‘Bỏ quên’ hồ sơ vợ liệt sĩ, Bí thư phê bình cán bộ LĐTB-XH vô cảm

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Vô cảm” là 2 từ Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa gay gắt dành cho cán bộ ngành LĐTB-XH tỉnh này liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách vợ liệt sỹ tái giá cho bà H.L ở TP Hà Tĩnh
‘Bỏ quên’ hồ sơ vợ liệt sĩ, Bí thư phê bình cán bộ LĐTB-XH vô cảm
Hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ vợ liệt sỹ tái giá của bà L. qua nhiều năm không được ngành LĐ-TB-XH Hà Tĩnh giải quyết. Ảnh: Dân trí

Theo báo Dân trí, từ năm 2001, bà H.L đã hai lần làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách, nhưng do nhiều vướng mắc nên hồ sơ của bà bị trả về. Năm 2014, khi ngành LĐTB-XH Hà Tĩnh triển khai thực hiện chế độ chính sách cho vợ liệt sỹ tái giá theo NĐ 31/2013/NĐ-CP, bà L. một lần nữa làm hồ sơ.

Từ cuối năm 2014 đến đầu 2016, theo yêu cầu, bà L. đã phải ngược xuôi họp mặt gia đình, thôn xóm, xã, huyện để bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, sự “đủng đỉnh”, thiếu trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh đã khiến bà L. đã phải dài cổ chờ đợi.

 

Được biết, năm 1968, sau khi cưới nhau được một thời gian ngắn, chồng bà L. (quê quán xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ. Trong thời gian chồng ở chiến trường, bà L. vừa công tác tại ban chỉ đạo giao thông tỉnh, vừa chăm sóc mẹ chồng. Đến tháng 10/1971, chồng bà L. hi sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Chồng hi sinh, bà L. vẫn một mình chăm mẹ và các em chồng nhiều năm. Thương con dâu, mẹ chồng bà L. đã khuyên bà tái giá để có người nương tựa lúc tuổi già.

9 năm sau ngày chồng mất, bà L. đi thêm bước nữa nhưng hôn nhân không hạnh phúc, bà L. vẫn thường qua lại chăm nom mẹ và hương khói cho người chồng liệt sĩ. Bà cũng đã nhiều cùng anh em vào Quảng Trị tìm mộ chồng nhưng chưa tìm được.

Không chỉ nỗ lực tìm được hài cốt người đã ngã xuống đến nay vẫn chưa thực hiện được, đến các chế độ chính sách bà phải chạy ngược chạy xuôi hoàn thành hồ sơ cũng "án binh bất động" tại cơ quan chức năng.

Thông tin trên báo Dân trí, về hồ sơ của bà L., ngày 22/10/2015, Sở LĐ-TB-XH tỉnh có công văn yêu cầu Phòng LĐ-TB-XH TP Hà Tĩnh trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được công văn của sở phải hoàn tất việc hướng dẫn đối tượng (bà L.) lập lại hồ sơ đúng quy định. Tuy nhiên, phòng LĐ-TB-XH TP Hà Tĩnh đã bỏ quên chỉ đạo này. Đơn vị cơ sở không thực hiện, Sở LĐ-TB-XH tỉnh cũng không đôn đốc nên hồ sơ của bà L. không được giải quyết.

Đến ngày 20/5, bà L. đã trực tiếp phản ánh sự việc tới Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn.

Nắm thông tin, Bí thư Lê Đình Sơn hết sức bức xúc với thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm cho hồ sơ của bà L. Bí thư Lê Đình Sơn đã chỉ đạo Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh này giải quyết dứt điểm và kiểm điểm những người liên quan trong việc chậm trễ thực thi chính sách cho người có công.

Đến ngày 21/5, cán bộ Sở và Phòng LĐTB-XH TP Hà Tĩnh đã trực tiếp gặp bà L. để mong thông cảm và hướng dẫn bà bổ sung hồ sơ.

Chiến tranh lùi xa đã lâu, nhưng vấn đề chính sách cho người có công ở nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết hết được, nhiều người vẫn mòn mỏi chờ do thủ tục giấy tờ còn vướng mắc, có người chờ đến mắt chậm da mồi, cũng có những người không thể chờ được.

Còn nhớ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng ở huyện Củ Chi (TP.HCM) ngày 21/5, Bí thư đã khiến cho cả hội trường lặng đi khi kể về câu chuyện với người mẹ Việt Nam Anh hùng.

"Tôi hỏi má mong muốn gì không? Má nói chỉ mong được nhìn thấy chỗ mình nằm xuống khi qua đời… Tôi và Bí thư Củ Chi nghe xong mà suýt khóc” - Bí thư Thăng chia sẻ.

Người nói câu nói ấy là mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) Võ Thị Mượt - mẹ duy nhất còn sống trong số 192 mẹ VNAH của Củ Chi và Hóc Môn được trao tặng bằng chứng nhận ngày 26/4.

Bí thư nói với các lãnh đạo, cán bộ trong cuộc họp: “Các anh làm được gì cho các mẹ, cho dân thì làm nhanh, không được chần chừ!”.

“Các anh nhìn lại đi, vừa rồi 192 mẹ VNAH được công nhận ở Củ Chi, Hóc Môn thì chỉ còn một mẹ còn sống.

Thương hơn cả là khi làm thủ tục thì vẫn còn hai mẹ còn sống. Nhưng một mẹ đã không chờ được, mất trước ngày trao chỉ một tuần…” - ông Đinh La Thăng nói tiếp.

Bí thư Thăng khẳng định: “Đây là lỗi của chúng ta. Quá nhiêu khê thủ tục để các mẹ mòn mỏi. Tôi đồng ý là làm theo quy định nhưng chúng ta làm sao thì làm, phải có tình”.

“Các má chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong nhìn thấy được chỗ chôn cất của mình. Người ta hi sinh đến như thế, không nghĩ đến quyền lợi gì mà mình cứ làm chậm. Làm thủ tục như thế thì các cụ đi hết còn đâu…” - Bí thư Đinh La Thăng nhắc nhở. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật