Vùng đất hạnh phúc

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay sau lễ tốt nghiệp Đại học, cô ấy biến mất, chỉ để lại lời nhắn cho bố mẹ: “Con đi du lịch một thời gian. Mùa thu sẽ về.”
Vùng đất hạnh phúc
Ảnh minh họa

Một tháng sau, một buổi sáng cuối tháng 7, vừa ngủ dậy, ăn sáng, đọc báo, tôi nhận được thư từ cô ấy. Cô ấy không viết gì cả, chỉ có một bức ảnh. Cánh đồng ngô sai trĩu với mảng trời xanh riu riu gợn chút mây chia đôi chiều ngang bức ảnh. Không thấy một bóng người, chỉ có một bàn tay nhỏ nhắn nơi góc trái bức ảnh huơ lên hờ hững. Như thể bức ảnh có hai lớp, người chụp chỉ muốn nắm lấy bàn tay đang cố chạm vào bức tranh phong cảnh kia. Buổi trưa tôi cố ngủ nhưng không sao ngủ được, cứ văng vẳng tiếng cười khúc khích của cô ấy bên tai: “Thử nắm được tay mình xem!” Thế là tôi bật dậy, xem địa chỉ người gửi, không có địa chỉ cụ thể, chỉ biết là từ thị trấn X, huyện Y, tỉnh Z. Tôi search trên mạng, một thị trấn nhỏ ở một tỉnh nhỏ phía Bắc. Chẳng lẽ không thể tìm được cô gái nhỏ ở một miền quê nhỏ?

Nghĩ là làm, tôi vơ tạm ít quần áo, đeo ba-lô ra thẳng ga tàu. Có tàu đi đến tỉnh Z nhưng chỉ dừng lại ở thành phố trực thuộc tỉnh, còn xem bản đồ thì thị trấn X nằm thỏn mỏn ở phía Tây sát rìa giáp ranh với tỉnh khác. Hỏi thăm nhân viên ở ga, họ bảo tôi cứ đi tàu đến thành phố rồi sẽ có xe đi về thị trấn X, nhưng nghe đâu số lượng xe cũng ít. Nếu tôi đi ngay thì đến thành phố cũng đã tối, ngày hôm sau mới đến thị trấn X được. Cũng không sao, thời gian vẫn còn thênh thang với tôi, lúc đó tôi chưa kiếm được việc, cứ nằm dài ở nhà. Hơn nữa, tôi cũng chỉ đi có mấy ngày, chắc chẳng có chuyện gì xảy ra trong thời gian đó, mà có thì cũng sẽ giải quyết theo cách mà chuyện đã rồi.

Thế rồi tôi đi ngay chuyến tàu gần nhất để đến thành phố trung tâm tỉnh Z. Tôi ngồi ngược chiều tàu chạy. Người ta bảo ngồi xuôi chiều vừa tiện ngắm cảnh vừa đỡ đau đầu chóng mặt hơn. Tôi không bị say, nhưng công nhận ngồi ngược thế này cũng hơi khó chịu. Thời tiết cuối tháng 7 không quá nóng như tôi nghĩ, đợt đó cũng vào dịp mưa, tàu đi tỉnh Z cũng không đông, nhìn chung là khá thoải mái. Tôi ngồi đối diện với một cặp vợ chồng trung tuổi, nghe giọng đoán chừng là người gốc tỉnh Z, chắc ra thành phố lớn làm mấy việc tay chân. Hai vợ chồng chẳng nói với nhau câu nào. Ông chồng say sưa ngủ, hai bên lông mày nhíu lại cau có, thỉnh thoảng còn ú ớ nói mớ. Bà vợ chăm chú tính tính toán toán, chốc chốc chép miệng, có lúc ngẩng lên bắt gặp ánh mắt của tôi, bĩu môi lầm bầm gì đó nghe như “Đúng là đám trí thức nhàn rỗi vô công rồi nghề. Ngày thường mà cũng đi chơi được”. Tôi không thích cái nhìn khinh khỉnh của bà ấy, bèn đeo tai nghe, nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh. Ngồi ngược chiều, cảnh vật cũ chạy hút thẳng về phía xa trước mắt tụ lại thành một chấm nhỏ, ngoái lại là cảnh vật mới mở ra sau lưng. Nhạc chuyển đến bản piano “Back to the time” của Kirit. Nhạc chậm, tôi nghe được cả tiếng gió hút sâu trước mắt, nhìn thấy một đường thẳng vút màu đen xẹt qua, hút luôn cả những nốt nhạc lao tít về cái chấm nhỏ kia. Tựa đầu vào ghế lim dim ngủ, cảm tưởng như những phong cảnh mình vừa đi qua cứ chậm rãi hiện về theo từng nốt nhạc. Ngược lại có lẽ cũng gợi nhắc cho mình đừng quên những điều đã qua, cho dù đôi lúc nó chỉ xẹt qua kí ức như một mũi tên lạc, vô tình cắm trúng ai thì kẻ đó giật mình ngỡ ngàng.

Mở mắt ra thì đã đến thành phố trung tâm tỉnh Z, 8h tối rồi. Lúc rời ga, nhìn thấy cặp vợ chồng kia đang loay hoay với đồng đồ đạc lổn ngổn trong mấy cái túi sờn bạc, bà vợ cũng ném lại cho tôi cái nhìn bén như dao phay, chỉ thiếu nước lao vào băm cho tôi mấy nhát. Thế rồi bóng họ xiêu vẹo đổ xuống, mất hút vào bóng tối hơi nhập nhoạng ánh đèn le lói thoi thóp trước cửa ga.

Tôi nghỉ lại ở một nhà trọ bình dân, sạch sẽ gọn gàng vừa đủ mà chi phí không đắt đỏ. Tuy là trung tâm thành phố nhưng thuộc tỉnh nghèo nên cũng chẳng khá hơn so với khu ngoại ô thành phố tôi. Ngồi tàu từ chiều cũng mệt, tôi ăn tạm luôn bữa tối ở nhà trọ, cơm chiên trứng rau củ: cà-rốt, khoai tây, cải và ngô. Bà chủ nhà trọ nói với tôi nếu đêm thấy đói thì cứ xuống bếp, có ngô hấp luôn để sẵn trên bếp củi, khách hay nhân viên cửa hàng tùy ý ăn thoải mái, ngô nhiều đến nỗi người ta trải hạt ra làm đệm nằm cũng được. Buổi tối ở đó khá mát mẻ, không khí trong lành dễ chịu, có thể ngửi thấy mùi phấn ngô ngai ngái ngầy ngậy trong gió. Nhưng tôi khó ngủ. Nghĩ đến ngày mai đến thị trấn rồi sẽ tìm cô ấy thế nào, không thể đến công an hay ủy ban tìm một người không thuộc nhân khẩu ở đó. Tầm 2,3h sáng, cơn đói đến tìm tôi, bụng réo rắt như tiếng gió lành lạnh rít ngoài cửa sổ. Tôi xuống bếp mang hai bắp ngô với một bát nước ngô về phòng. Ngô nếp ăn khá bùi, nước ngọt thanh thanh chứ không lờ lợ như ngô Mỹ. Giữa đêm yên tĩnh tôi có thể nghe thấy tiếng hàm nhai, nghiến những hạt ngô rào rạo, nuốt ực một cái. Đến lúc thiu thiu ngủ được, tôi mơ thấy mình bị cuốn vào trong một vòng xoáy, cứ quay quay mãi, rồi đột nhiên bị hút rơi tõm vào một điểm tối, thế là xong … tôi tỉnh dậy.

8h sáng thức dậy, tuy đêm ngủ muộn nhưng không khí dễ chịu cũng khiến tôi tỉnh táo. Vừa ăn sáng – lại là ngô hấp, tôi vừa nói chuyện với bà chủ nhà trọ, hỏi qua về thị trấn. Bà chủ hỏi tôi:

– Cậu có việc gì đến thị trấn? Thường thì khách du lịch đến tỉnh này đã không nhiều, có đi thăm thú cũng chỉ loanh quanh trong thành phố chứ không đến cái thị trấn hẻo lánh đó.

– Cháu đi tìm một người bạn, theo địa chỉ gửi thư thì cô ấy đang ở đây. Cũng tiện đi du lịch luôn.

– Đám thanh niên thành phố các cậu lạ thật. Ở thành phố lớn chả sung sướng quá, cứ thích chui về mấy cái xó rách nát này làm gì.

Tôi không biết phải trả lời thế nào. Bà chủ lấy ra một tấm bản đồ cũ, hình vẽ với chữ hơi mờ nhưng vẫn còn xem được, bảo tôi:

– Tôi thấy ở thị trấn đó chả có gì ngoài mấy cánh đồng ngô. Dân ở đó còn nghèo hơn chúng tôi, quanh năm trồng ngô, tuy được vụ nhưng bán cũng chả lời lãi là bao. Nhưng nếu cậu cứ muốn đi thì cầm tạm theo cái bản đồ này, nhà chúng tôi cũng chẳng cần dùng đến. Lát nữa 12h có chuyến xe lam đi thị trấn, không thì cậu phải chờ đến 5h chiều. Đi chừng 3 tiếng thôi. Còn về bạn cậu thì tôi nghĩ không khó để tìm được nếu cô ta vẫn còn ở đó. Thị trấn heo người, ai cũng biết nhau, có người lạ cũng biết ngay.

Tôi cảm ơn bà chủ rồi tranh thủ xem tin tức buổi sáng trên tivi cùng mấy vị khách và nhân viên nhà trọ ở sảnh. Tin về chứng khoán, cổ phiếu, giao thông, chính trị … đối với những người dân ở vùng này thì biết cũng chẳng cần thiết cho lắm. Đến tin về hiện tượng gần đây thanh thiếu niên ở nước ABC có xu hướng t‌ּự t‌ּử hay thoát ly, điều này gây nên mối e ngại cho các bậc phụ huynh, các chuyên gia tâm lý rằng thanh thiếu niên nước ta có thể bắt chước. Bà chủ léo xéo mấy câu:

– Đấy! Chẳng hiểu nổi chúng nó buồn phiền cái gì, chứ về đây thì ngày làm, đêm về lăn ra ngủ, chả còn sức đâu mà xì chét với chả tự kỉ.

Rồi bà quay sang tôi:

– Này cậu thanh niên. Không chừng bạn cậu cũng như thế đấy. Mau tìm được cô ta rồi đưa về. Rõ lắm chuyện.

Tôi không nói gì cả. Rồi mọi người ai cũng chú tâm vào việc của mình, chẳng bàn luận gì nữa. Chỉ có mỗi tiếng bà chủ đang nói với nhân viên:

– Lát nữa có xe từ thị trấn ra đây đưa ngô. Mấy đứa nhớ chọn ít ngô của bà cụ thọt nhé.

– Ngô của bà cụ đó đâu có mẩy như ngô nhà khác hả bác? Mà bác lấy ngô đấy về toàn bọn cháu ăn ấy chứ – đám nhân viên than thở.

– Làm phúc giúp cho người ta tí chút. Đằng nào cũng không đáng là bao.

– Này! Dạo này thấy có người đưa ngô hộ cho nhà bà cụ đó, một em xinh lắm nhé, trông trắng trẻo, chắc chẳng phải người vùng này – đám nhân viên lao xao.

– À! Hôm nọ tớ có hỏi thăm. Em đó bảo là cháu họ bà cụ ở tỉnh xa, cụ già rồi về trông nom một thời gian, chứ gốc gác là dân vùng này.

– Mấy đứa ra xe chọn ngô đi – Tiếng bà chủ lanh lảnh gọi. Có xe từ thị trấn tới.

Tôi chăm chú đọc báo, không để ý mấy. Nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện:

– Lần này bác lấy cho bà cháu nhiều thế ạ? – Giọng con gái là lạ, không phải mấy người ở nhà trọ.

– Ừ! Dạo này cũng đông khách hơn một chút. Lấy ngô về cho nhân viên ăn có sức mà làm – giọng bà chủ.

Tôi định nhấp ngụm nước, ngẩng lên với tay lấy chén trà. Ơ! Là cô ấy.

– Này! – tôi gọi.

Mấy người gần đó quay ra nhìn tôi, cô ấy cũng quay lại, rồi ngạc nhiên:

– Sao cậu lại ở đây?

– Ồ hóa ra cô là người bạn mà cậu này tìm à? – bà chủ xen vào, cũng ngạc nhiên không kém.

Thế là chúng tôi tình cờ gặp nhau ở đó. Tôi chẳng cần mất công đi tìm đâu. Tôi theo cô ấy đi xe lam chở hàng về luôn thị trấn, không phải chờ xe lam chở khách nữa. Thực ra là cô ấy không muốn tôi đi cùng nhưng tôi nhất quyết bảo muốn đi thăm thú cảnh luôn. Ngồi xe lam 3 tiếng, lại ngồi ngược quay ra nhìn mọi thứ hút dần về phía sau. Chúng tôi chẳng nói được với nhau câu nào, cứ im lặng trong dòng suy nghĩ của mỗi người. Xe đến nơi, cô ấy mới nói với tôi:

– Ở đây không có nhà trọ nào đâu. Nếu cậu chỉ ở lại mấy bữa thôi thì ở tạm lại với bà cụ và mình.

Tôi không từ chối, tất nhiên rồi.

Tầm đó đã là trưa, tôi ra giếng tắm qua rồi vào ăn cơm. Bà cụ hỏi han tôi, có vẻ rất vui, còn cô ấy thì chỉ lắng nghe, thỉnh thoảng khi bà cụ có nhắc đến chuyện chúng tôi thì cô ấy mới trả lời qua loa.

Buổi chiều, tôi theo cô ấy ra đồng ngô giúp bà cụ. Nói là cánh đồng nhưng đó là của hộ khác, còn của bà cụ thì chỉ là một thửa đất rộng vừa phải, dành ra một khoảnh nữa để trồng rau. Bà cụ vui vẻ chỉ cho tôi cây ngô thụ phấn thế nào, cách chăm ra sao, làm thế nào để biết bắp nào mẩy hay không. Buổi chiều nhanh chóng trôi qua, lại đến tối, ba người ăn cơm cùng nhau, cơm cũng chẳng có thịt thà gì mấy, rau là chính. Bà cụ có vẻ hơi áy náy vì không tiếp đãi tôi được chu đáo, tôi chỉ cười nói không sao, như thế này tôi rất thích. Tối ở đây người dân đi ngủ khá sớm, 8,9h tối nhìn quanh thị trấn nhà nào cũng le lói ánh đèn dầu. Bà cụ nằm trên phản gỗ, nói là phản nhưng là tấm gỗ đủ rộng cho một người nằm, còn tôi với cô ấy nằm dưới sàn, lót lá ngô khô dưới lớp nệm mỏng. Sớm quá, tôi chưa ngủ được, cô ấy cũng chưa ngủ. Yên lặng một lúc lâu, bà cụ cũng đã ngủ say, cô ấy thì thào cất lời trước:

– Mình không nghĩ cậu đến đây tìm mình. Biết vậy mình đã không gửi ảnh về.

– Mình cũng đang rảnh rỗi nên muốn đi đâu đó thôi. Không làm phiền đến cậu chứ?

– Ừ thôi không sao.

– Tại sao cậu lại đột nhiên đi mất làm mọi người lo lắng? Mãi mới gửi ảnh về thì mới biết là cậu vẫn bình an.

– Mọi người lo cho mình à?

– Tất nhiên rồi!

– Mình không nghĩ thế. Bố mẹ mình có lẽ chỉ hơi bất ngờ, rồi họ thấy bình thường. Bố mẹ mình vốn luôn yên tâm rằng mình có thể tự chăm sóc bản thân thật tốt. Hơn nữa mình đã hẹn là mùa thu về nên họ chắc chắn mình sẽ về.

– Mình nghĩ bố mẹ nào cũng lo lắng nhưng cách thể hiện khác nhau thôi. Bố mẹ cậu không muốn tạp áp lực cho cậu nên mới luôn tin tưởng cậu như vậy. Thực ra trong một tháng vừa rồi, cũng có lần mẹ cậu gọi cho mình hỏi có liên lạc với cậu không.

– Thế nên cậu mới đi tìm mình?

– À không. Là mình muốn tìm cậu, muốn biết cậu đang ở đâu, làm gì. Giờ gặp cậu là mình an tâm rồi. Mà sao cậu lại đến đây?

– Chỉ là một lần tình cờ xem trên tạp chí, tớ bắt gặp một bức ảnh của phóng viên trong phóng sự về tỉnh này. Chính là cánh đồng ngô trong ảnh tớ gửi cậu ấy. Tớ thấy thích nên đến chỗ thị trấn này. Cậu nghĩ nơi này thế nào?

– Rất khác so với thành phố chúng ta đang sống. Ở nơi đây mọi thứ đều chậm rãi, không xô bồ nhộn nhạo. Mọi người có vẻ hơi lầm lũi nhưng chân thật.

– Mình thì thấy mọi thứ cứ trôi đi chậm chạp lừ đừ, nhưng nếu lật lại lớp đằng sau thì thực ra chúng đang trôi vút đi, tất cả như bị hút về một điểm đen ngay chính giữa mặt trời.

– Bàn tay giơ lên hướng về phía mặt trời trong ảnh là tay cậu à?

– Ừ. Lúc đến đây, có rất nhiều cánh đồng ngô, không hiểu sao mình lại có thể linh cảm được đâu là nơi bức ảnh được chụp. Đứng trước cánh đồng ngô sai trĩu ấy, mình cảm thấy vừa thân quen vừa lạc lõng. Mình nghĩ chắc hẳn những cây ngô ở đó rất hạnh phúc vì được sưởi ấm dưới nắng, chúng hạnh phúc thì mới đem lại cho con người no đủ được. Nhưng ánh mặt trời rực rỡ đến mức xa vời, mình cảm thấy nhỏ bé và yếu đuối vô cùng. Trong mình cũng ăm ắp rất nhiều thứ nhưng lại trống rỗng. Mình chẳng thể hòa nhập vào khung cảnh đó, cứ như bị hút vào điểm đen kia. Mình cố vươn tay muốn chạm được thứ gì đó nhưng như có một tấm kính vô hình chắn ở giữa vậy. Thậm chí bàn tay đưa ra mình cảm giác cũng chẳng phải của mình nữa.

– Cậu muốn nắm lấy cái gì ở nơi này?

– Một thứ gì đó giống mình hoặc thuộc về mình. Đại loại vậy.

– Cậu có quá duy mỹ không? Thực ra đâu cần phải vậy. Đôi khi chúng ta vẫn phải sống với những mục đích được vạch ra dựa trên một cái sườn sẵn có, miễn là vẫn còn một vài niềm vui nho nhỏ đủ để cuộc sống không quá nhàm chán. Cậu đòi hỏi nhiều quá nên mới hụt hẫng.

– Mình cũng không rõ nữa. Chỉ là trước khi trở về với những gạch đầu dòng đó thì mình muốn tự do tự tại một lúc, nhìn thấy những chân trời tiếp nối với thế giới chứ không bị đứt quãng bởi những tòa nhà cao tầng, ngủ trong bầu không khí không ngột ngạt kí ức mông lung.

– Đó là tạm thời thôi, còn thế giới thực của cậu thì vẫn đang chờ cậu quay về.

– Ừ mình biết. Giữa hai thế giới có một đường biên, chúng tách ra, để hở ra khoảng trống ở giữa, mình tạm du ngoạn trong đó. Rồi cũng đến lúc chúng nhập lại, mình phải bước ra, nếu không sẽ bị nhốt lại.

– Còn mình thì như kẻ đứng ở thế giới thực, vọng xuống gọi cậu. Cậu có nghe thấy mình không?

– Ừ. Cảm ơn cậu.

– Không có gì. Thôi ngủ đi. Đừng suy nghĩ nữa. Mọi thứ vẫn luôn còn đó, không mất mát đi đâu được đâu.

– Ừ. Ngủ ngon nhé!

Đúng là tôi ngủ ngon thật, ngủ say đến nỗi khi tỉnh dậ‌y th‌ì cô ấy đã lại đi mất rồi. Tôi cứ để vuột mất cô ấy trong chớp mắt như vậy đấy. Cô ấy có để lại lời nhắn cho tôi: “Mình sẽ về vào mùa thu mà ^_^”. Có thêm cái mặt cười kia thì chắc cô ấy đã ổn hơn rồi. Tôi cũng không có ý định tìm cô ấy nữa, cô ấy nói về là sẽ về thôi.

Tôi cũng từ biệt bà cụ để trở về thành phố. Tôi vẫn còn nhớ lời bà cụ khi tiễn tôi: “Điều hạnh phúc thực sự ẩn giấu trong khung cảnh đó là sự kề sát sum bọc của những cây ngô. Chúng cùng nhau lớn lên, cùng đón nắng đón gió, cho dù có chết đi héo úa thì cũng không ra đi một mình. Mảnh đất trù phú có thể tạo nên no đủ nhưng hạnh phúc lại là do con người mang đến chính mảnh đất đó”. Tôi ước cô ấy có thể kịp nghe điều ấy. Không sao cả, rồi cô ấy cũng biết thôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật