Lời cảm ơn đến chị

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi rất lo sau này mình sẽ không còn cơ hội để làm điều này vì tôi đang mắc chứng bệnh mất trí nhớ, chỉ còn nhớ quá khứ chứ không nhớ trọn vẹn những gì đang xảy ra gần đây. Tôi sợ một ngày nào đó mình sẽ bị mất trí nhớ hoàn toàn thì sẽ không làm được việc này nữa.
Lời cảm ơn đến chị
Ảnh minh họa

Mẹ mất lúc tôi lên 2 tuổi. Ba bị suy sụp tinh thần sau cú sốc ấy nên sinh bệnh. Chính những đòn roi nghiệt ngã của ba đổ lên đầu tôi và chị tôi lúc ấy đã khiến tôi bị tổn thương tinh thần trầm trọng dẫn tới chứng mất trí nhớ sau này. Chị tôi phải cáng đáng tất cả. Mới 12 tuổi, chị phải bỏ học, thay mẹ chăm sóc tôi. Hằng ngày chị phải tắm rửa, giặt giũ và đút sữa cho tôi uống. Gọi là "sữa" nhưng thật ra là nước cơm pha đường. Chị ru tôi ngủ như mẹ ru: "Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời". Năm lên 3 tuổi, tôi bị sốt bại liệt, chị thức nhiều đêm xoa bóp chân cho tôi.

Khi tôi vào lớp 1 thì chị mới bước sang tuổi 17, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Nhưng chị chẳng biết gì khác ngoài chuyện chăm sóc đứa em trai khuyết tật. Con đường đến trường khoảng 2 km, đi ngang qua nghĩa địa, nắng chang chang không một bóng cây che. Chị phải dìu tôi đi từng bước chân đến trường rồi quay trở về nhà sơn mành trúc và làm công việc nhà, trưa lại lặn lội đến đón tôi về khi tan học. Có khi tôi đói bụng, mệt quá đi không nổi thì chị cõng tôi về.

Tôi lên lớp 6, nhu cầu ăn học của tôi cũng tỷ lệ thuận với số tuổi của tôi. Chị không còn sơn mành trúc nữa mà chuyển sang đi bán hàng rong trong bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh để kiếm được nhiều tiền hơn. Ngày nào cũng vậy, chị thức dậy thật sớm để chuẩn bị. Tôi chỉ có thể phụ chị buộc dây thun cho những bịch cà phê, đậy nắp mấy hũ rau câu, sữa chua. Chị xách đủ thứ nào là thùng đá, thùng sữa chua, nào là rau câu, cà phê... rất nặng. Chị đi từ mặt đất lên tận lầu năm để mời khách, có khi do xách nặng và mệt quá chị bị trượt chân té. Chị kể những lúc ấy chỉ muốn khóc cho đã, nhưng nghĩ đến việc phải kiếm tiền lo cho tôi ăn học thì chị dứt khoát ngồi dậy thu dọn lại hàng và tiếp tục công việc.

Cực khổ như vậy nhưng chị vẫn nuôi được tôi vào lớp 10. 26 tuổi, ở dưới quê, cái tuổi này coi như đã muộn nhưng chị chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Chị phải nhoài người để lo thêm chi phí cho tôi học phụ đạo. Mớ hàng rong của chị ngày càng nặng thêm, chị đi bán về trễ hơn. Đôi chân của tôi trở chứng, chúng đau nhức mỗi khi trời trở lạnh. Tôi không thể tự đạp xe đến nhà cô giáo học phụ đạo.

Những lúc như vậy chị vừa đi bán về, ăn vội chén cơm chan nước muối pha loãng và ớt giã, rồi chở tôi bằng chiếc xe đạp cà tàng đến nhà cô giáo và ngồi bên ngoài chờ hai tiếng đồng hồ để chở tôi về. Đường về nhà khoảng 10 km, có một đoạn 2 km phải băng qua rừng cao su tối om như mực. Nhất là lúc trời đổ mưa, con đường mòn quánh bùn, bùn bám chặt vào bánh xe khiến đạp càng thêm nặng. Tôi buột miệng trách ông trời sao không thương chị mà làm mưa, bị chị mắng: "Đừng nói bậy mà mang tội".

Khi tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị quyết tâm lo cho tôi vào được đại học. Chị nói chỉ có vậy sau này tôi mới lo nổi cho bản thân vì tôi không có sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc. Tôi thi vào một trường đại học tại TP HCM.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, chị và tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng vì đã có được cơ hội tốt cho cuộc đời của tôi. Sợ vì rồi đây không biết xoay xở học phí ra sao. Chị chạy đi mượn 1,2 triệu đồng cho tôi đóng học phí năm đầu. Chị theo tôi về TP HCM, xin vào làm cho một xưởng may áo mưa. Chị làm cả ca ngày, ca đêm, xin ngủ lại xưởng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Thời gian nghỉ ngơi của chị rất ít. Cuối tuần, chị mới có thời gian rảnh đến ký túc xá thăm tôi. Chị cho tôi hơn một nửa tiền lương của chị để ăn uống, mua sách vở, đóng tiền ký túc xá. Còn lại chị dành dụm trả nợ. Khi tôi tốt nghiệp đại học, chị đã 33 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình vì mải lo cho tôi.

Hiện nay, tôi làm việc cho một văn phòng nước ngoài. Chị là người đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Chị đã có một gia đình hạnh phúc và một cháu trai rất kháu khỉnh. Còn đi sâu vào nguyên nhân tôi bị mất trí nhớ và vì sao tôi vẫn làm việc được lại là một câu chuyện khác.

(Theo Tuổi Trẻ)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật