Xuôi ngược các quỹ đầu tư

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2009, TTCK Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, kéo theo sự thành công rực rỡ của các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, thống kê kết quả kinh doanh sơ bộ cho thấy, bên cạnh những quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng cao thì có không ít quỹ chỉ đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí có quỹ còn thua lỗ.
Xuôi ngược các quỹ đầu tư
Vietnam Emerging Equity Fund có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) ấn tượng nhất năm 2009

Những quỹ vượt trên thị trường

Trong thống kê các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam của Rothschild, mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) ấn tượng nhất năm 2009 tính đến thời điểm này thuộc về Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) do Công ty Quản lý quỹ PXP as‌set Management quản lý.

Số vốn huy động ban đầu (ngày 2/11/2005) của VEEF là 13,8 triệu USD. Năm 2008, NAV của Quỹ này giảm mạnh (-73,6%), nhưng tính đến hết ngày 22/12/2009, NAV của VEEF tăng 64%, đạt 11 triệu USD. Trong chuỗi thời gian 5 năm hoạt động, năm 2009 là năm thứ 4 Quỹ đạt tốc độ tăng NAV ấn tượng (năm 2006 tăng 87,5%, năm 2007 tăng 24,5%).

Điều này cho thấy, VEEF hoạt động rất hiệu quả trong điều kiện thị trường tăng trưởng mạnh (kể từ đầu năm 2009 đến nay, NAV của Quỹ có mức tăng lớn hơn 94,5% so với mức tăng của VN-Index), nhưng khả năng “chống chọi” và phòng ngừa rủi ro tương đối thấp (năm 2008, VN-Index giảm 66%, nhưng NAV của Quỹ giảm 73,6%).

Hai quỹ khác có mức tăng NAV năm 2009 (tính đến ngày 22/12) lớn hơn mức tăng bình quân của thị trường cũng do PXP as‌set Management quản lý là PXP Vietnam Fund, với mức tăng 56,2%, đạt 57 triệu USD và Vietnam Lotus Fund, với mức tăng 39,3%, đạt 25 triệu USD.

Đóng góp vào danh sách những quỹ có mức tăng NAV lớn hơn thị trường năm 2009 còn có 2 quỹ do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VAM) quản lý. Theo đó, NAV của HLG Vietnam Fund tính đến cuối tháng 11 tăng 62,7%, so với thời điểm mở quỹ (tháng 2/2008) thì tăng 61,2%. Tính đến ngày 16/12, do thị trường điều chỉnh giảm nên mức tăng NAV của Quỹ chỉ còn 57,3%, nhưng vẫn là mức tăng cao nhất trong các quỹ tại Việt Nam và cao hơn 75,35% mức tăng của chỉ số VN-Index. Quy mô của Quỹ tính đến ngày 16/12 xấp xỉ 14 triệu USD, tương đương gần 259 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá USD/VND là 18.474,5).

Quỹ thứ hai do VAM quản lý đạt hiệu quả cao là quỹ đóng Vietnam Equity Market Fund, với mức tăng NAV tính đến cuối tháng 11 là 48%, quy mô NAV đạt 14 triệu USD.

Ngoài 4 quỹ kể trên, còn 3 quỹ khác được coi là “thắng thị trường” năm 2009 (do 3 công ty quản lý quỹ khác nhau quản lý) là: Blackhourse Enhance Vietnam, với NAV tăng 39,3%; JF Vietnam Opportunities Fund, NAV tăng 4,3% và Vietnam Holding, với NAV tăng 45,6% (cả 3 quỹ này đều có NAV giảm xấp xỉ 60% trong năm 2008). Trong đó, duy nhất JF Vietnam Opportunities Fund có NAV thời điểm hiện tại đạt trên 100 triệu USD (146 triệu USD).

Một số quỹ đi ngược dòng

Trong nhóm những quỹ có mức tăng NAV năm 2009 khiêm tốn nhất, điều đầu tiên phải nhắc tới chính là nhóm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng cơ sở và nhóm đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết (private equity). Đây là nhóm quỹ mà trong quá khứ, mức thay đổi NAV ít có sự đột biến do đặc trưng quy mô vốn lớn và đặc thù lĩnh vực đầu tư riêng.

Chẳng hạn, Quỹ VinaLand Limited do VinaCapital quản lý có NAV năm 2009 tính đến ngày 30/9 giảm 14,4%, xuống còn 655 triệu USD. Đây là năm suy giảm đầu tiên kể từ khi quỹ này đi vào hoạt động, sau khi có sự thành công khá tốt ở 2 năm liền trước.

Trong các nhóm quỹ đầu tư vào bất động sản, duy nhất Quỹ Vietnam Property Holding do Saigon as‌set Management quản lý có mức tăng NAV tính đến ngày 18/12 là 10,1%. Tuy nhiên, với đặc điểm riêng của nhóm quỹ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán chưa niêm yết, NAV tại thời điểm gần cuối năm chưa phản ánh chính xác thành quả 1 năm của quỹ.

Đối với nhóm quỹ đầu tư vào công cụ thu nhập cố định (chủ yếu là trái phiếu), tăng trưởng NAV dù tỏ ra khá ổn định, nhưng lại luôn ở mức thấp, chỉ dao động quanh mức 7%, ngoại trừ năm 2008, do có sự thay đổi quá nhiều mức lợi suất trái phiếu giao dịch trên thị trường nói chung.

Có thể nói, sự thành công của một nhà đầu tư, dù là tổ chức hay cá nhân, cần được xem xét trong cả quá trình, chứ không phải là trong từng giai đoạn. Thống kê NAV của các quỹ cho thấy, những quỹ có khả năng đạt mức tăng NAV cao trong điều kiện thị trường tăng điểm lại có xu hướng “lỗ nặng” khi thị trường giảm điểm.

Ngược lại, những quỹ đầu tư ít sơ sẩy trong điều kiện thị trường xấu thì hầu như không được hưởng lợi khi TTCK bùng phát trở lại. Làm thế nào để dung hoà hai yếu tố trên là vấn đề không đơn giản và đôi khi bị ràng buộc bởi chính điều lệ quỹ, nhưng đây là câu hỏi của không ít nhà đầu tư đối với các nhà quản lý quỹ tại Việt Nam.

Theo Đầu tư
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật