Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng nhanh trong 5 năm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ước tính 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 7,5% so với cùng kỳ 2015 theo xu hướng tăng dần suốt 5 năm qua.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng nhanh trong 5 năm
Ước tính 6 tháng đầu năm 2016, số sinh tăng 9,9%. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Phát biểu tại hội thảo dân số ở TP HCM mới đây, ông Đỗ Ngọc Tấn, Vụ trưởng Vụ Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết tỷ lệ sinh con thứ 3 có xu hướng tăng lên, đồng thời khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục. Năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 15,2%. Ước tính 6 tháng đầu, số sinh tăng 9,9% trong đó tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015. 

Theo ông Tấn, Việt Nam duy trì mức sinh thay thế nhưng có sự khác biệt giữa các vùng, tỉnh, thành phố. Năm 2015 có 13 trong 68 tỉnh thành ở mức sinh thấp, dưới 1,8 con; 14 tỉnh thành ở mức sinh thay thế từ 1,8 đến 2,1 con; 19 tỉnh có mức sinh rất cao trên 2,5 con. "Chỉ tiêu giảm sinh năm 2016 của cả nước là 0,1%. Theo đà tăng này, có thể khó đạt kế hoạch đặt ra", ông Tấn chia sẻ.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng dần suốt 5 năm qua.

Vụ trưởng Dân số cho biết tỷ lệ giới tính gái trai khi sinh tiếp tục tăng cao, ngày càng lan rộng, khó khống chế được theo đúng kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tỷ số giới tính khi sinh là 113,4 bé trai/100 bé gái, tăng so với năm 2015 chỉ 112,8/100. Mục tiêu chung đến năm 2020, cả nước khống chế tỷ lệ sinh không quá 115 bé trai/100 bé gái.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai giảm khoảng 0,9% mỗi năm trong 5 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm, số sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn đạt 40% kế hoạch, số sử dụng biện pháp tránh thai ngắn hạn bằng 95% kế hoạch năm 2016. Các chương trình nâng cao chất lượng dân số thông qua việc tầm soát bệnh tật trước sinh, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân... chưa mở rộng dù nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng lên nhanh chóng.

Việc triển khai thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn do các cơ chế quản lý đang trong giai đoạn chuyển đổi, thiếu hụt ngân sách, giá dịch vụ y tế thấp, đội ngũ cán bộ biến động do thù lao thấp, chưa đáp ứng năng lực...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật