Ông Tây lên tiếng chuyện dọn cống nước thải ở Hà Nội

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Vì thấy chưa đủ sạch nên tôi đã rủ bạn bè cùng ra dọn, tôi không biết rằng phải xin phép chính quyền…” là những chia sẻ của người đàn ông ngoại quốc trong clip dọn cống nước thải.
Ông Tây lên tiếng chuyện dọn cống nước thải ở Hà Nội
3 ông Tây dọn cống nước gây “bão“ mạng ngày 15/5. Ảnh: Facebook

Sau khi hình ảnh 3 ông Tây dọn rác ở cống nước xuất hiện trên mạng xã hội, được báo chí quan tâm và chính quyền địa phương (hoan nghênh việc làm này) có đưa ra phản hồi rằng: Nhóm tính nguyện không báo trước để xin phép chính quyền và thực tế là mương nước này đã được chính quyền dọn từ trước đó.

Chiều 17/5, PV Báo Gia đình & Xã hội có cuộc gặp gỡ hiếm hoi với James Joseph Kendall (34 tuổi, một người Mỹ đến từ Springfield, bang Ohio) – 1 trong 3 người nước ngoài đã dọn cống nước ở phố Nguyễn Khang vào ngày 15/5.

Vì từng nghe vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam từ rất lâu

James cho biết, anh đã đến Việt Nam được 3 năm và hiện anh đang là giáo viên tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chia sẻ về nguyên do của hành động tình nguyện này, James cho biết, trước khi đến Việt Nam anh đã từng nghe rất nhiều từ bạn bè về vấn đề ô nhiêm ở đây từ lâu.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện việc cá chết ở một số tỉnh ven biển miền trung đã thôi thúc tôi làm công việc dọn rác này để bảo vệ môi trường. Với lại, khi sống cùng gia đình của tôi ở Mỹ thì mỗi mùa giáng sinh chúng tôi luôn cùng nhau trồng cây. Vì thế thỉnh thoảng đi ngoài đường thấy người ta vứt cây ở bãi rác tôi đã nhặt về trồng ở quanh khu vực quận Cầu Giấy. Khi thấy việc làm của tôi mọi người rất ủng hộ và cùng trồng những cây đó” - James nói.

Về câu chuyện đã gây “bão mạng”, James cho biết hôm đó đã cùng với một số người trong nhóm bảo vệ môi trường của mình đến kênh nước bẩn trong ngõ 381/55/4 Nguyễn Khang (Cầu giấy, Hà Nội) và cùng nhau dọn.

“Trước đó, tôi có đi qua con kênh này, thấy bẩn nên đã rủ một số người bạn trong nhóm cùng ra dọn. Sau đó, một số người dân xung quanh cũng đến hỏi han, một số người cũng đã xúm tay cùng dọn. Lúc sau nữa thì một nhóm người mặc đồng phục chắc là đoàn thanh niên của địa phương đã đi ủng lội xuống kênh giúp đỡ. Hôm đó, tổ dân phố cũng ra hỏi han và quan tâm” - chàng trai người Mỹ nhớ lại.

Theo James, ngay sau khi nhóm làm xong việc một người trong tổ dân phố đã mời anh cùng đoàn về nhà dùng cơm. “Tôi rất vui khi cả đoàn được người dân mời về dùng cơm và sau đó tôi cũng ngỏ ý trả tiền bữa cơm đó nhưng vị tổ dân phố không đồng ý, người này còn khuyên tôi hãy cẩn thận vì mương nước bẩn dễ mắc các chứng bệnh. Chính những hành động ý nghĩa của một số người dân khiến tôi cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ”.

James Joseph Kendall - Trưởng nhóm "Keep Hanoi Clean" ("Giữ Hà Nội sạch"). Ảnh: Cao Tuân

Trước thông tin về câu chuyện của mình lan truyền trên mạng, người đàn ông ngoại quốc này khiêm tốn nói: “Tôi không muốn nổi tiếng mà chỉ muốn mọi người biết đến nhóm nhiều hơn và thay đổi được cái nhìn của mọi người trong việc bảo vệ môi trường nhất là về vấn đề rác thải ở Hà Nội”.

Chưa đủ sạch nên rủ cả bạn bè

Nói về vấn đề không xin ý kiến chính quyền địa phương trước khi làm việc này, James cũng tâm sự rằng, bản thân anh không nghĩ việc dọn rác phải hỏi ý kiến chính quyền.

“Thực sự tôi không biết việc đó, cũng không biết rằng mương nước này mới được dọn trước đó. Tại tôi thấy chưa đủ sạch nên đã rủ một số người bạn ra dọn sạch hơn thôi. Bản thân tôi thực sự không lăn tăn về việc chính quyền nói về vấn đề đã dọn sạch con kênh trên, cũng không quan tâm ai là người đã đổ rác từ trước mà chỉ muốn thay đổi được suy nghĩ của mọi người trong việc rác thải thôi.

Tôi mong muốn mọi người ý thức về việc vứt rác. Mong rằng các con sông, kênh ở Việt Nam được sạch sẽ và không còn rác thải. Trẻ nhỏ rất hay học theo nếu thấy người lớn làm việc đó chúng sẽ học rất nhanh và việc làm nhỏ này vô cùng xấu”, anh trải lòng.

Anh cũng cho biết, bản thân rất yêu người Việt Nam, văn hóa cũng như ẩm thực ở Việt Nam. “Con người Việt Nam rất tuyệt vời. Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ, tôi nhớ những lần tranh thủ lúc nghỉ trưa thường hay đi nhặt rác thì có người mời tôi uống nước, có người mời vào nhà nghỉ ngơi… Bản thân tôi cũng sẽ gắn bó ở Việt Nam, trong vài năm tới sẽ vào Đà Lạt sống cùng mẹ của mình và lập gia đình”.

Được biết, nhóm bảo vệ môi trường của anh lập từ đầu tháng 5, ban đầu chỉ có vài người nhưng sau nửa tháng hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng và có 3000 người tham gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật