Xe thô sơ ở TPHCM: Ngổn ngang trước giờ “khai tử“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quy định hạn chế lưu thông và cấm xe 3,4 bánh thô sơ, tự chế trên 67 tuyến đường tại TPHCM có hiệu lực từ 1-1-2010 nhưng đến lúc này việc chuyển đổi nghề, thay đổi kế mưu sinh vẫn còn trăm mối ngổn ngang.
Xe thô sơ ở TPHCM: Ngổn ngang trước giờ “khai tử“
Nhiều chủ phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế, thô sơ chưa biết tìm kế khác mưu sinh - Ảnh: Lê Thư

Theo quyết định của UBND TPHCM, loại xe 3, 4 bánh thô sơ chỉ được phép lưu thông từ 13 – 16 giờ hằng ngày và từ 22 đến 5 giờ sáng hôm sau tại các đoạn đường được giới hạn bởi các tuyến vành đai và bên trong các tuyến vành đai.

Theo số liệu của Sở Tài chính, TPHCM có khoảng 20.000 phương tiện xe 3, 4 bánh thô sơ sẽ bị thu hồi. Tổng số kinh phí để hỗ trợ thu hồi xe và chuyển đổi nghề là hơn 96 tỷ đồng.

Riêng các tuyến quốc lộ trên địa bàn thành phố, xe 3, 4 bánh thô sơ (có đăng ký đăng kiểm) bị cấm lưu thông từ 6 giờ - 8 giờ sáng và 16 giờ đến 19 giờ chiều hằng ngày.

“Làm cả ngày mới kiếm được vài chục ngàn, bây giờ chỉ cho chạy 3 tiếng buổi chiều và 7 tiếng buổi tối thì ai mướn?” -  Anh Lê Viết Bảo, một người chạy ba gác máy ở khu vực đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) than.

Dù có hỗ trợ nhưng việc chuyển đổi nghề không hề dễ dàng. Ông Trần Văn Ngọc (67 tuổi, độc thân, ngụ phường 5, quận Gò Vấp) cho biết có hai chiếc xích lô, trong đó một chiếc cho thuê, tổng thu nhập mỗi tháng hơn một triệu đồng.

“Mới đây, người ta trả xe, tui đăng ký cả hai chiếc và được hỗ trợ 14 triệu đồng. Sắp tới chưa biết làm gì để sống. Tui già rồi còn học nghề gì được nữa. Tiền hỗ trợ sau khi trả nợ cũng đủ mua chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm. Nhưng khổ nỗi tôi chưa có bằng lái” - Ông Ngọc rầu rĩ.

Bà Nguyễn Thị Mộng Điệp (ngụ phường 3, quận 8) lo lắng: “Tui không thuộc diện xóa đói giảm nghèo nên chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng/phương tiện. Có hai chiếc thì đã đăng ký một, còn một chiếc thì định khi nào cấm thì sẽ đưa ra ngoại thành kiếm cơm, được ngày nào hay ngày nấy. Mấy hôm nay ruột gan như có lửa đốt.

Ra ngoại thành vừa xa, vừa ít người thuê. Nếu bị công an tịch thu xe thì đói. Chính sách hỗ trợ cũng chưa công bằng. Xe ba gác máy, xe đẩy tay đều được 5 triệu đồng, trong khi giá trị cả hai loại phương tiện này khác nhau”.

Tạm trú dài hạn được hỗ trợ

Ưu tư nhất là hàng nghìn người nhập cư vào thành phố. Một số người cho biết liên hệ với UBND phường nơi tạm trú, họ được trả lời là không thuộc diện hỗ trợ.

Trong khi đó người nhập cư ở một số nơi được chính quyền địa phương cam kết sẽ có mức hỗ trợ tương tự như người có hộ khẩu, nếu như chủ phương tiện có sổ tạm trú dài hạn (KT3).

Theo UBND Quận 11, trên địa bàn quận hiện có 47 xe thu gom rác, 21 xe do người khuyết tật sử dụng và 912 xe phục vụ mục đích khác. Có 207 hộ gia đình chính sách, diện xóa đói giảm nghèo và cận nghèo sử dụng xe 3,4 bánh tự chế.

Chính sách hỗ trợ của quận là, đối với các hộ có hộ khẩu KT1, KT2, KT3 sử dụng xe 3, 4 bánh đang hoạt động thu gom rác, chất thải vệ sinh; xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số và xe 3, 4 bánh tự chế không có đăng ký biển số sẽ được hỗ trợ chuyển đổi với mức hỗ trợ ban đầu là 7 triệu đồng/hộ; được hỗ trợ đào tạo nghề.

Các hộ nghèo (có mã số giai đoạn 2 của thành phố) mưu sinh bằng xe 3, 4 bánh tự chế khi chuyển đổi còn được hưởng các chính sách cho vay vốn ưu đãi.

Bà Đỗ Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Ngân sách quận, huyện (Sở Tài chính TPHCM) khẳng định, các đối tượng diện KT3 cư trú tại địa phương cũng hưởng chính sách hỗ trợ như các hộ có hộ khẩu.

“Mỗi quận, huyện chủ động sử dụng ngân sách địa phương để tạm chi, sau đó Sở sẽ quyết toán lại” - Bà Hiền nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật