Hạ tiêu chuẩn và hội chứng đường cao tốc Việt Nam

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vì mục tiêu năm 2020 sẽ có 2700km đường cao tốc, nên nảy sinh tình trạng cao tốc 2 làn xe, quốc lộ được tân trang rồi biến thành cao tốc.
Hạ tiêu chuẩn và hội chứng đường cao tốc Việt Nam
Hạ tiêu chuẩn đường cao tốc

Theo TCVN 5729:2012 do viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT biên soạn ban hành năm 2012, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác.

Nếu so với TCVN 5729:1997 ban hành năm 1997, các tiêu chí thiết kế kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam đã được Bộ GTVT hạ xuống khá nhiều.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn năm 1997, đường cao tốc là đường chuyên dùng cho xe ôtô chạy với các đặc điểm: tách riêng 2 chiều (mỗi chiều phải có tối thiểu 2 làn xe), mỗi chiều đều phải có bố trí làn dừng xe khẩn cấp.

Bên cạnh đó, dù vẫn giữ quy định chia làm 4 cấp đường cao tốc (cấp 60 km/h, cấp 80 km/h, cấp 100 km/h và cấp 120 km/h), nhưng tiêu chuẩn ban hành năm 2012 cũng “thoáng” hơn rất nhiều cho nhà đầu tư nếu so với tiêu chuẩn năm 1997.

Cụ thể, tiêu chuẩn năm 2012 chỉ quy định ngắn gọn: cấp 60 và 80 (km/h) áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác, cấp 100 và 120 (km/h) cho vùng đồng bằng.

Nhưng theo tiêu chuẩn năm 1997, cao tốc được chia làm đường cao tốc loại A chỉ được áp dụng các cấp 80, 100 và 120 (km/h), trong đó cấp 80 km/h chỉ áp dụng ở địa hình khó khăn núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác...

Nói ngay như dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đường cao tốc loại A với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA, được đưa vào lưu thông năm 2014. Tuy nhiên, chỉ đoạn tuyến từ Hà Nội đi Yên Bái được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 100 km/h.

Tuy vậy, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cao tốc được đầu tư mới hoàn toàn, còn không ít tuyến cao tốc hiện nay chỉ là thảm lại nhựa trên cốt nền đường cũ xong cũng gán thành cao tốc và thu phí ngang cao tốc.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiền thân là đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2002, với 4 làn xe bằng vốn ODA.

Tuy nhiên, năm 2013, Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư BOT cải tạo, nâng cấp thành cao tốc theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thảm lại mặt đường cũ với kinh phí 2.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ thực hiện mở rộng thêm 2 làn.

Mặc dù chỉ là thảm lại nhựa và cải tạo một số hạng mục phụ như hệ thống điện, giải phân cách nhưng cao tốc này cũng đã được thu phí 1.500 đồng/km.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang sẽ chính thức thu phí từ ngày 25/5 tới đây. Đáng nói, dù là cao tốc nhưng tiền thân là quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang được nhà đầu tư BOT nâng cấp, thảm nhựa.

Không chỉ có đoạn tuyến này, mà QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản, được Bộ GTVT thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2014, mới đây, quốc lộ này cũng đã được chấp thuận cho liên danh các nhà đầu tư bỏ thêm hơn 3.000 tỷ đồng để nâng cấp thành cao tốc và sắp sửa thu phí.

Trả lời về việc một số tuyến quốc lộ bỗng “khoác áo” cao tốc và thu phí cao tốc, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, các tuyến đường này đều đáp ứng được tiêu chuẩn của đường cao tốc về tốc độ, về thiết kế.

Thế nhưng, theo GS Nguyễn Quang Toản, - Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường - Trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng, khái niệm cao tốc ở Việt Nam vẫn rất tù mù, muốn gọi là cao tốc thì là cao tốc, nhưng đường 2 làn xe thì cũng có thể chỉ xem như tiền cao tốc, hay thậm chí quốc lộ vì tốc độ lưu thông cũng chỉ 80 km/h.

Nguyên nhân cho việc gán ghép mác cao tốc, theo nhiều chuyên gia, âu cũng bởi vì mục tiêu năm 2020 cả nước sẽ có 2.700km đường cao tốc, trong khi, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 700km cao tốc đưa vào khai thác.

Như vậy, trong 5 năm tới, sẽ phải làm thêm 2.000km cao tốc, đây là bài toán không đơn giản trong bối cảnh vốn ngân sách eo hẹp.

Trước đó, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 19/5, lãnh đạo GTVT cho biết giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đầu tư phát triển thêm khoảng 1.524 km để đến hết năm 2020 toàn quốc sẽ có khoảng 2.270 km đường cao tốc.

Việt Nam sẽ cần hơn 955 nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, riêng đường cao tốc cần 5.150 tỉ đồng để đối ứng cho các dự án ODA và tối thiểu 25.000 tỉ đồng vốn góp từ NSNN cho các dự án BOT, PPP.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật