Trần Mỹ Hà và một “mảnh vỡ” về Đà Lạt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba tháng nay, đạo diễn Trần Mỹ Hà thầm lặng sáng tối đeo bám trên các cánh rừng thông, các góc phố Đà Lạt.
Trần Mỹ Hà và một “mảnh vỡ” về Đà Lạt
Đạo diễn Trần Mỹ Hà (giữa) chỉ đạo một cảnh quay tại hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt - Ảnh: N.H.T.

Bỏ Đà Lạt xuống Sài Gòn làm nghề điện ảnh suốt 33 năm nay, những phim Trần Mỹ Hà làm đạo diễn (Giữa dòng, Hải nguyệt, Tiếng đờn kìm, Ông cá hô, Hàn Mặc Tử, Blouse trắng...) đều là chuyện, là không gian ở những miền xứ khác. Đà Lạt là một đại phim trường tự nhiên, các đoàn quay phim xuất hiện gần như hằng ngày.

Bây giờ người Đà Lạt mới thấy đứa con phố núi làm phim ở quê mình. Từ cuối tháng 7, Trần Mỹ Hà cùng đoàn làm phim thuê một khách sạn “cóc” trên đường Nguyễn Văn Trỗi ở TP Đà Lạt làm chỗ “đóng quân” để thực hiện bộ phim mang tên Đời.

Đời là một bộ phim truyện truyền hình dài 22 tập, một câu chuyện điện ảnh thu vào cận cảnh nhất phần nào xã hội - đời sống - con người Đà Lạt đương thời kể từ sau ngày giải phóng đến nay. Không thân tác giả của kịch bản phim (họa sĩ Phạm Mùi ở Đà Lạt), tình cờ được đọc nó tại TP.HCM, Mỹ Hà bất thần nhớ về Đà Lạt quê nhà và nghĩ: “Phải làm thôi!”.

Bộ phim Đời đang chuẩn bị làm phần hậu kỳ để kịp phát sóng vào đầu quý 2-2010. Đời cũng là một trải nghiệm khiến đạo diễn Trần Mỹ Hà ấp ủ một bộ phim khác cho Đà Lạt: “Phải làm một bộ phim tài liệu về Đà Lạt, chuyện thật, người thật, lịch sử thật, cuộc đời thật mới có thể nói hết sự tuyệt vời, kỳ vĩ của thành phố cao nguyên kỳ lạ này!”.

Có vẻ rất “lãng mạn Đà Lạt”, khi bộ phim xuyên suốt kể về khúc quanh của chàng họa sĩ tên Thành. Tuy nhiên, Thành lại là chàng họa sĩ quý tử con một trong một gia đình “đại gia kiểu mới” ở Đà Lạt mà sự giàu có tạo ra được nhờ mưu mô, thủ đoạn, sự tinh ranh và xỏ lá của loại doanh nhân cơ hội.

Và một xã hội muôn mảng sáng - tối, tốt - xấu, cao thượng - thấp hèn, hỉ nộ ái ố... của Đà Lạt hào hoa buổi nào lộ ra, khi nó bị biến đổi đi quá nhiều từ bên trong và nền kinh tế thị trường quất vào. Vốn sống mơ mộng, lý tưởng cuộc sống, trân quý những giá trị hay, đẹp, đạo đức ở đời; chàng họa sĩ kia đã “sốc” liên tục khi va đập với cuộc đời thật, khác xa cái cõi mơ mộng, sáng tạo.

Không có diễn viên “sao” nào được mời đóng trong Đời. Trần Mỹ Hà bảo dù biết sẽ rất khó khăn, thậm chí mạo hiểm, nhưng anh muốn Đời thật... “đời, chân thật, tự nhiên!” và hi vọng thu hái được bất ngờ từ chất ngẫu nhiên ở diễn xuất của những diễn viên không tiếng tăm. Đời cũng là bộ phim đầu tiên mà tiếng K’Ho sẽ được đưa lên phim (phụ đề Việt ngữ ở một số đoạn), rồi hòa thêm vào đó là những bài dân ca ngàn đời của sắc dân Lạch chưa mấy người từng nghe.

Không chỉ có non bồng Tuyền Lâm, sắc vóc rừng thông, tháp bút ấn tượng của Trường Lycée Yersin, nhà thủy tạ, những tòa biệt thự Pháp kiều diễm, những con đường mù sương bay bổng..., Trần Mỹ Hà cùng cộng sự của anh còn đưa vào Đời những con hẻm tần tảo của Đà Lạt, một xưởng vẽ cùng những phòng tranh khuất lấp, những dãy phố có kiến trúc mới nhố nhăng, những ngân hàng, những tiệm cầm đồ, rồi nghĩa địa, đến cái buôn làng sơn cước Darahoa bé bỏng giữa rừng...

Mỹ Hà tâm sự dù lần đầu làm phim về Đà Lạt nhưng 22 tập phim ấy là bấy nhiêu chắt chiu của mình, “là tiếng nói chân thành, tình yêu của tôi với quê nhà vốn là một xứ sở hiền hòa, thân thiện, bao dung, nơi mọi người tụ về để yêu thương, để sống”. Anh bảo bộ phim Đời cũng chỉ là một trong muôn vạn dòng chảy xao xuyến, một “mảnh vỡ” về thành phố cao nguyên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật