“Son phấn” cho đồ gỗ cũ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ nghe “vệ tinh” báo có đồ xưa, dù ở tỉnh nào, sơn cốc đâu đâu, ông Bùi Văn Chiến, gần 20 năm trong nghề cũng tìm đến bằng được. Ông kể: “nhiều khi xa xôi, vợ cản nhưng tôi bảo, cái thú của tôi mà, bà đừng can, mua bán đồ xưa phải mê mới được”.
“Son phấn” cho đồ gỗ cũ
Ông Chiến săm soi hàng xưa mới tậu về của ông

Mua của người chán, bán cho người cần

Giới buôn bán đồ gỗ cũ thường nói: “Mua của người chán, bán cho người cần”. Ban đầu, địa bàn hoạt động chỉ quanh các quận huyện trong ngoài thành phố hay các tỉnh ven, giờ thì tung đi muôn nẻo, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ... cho đến các tỉnh miền Trung. Những người mua bán mặt hàng này có ở khắp nơi. Đến đâu, họ cũng chọn tìm những “vệ tinh” – mối lái ở bản địa để săn lùng hàng hoá cho họ và hưởng huê hồng. Ngón phục chế hay tân trang đồ xưa, người trong nghề phải lùng mua cả gỗ ván cũ để dành trong kho, nhiều khi vài năm không dùng đến cũng phải trữ hàng. Thợ mộc cũng phải khéo, khi món hàng xưa bị sứt mẻ, gãy bể đâu đó thì chọn đúng chủng loại gỗ, đúng sắc, đúng vân để phục bản theo nguyên tác. Với đồ xưa, sử dụng vẹcni là cồn ngâm cánh kiến, thấm bột đánh bằng tay, mài tới mài lui nhiều khi vài ngày chưa xong cái tủ; không quét “tốc hành” loại vẹcni PU.

Một đoạn phố nhỏ hẹp Bùi Thị Xuân, Tân Bình, khúc cắt ở ngã tư Phạm Văn Hai, từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước chủ yếu mua bán đồ cũ đại trà, như tivi, tủ lạnh, quạt máy, ổn áp... và cả đồ gỗ. Nhưng từ thập niên 90 đến nay chỉ mua bán và tân trang đồ gỗ cũ với chừng 17 hộ gia đình hành nghề này. Và lạ thay, mua đồ xưa từ nhà quê về “mông má” lại theo nguyên bản bán cho người Sài Gòn – Hà Nội, người sành chơi đồ gỗ; rồi mua đồ gỗ cũ kiểu dáng tân thời quanh Sài Gòn về tút tiếc lại cho “bóng” bán ngược trở về quê. Vậy mới thấy tác động của “mốt” lên đời sống, không riêng thời trang, không gian nội thất cũng cần được làm mới liên tục để tránh cảm giác nhàm chán.

Yêu nghề... cổ xưa

“Có những pha đỏ không tưởng được”, ông Chiến kể, cách nay năm năm, lái gọi báo ở quận nhất có bà cụ muốn bán bộ bàn ghế chín món kiểu thời Louis thế kỷ 17. Ông vù đến ngay, tới nơi thấy bộ bàn ghế đã mê mẩn rồi, bà cụ bảo: “bán để mua cho cháu đích tôn chiếc xe”. Sau một lúc ngã giá, bà cụ đồng ý bán chín triệu đồng, “tôi ngồi mà tay cứ bấm đùi xem mình có say không”, ông Chiến sướng tê như tưởng mình say vậy. Xe ba gác chở bàn ghế Louis về ngang đường Lê Công Kiều – con phố nhỏ chuyên mua bán đồ cổ xưa, chợt có người quen thấy, bám theo ra hiệu dừng lại để săm soi hàng. Người quen này trả giá ngay, kỳ kèo từ 40 triệu lên đến 90 triệu đồng. “Tôi cũng hơi hoảng”, ông Chiến kể tiếp, điện cho vợ báo cáo tình hình, bà nói: “chờ đó tôi ra xem một tí”; xem xong bà ghé tai phán, “bán quách đi, thế là ngon ăn rồi!”. Sau đó chừng vài tháng, người quen ở Lê Công Kiều này bán lại bộ Louis đó cho một người ở Hà Nội 160 triệu đồng. Cũng tiếc nhưng có cái còn tiếc hơn như mặt hàng độc – cái bàn bán nguyệt chạm phủ lá đóng từ thời Pháp thuộc, mua ở Bãi Giữa, Biên Hoà “về chưa kịp ngắm, mê không tả được; tôi đi vắng, vợ ở nhà thấy được giá bán mất!”, ông Chiến lắc đầu.

Hành cái nghề “theo chân người chán, gả cho người ưa” quả là phải có đam mê, “đi đó đây thấy cái đồ khoái trong bụng là muốn mua cho bằng được, nhưng nhiều khi cũng thất bại...”, ông Thành Lai, 15 năm trong nghề thố lộ. Để xác định được tuổi của món hàng, giới trong nghề nói, phải xem cho được “nước bóng mặt gỗ của thời gian”. Hàng có tuổi thì cứng cáp, nặng; đồ giả cổ, hàng nhái thường mỏng manh. Và đặc biệt, hàng cũ có cả cái hồn trong đó, “nhìn cái bông hồng khắc trên gỗ chẳng hạn, cái bông như đang nở thật, hàng khác thì bông như đang héo!”, ông Lai tâm tình vậy. Năm rồi, có lần ông Lai mua cái tủ xưa chạm hoa sen, cánh thiên thần... ở Long Xuyên về bán được 37 triệu đồng, “dù được giá nhưng vì kẹt vốn xoay, bán mà tiếc ngơ ngẩn, mất ngủ mấy đêm”, ông Lai tiếc thêm một lần nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật