Phân biệt điện thoại thật-giả: Càng đắt tiền, càng dễ làm giả

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dùng điện thoại hàng nhái, người sử dụng có nguy cơ “gặp nguy hiểm“ bởi các sự cố nổ pin, bức xạ vượt quá mức cho phép.
Phân biệt điện thoại thật-giả: Càng đắt tiền, càng dễ làm giả
Rất khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.

Tiền mất tật mang

Không chỉ bị mất tiền oan mua phải hàng nhái, các chuyên gia cảnh báo, điện thoại giả còn có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. TS Nguyễn Hữu Thanh, phó khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, điện thoại nhái thường sử dụng pin rẻ tiền.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều vụ cháy nổ điện thoại mà nguyên nhân có liên quan đến việc sử dụng pin không chính hãng. Pin kém chất lượng dẫn tới mạch điện bị chập hoặc lớp cách điện trong pin bị hở làm pin bị nóng gây ra cháy nổ.

Không chỉ gây cháy nổ, người sử dụng ĐTDĐ di động hàng nhái còn có nguy cơ hứng chịu lượng bức xạ lớn hơn mức cho phép. PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, nguyên trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, khi sử dụng, điện thoại di động sẽ phát ra một loại sóng điện từ truyền đến trạm bức xạ để nhận và phát tín hiệu. Loại sóng bức xạ này cũng được c‌ơ th‌ể con người hấp thụ. Thông thường, đồ nhái thường không được kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

Vì thế, những kẻ làm ăn thiếu chân chính thường cố gắng tăng công suất của máy làm cho máy khoẻ hơn và bắt sóng tốt hơn so với khả năng thực của nó. Công suất càng tăng, lượng bức xạ càng lớn thì ảnh hưởng tới sức khoẻ con người càng lớn.

Phân biệt thật giả - đã có cách

Bà Nguyễn Ngọc Chi, quản lý cửa hàng Thế giới Di động cho biết, nếu không tinh mắt rất khó có thể phát hiện đồ giả.

Tuy nhiên, vẫn có một số mẹo giúp người tiêu dùng không bị "mất tiền oan".Thứ nhất, quan sát giao diện màn hình khi khởi động máy. Điện thoại nhái sẽ có màn hình nhờ nhờ, không sắc nét như điện thoại chính hãng.

 

Ngoài ra, người sử dụng nên quan sát chất liệu vỏ máy. Vỏ máy hàng chính hãng cầm chắc tay hơn, sắc nét hơn. Phần sơn bên ngoài của máy thật rất bóng, phẳng và chai cứng. Máy nhái thì sơn không bóng, không phẳng đều trên toàn bộ bề mặt. Đặc biệt, hàng chính hãng bao giờ cũng có thẻ bảo hành chính hãng ghi rõ thông tin về bảo hành.

 

Bà Chi ví dụ, để phân biệt iPhone thật - giả có thể căn cứ vào đặc điểm sau: Font chữ trên chiếc iPhone thật trông nét và mượt mà hơn; trong khi font chữ của iPhone giả trông nhòe và không nét. IPhone thật sử dụng khay SIM (đẩy cả khay ra) thay vì sử dụng nắp đậy SIM như iPhone giả, xung quanh chỗ nối dây giao tiếp của iPhone giả có một khung kim loại mỏng.

 

Một cách phân biệt khác là dựa vào pin điện thoại. Với dòng pin Nokia, bạn cần chắc rằng nó có logo 3 chiều (hình 2 bàn tay bắt nhau) khi nhìn ngang. Phần cạnh của pin thật thường rất chắc chắn. Còn pin giả, nếu bạn bóp vào cạnh pin, phần giấy bọc sẽ nhanh chóng bị nhàu và có nếp gấp. Còn đối với pin Samsung, bạn nên quan sát màu sơn trên pin. Pin thật có màu sơn sâu hơn và không quá bóng bẩy như pin giả. đồng thời, chữ in trên pin thật cũng sắc nét và rõ ràng hơn. Tương tự với các loại pin của Sony Ericsson, Motorola...

Ngoài ra, vẫn theo các chuyên gia trong trường hợp người mua không rành về điện thoại, tốt nhất người sử dụng  nên nhờ người có hiểu biết về điện thoại tư vấn trước khi mua hàng.  

Sử dụng các loại pin rẻ tiền cũng dễ dẫn đến nguy cơ chập, cháy, nổ… giống như chiếc cầu chì điện quá tải sẽ gây chập điện. Chiếc điện thoại di động thông thường đã ẩn chứa nhiều nguy cơ bức xạ.  Điện thoại di động "nhái" tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, vì thế hãy chọn điện thoại chính hãng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật