riêng. Khi giận dữ hay yêu thương vẫn khác với việc mình thể hiện trên sân khấu của người lớn.

Những vở kịch dành cho thiếu nhi giúp chị trong việc dạy con ra sao?

Mỗi vai diễn là một bài học giúp tôi giáo dục con cái tốt hơn. Có những vở diễn tác động đến trẻ em rất nhiều, cho nên khi mình làm những vở cho thiếu nhi.

Tôi nghĩ rằng nếu như mình có cái tâm, có trách nhiệm với xã hội, với con mình thì nên chọn vở diễn có tính giáo dục trong đó. Để giáo dục cho con đẹp hơn, muốn trẻ nó tốt hơn thì phải cho nó thấy được những cái xấu lẫn cái hay.

Tham gia vào chương trình“Chuyện ngày xưa” dành cho thiếu nhi trên sân khấu kịch Idecaf với cách thể hiện còn mới, chị nghĩ gì khi khán giả nhí sẽ quay lưng với chương trình?

Có lẽ đã đến giai đoạn phải đổi hình thức, đổi cách kể chuyện cho phong phú hơn vì cái gì cũng phải cạn. Đối với thiếu nhi, mình chọn hình thức kể chuyện là cổ tích, rồi khái quát, hư cấu lên để trở thành những bài học có ý nghĩa, mà kho tàng cổ tích nó phải mài mòn dần chứ.

Có những cái mình làm kịch được, có cái thì không. Đó cũng là điều mà các sân khấu cố gắng thay đổi để cho ra đời những vở mới và hấp dẫn hơn.

Thanh Thủy tại một buổi tập với đồng nghiệp.

Chị băn khoăn về việc nhiều chương trình đi theo lối mòn. Vậy chị có ý tưởng gì để sân khấu phát triển?

Chắc chắn là có, nhưng 1 mình thì khó lắm. Tôi cũng khát khao để dựng và có những người bạn để cùng thực hiện, nhưng chưa được vì còn khó khăn trong việc tìm tác giả, diễn viên và nhất là địa điểm.

Một hai năm nữa sẽ có chương trình như vậy, tôi cũng đang phấn đấu trong năm tới sẽ làm được một chương trình nào đó thật hấp dẫn, đủ mới để phục vụ khán giả.

Tên "Thanh Thuỷ" được thiếu nhi yêu thích. Chị nghĩ gì khi khán giả tìm tên chị trong bảng kịch mục để mua vé xem?

Đó là hạnh phúc rất lớn cho tất cả diễn viên. Hạnh phúc lắm khi mình có một chỗ đứng, một hình ảnh trong lòng khán giả, vì mình phải phấn đấu mấy chục năm để tạo nên hình ảnh như vậy, điều đó không dễ dàng. Đương nhiên, mình đã có thì chẳng ai muốn mất bao giờ.

Hiện tại, chị đang tham gia vào các vở diễn cho mùa Tết?

Bây giờ tôi đang chuẩn bị cho vở diễn “Thuốc đắng dã tật”, đồng thời cũng tham gia vào các vở diễn dành cho thiếu nhi như: “Hồng Hài nhi đại chiến Tề thánh” cho qua Tết.

Vai diễn chị tâm đắc nhất trong năm qua?

Riêng tôi, vai Thuận Khanh trong vở "Ngàn năm tình sử", Sương trong vở "Cánh đồng bất tận"- là vai hay, vai đẹp. Hai vai đã giúp sức tôi rất nhiều trong con đường đi của mình.

Mỗi một vai diễn đi qua đều cho tôi rất nhiều bài học. Chúng tôi còn diễn nghĩa là chúng tôi vẫn còn học. Và chúng tôi vẫn đang học từng ngày.

Cảm ơn chị! Chúc chị sang năm mới hạnh phúc và thêm nhiều vai diễn thành công hơn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật