Bao thanh toán: Doanh nghiệp chờ gì mà chưa sử dụng?

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước những thách thức trong thanh toán XNK, bao thanh toán sẽ giúp hỗ trợ DN đảm bảo lượng tiền thu về, tránh rủi ro cho DN XNK khi thực hiện hình thức thanh toán trả chậm.
Bao thanh toán: Doanh nghiệp chờ gì mà chưa sử dụng?
Bao thanh toán giúp hỗ trợ DN đảm bảo lượng tiền thu về, tránh rủi ro trong XNK. (Ảnh: Trần Việt)

Công cụ tốt

Bao thanh toán XK có thể bảo đảm tín dụng 100% giá trị hoá đơn, ứng tiền mặt ngay, bảo đảm thời hạn thanh toán, thực hiện các dịch vụ nhờ thu và quản lý các khoản thu đi kèm. Do đó, nếu sử dụng bao thanh toán, DN có thể tăng doanh thu XK, tránh rủi ro, làm giảm áp lực mở L/C (thanh toán bằng thư tín dụng) và nâng cao sức cạnh tranh với các DN khác.

Với hoạt động NK, bao thanh toán giúp tiết kiệm được hạn mức tín dụng, tăng cường khả năng NK, có thể lấy hàng trước – trả tiền sau mà không bị chậm trễ, mất thêm chi phí chờ mở L/C.

Nói về những thuận lợi của hình thức này, ông Ngô Minh Hải, đại diện phụ trách XNK, Công ty TNHH Uniden Việt Nam (DN sản xuất và XK linh kiện máy móc) cho biết, giá trị các hợp đồng giao dịch của Công ty và đối tác thường khá lớn, linh kiện máy móc lại là mặt hàng chịu nhiều rủi ro, trong khi phía khách hàng quốc tế thường xuyên yêu cầu được thanh toán theo hình thức trả chậm, thanh toán ghi sổ, nhận được hàng mới thanh toán tiền. Do đó, nếu DN tự làm, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng “xù nợ”, chứng từ giả, tranh chấp hợp đồng… Vì thế, hình thức bao thanh toán của các tổ chức tín dụng sẽ giúp DN khắc phục được những hạn chế và rủi ro này. Nhờ đó, DN có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đặt hàng, giúp DN dễ dàng hơn khi chấp thuận cho đối tác thanh toán trả chậm.

Hơn nữa, với DN phải sử dụng các sản phẩm NK, bao thanh toán sẽ giúp DN được ứng trước một khoản tiền để đưa hàng về. Theo bà Hà Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống và Xúc tiến thương mại CG (DN chuyên XNK máy móc, thiết bị), hình thức này cũng là cách cho DN tiếp cận vốn, giúp đẩy nhanh hoạt động NK để DN nhanh chóng đi vào sản xuất.

Sử dụng ít

Với thời cơ đến từ hội nhập toàn cầu, DN Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động giao thương quốc tế, nhưng việc tiếp cận các hình thức hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ dịch vụ tài chính vẫn chưa được nhiều DN chú trọng.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, nghiệp vụ bao thanh toán chưa phải hình thức cấp tín dụng phổ biến và chưa được sử dụng rộng rãi, thậm chí, cách hiểu về bao thanh toán của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với quốc tế. Hiện có 18/31 ngân hàng thương mại phát sinh nghiệp vụ bao thanh toán nhưng hoạt động chính thức chỉ có 8 ngân hàng và chỉ có 3 ngân hàng là thành viên chính thức của Tổ chức Bao thanh toán quốc tế (FCI).

Nhận xét về việc sử dụng hình thức này của DN, theo bà Vương Thị Huyền, Giám đốc khối DN tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), quy định về bao thanh toán tại Việt Nam vẫn chưa đầy đủ khi chỉ xem đây là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng có bảo lưu quyền truy đòi. Do vậy, bao thanh toán mới được các tổ chức tín dụng thực hiện ở giai đoạn thăm dò triển khai và dần hoàn thiện sản phẩm.

Về phía DN, nguyên nhân của sự “thờ ơ” còn đến từ các khoản chi phí phát sinh. Bà Hà Thu Giang cho biết, để được ngân hàng thực hiện dịch vụ bao thanh toán cho hợp đồng NK hàng hóa, DN phải chuyển một khoản đặt cọc khoảng 50% giá trị đơn hàng cho ngân hàng. Như vậy, DN vừa mất % trả phí cho dịch vụ bao thanh toán vừa phải bỏ ra một khoản vốn nhất định dù đã “mang tiếng” đi thuê ngân hàng thực hiện.

Ở một nguyên nhân khác, ông Ngô Minh Hải cho hay, bao thanh toán cũng là một cách tiếp cận tín dụng của các DN. Vì thế, để được ngân hàng đồng ý hỗ trợ và thực hiện dịch vụ này, các DN XNK cũng phải có uy tín, có lượng XNK hàng hóa ổn định, thậm chí, đối tác khách hàng cũng phải đáp ứng tốt các điều kiện về hoạt động giao thương. Ví dụ như ở Uniden, nhờ có uy tín từ phía Công ty mẹ ở Nhật Bản nên Công ty có thể sử dụng và tiếp cận dịch vụ được cả ngân hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.

Điều này cho thấy, quy mô DN Việt Nam còn nhỏ lẻ như hiện nay nên nhiều DN khó tiếp cận dịch vụ này dù có mong muốn sử dụng. Không những thế, một số DN XNK khi được hỏi còn chưa biết dịch vụ bao thanh toán là gì và có tác dụng như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của DN. Nguyên nhân ở đây đến từ chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ làm dịch vụ tài chính, khi họ không thể hoặc không biết cách để đưa DN tiếp cận đến dịch vụ đang là xu hướng toàn cầu như thế. Đây là những vấn đề đòi hỏi các DN phải có cách nhìn nhận lại để tạo sự thuận lợi cho các hoạt động XNK trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật