Quảng Ninh: Doanh nghiệp là trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quảng Ninh hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nông nghiệp toàn diện hơn nữa tuy nhiên, nông nghiệp hiện chỉ chiếm 6% trong GDP của tỉnh.
Quảng Ninh: Doanh nghiệp là trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh đạt trên 610.000 ha, trong đó tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm tới 75,6% đất tự nhiên. Dân số sống trong khu vực nông thôn đạt khoảng 50%, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm đến 41,6% trong tổng số 1,2 triệu dân.

Như vậy, Quảng Ninh đã hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nông nghiệp toàn diện hơn nữa. Tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 6% trong GDP của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá, tỷ trọng trên chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Do đó, Quảng Ninh xác định, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh; là cơ sở cho ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng nông thôn.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Quảng Ninh tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó tập trung phát triển kinh tế biển (thủy sản), chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lấy doanh nghiệp nhân tố chính thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, tạo sức lan toả và liên kết với người dân thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính. Đầu tư những trung tâm sản xuất giống thuỷ sản, nông nghiệp, chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu giống phục vụ cho phát triển hàng hoá.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực... đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành trên 5%/năm.

Xây dựng các cơ sở cung cấp giống cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động trong việc cung cấp các loại giống chất lượng tốt, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trong ngành.

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa để đưa ngành chăn nuôi (lợn và gia cầm) trở thành một động lực tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao hơn trong ngành nông nghiệp.

Hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp là vùng cây nguyên liệu gỗ cho chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp gỗ mỏ cho ngành than, gỗ xây dựng; vùng cây lâm nghiệp đặc sản phục vụ xuất khẩu (quế, hồi, thông nhựa) triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung nuôi các sản phẩn chủ lực, nuôi theo hướng bền vững. Chuyển dịch nuôi trồng thủy sản từ bán thâm canh, quảng canh sang thâm canh và mở rộng diện tích nuôi thâm canh gắn với công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đầu tư chuyển giao công nghệ sản xuất, nuôi trồng một giống mới có chất lượng….

Đối với lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phát triển khai thác thủy sản theo hướng tăng sản lượng khai thác xa bờ và giảm sản lượng khai thác gần bờ, ưu tiên phát triển đội tàu có năng suất và sản lượng cao hoặc các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

Đối với lĩnh vực chế biến, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% vào năm 2020; giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô.

Ngày 7/5 tại Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội thảo Đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 250 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quan Trung ương, đại diện Ban lãnh đạo Tỉnh uỷ Quảng Ninh và các đơn vị trực thuộc, cùng hơn 180 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp FDI, các Tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, FLC Group, Hoàng Anh Gia Lai...

Hội thảo là diễn đàn để các doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn, vướng mắc và mong muốn khi đầu tư vào các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, là nơi để tỉnh Quảng Ninh lắng nghe và tiếp thu đóng góp của các doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kịp thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật