7 thói quen ‘đốt’ tiền cần nhanh chóng loại bỏ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng ta thường lờ đi những thói quen dẫn đến khó khăn tài chính trong thực tại và tự nhủ rằng ’mọi chuyện rồi sẽ qua đi’. Tuy nhiên, điều này cũng giống như việc bạn bị bệnh nhưng nhất quyết không chịu đi khám bác sĩ vậy.
7 thói quen ‘đốt’ tiền cần nhanh chóng loại bỏ
Ảnh minh họa

  

Dưới đây là 7 thói quen "đốt tiền" thường thấy, dễ khiến chúng ta rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu và cần loại bỏ ngay lập tức, theo Business Insider.

Chi tiêu theo cảm xúc

Chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, thường có thói quen mua sắm vô tội vạ khi rơi vào trạng thái lo lắng, buồn bã. Tuy nhiên, cảm giác vui sướng nhất thời đó sẽ nhanh chóng qua đi, để lại hàng tá những món đồ không cần thiết hoặc thậm chí tệ hơn, nợ tín dụng.

Để kiểm soát bản thân, hạn chế thói quen dễ gây nghiện này, chúng ta nên tự đặt ra một số quy tắc như: chỉ mua sắm đồ đạc, vật dụng theo danh sách đã liệt kê khi còn bình tĩnh, thư giãn; ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt, tuyệt đối không dùng thẻ tín dụng...

Sự phung phí từ thói quen mua sắm theo cảm xúc có thể khiến bạn giật mình - Ảnh minh họa: Shutterstock

Cho vay

Khi cho người khác, đặc biệt là bạn thân, vay nhưng bạn ngại ngùng hoặc không thể “đòi nợ”, giữa đôi bên chắc chắn sẽ nảy sinh cảm giác khó chịu. Do đó, trừ trường hợp bất khả kháng, tốt nhất nên tìm cách giúp đỡ họ mà không cần sử dụng đến tiền bạc.

Khi đã quyết định cho vay, bạn nên chuẩn bị tâm lý coi đó như một món quà nhỏ, không đợi ngày được hoàn lại hoặc đơn giản hơn, từ chối ngay lập tức để tránh mất cả tiền lẫn các mối quan hệ tốt đẹp xung quanh.

Giành thanh toán

Giành thanh toán trong những buổi ăn uống, gặp gỡ, tiệc tùng... với bạn bè, đồng nghiệp có thể xem là hành động hào phóng, mặt khác còn thể hiện được cái tôi cá nhân trước đám đông. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát cho hợp lý, thói quen này có thể trở thành con dao 2 lưỡi sẵn sàng “dát mỏng” ví tiền của bạn không thương tiếc.

Bên cạnh đó, qua thời gian, người khác sẽ mang tâm lý mong chờ được bạn thanh toán giúp, khiến các mối quan hệ thiếu đi sự chân thành và thái độ chia sẻ cần thiết.

11 thói quen đáng học hỏi từ giới tỉ phú’Người duy nhất có thể giúp bạn nghĩ như một triệu phú là một nhà triệu phú’, tác giả Steve Siebold viết trong cuốn How Rich People Think.

Chạy đua theo người khác

Bạn nên đặt mục tiêu cụ thể cho cuộc sống, từ ngắn đến dài hạn, thậm chí có thể trong khoảng 10, 20 hoặc 50 năm, rồi dựa vào đó để xây dựng kế hoạch làm việc, chi tiêu cho phù hợp thay vì cố gắng theo đuổi lý tưởng thành công của người khác.

Nên nhớ rằng, đôi khi, lối sống xa hoa chỉ thể hiện cách chúng ta tiêu tiền chứ không phản ánh thu nhập và nguồn dự trữ tiền tệ thực tế.

Tiêu hoang

Derek Garielsen, chuyên gia thuộc công ty tư vấn tài chính Strategic Wealth Partners (bang Ohio, Mỹ), cho rằng thói quen tiêu hoang, không dành ra những khoản tiết kiệm là “sai lầm lớn nhất” của chúng ta.

Ông Gabrielsen cho rằng hàng tháng, chúng ta nên chừa ra một khoản thu nhập nhỏ để dự phòng cho những tình huống xấu, cùng 10% cố định chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu. Bạn nên đặt mục tiêu cụ thể cho các quỹ này, ví dụ như “ống heo khẩn cấp” sẽ có giá trị tương đương 6 tháng tiền lương.

Nên dành ra khoản tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp - Ảnh: Shutterstock

Phụ thuộc vào thẻ tín dụng

Thói quen thanh toán bằng thẻ tín dụng có thể khiến chúng ta tiêu nhiều tiền hơn hẳn so với giá trị thực của sản phẩm được giao dịch, thậm chí rơi vào những khoản nợ lớn vì vấn đề lãi suất. Do đó, cần cân nhắc thật kỹ trước khi quẹt thẻ, thậm chí nên ưu tiên sử dụng tiền mặt.

Trước khi sử dụng hoặc muốn chuyển đổi ngân hàng quản lý thẻ tín dụng, nên đọc kỹ các quy định trong hợp đồng rồi thử tính nhẩm số tiền thanh toán trong thực tế, từ đó thấy được sự “đội chi” khủng khiếp có thể xảy đến với bạn.

Né tránh thực tại

Chúng ta thường lờ đi khó khăn tài chính trong thực tại và tự nhủ rằng “mọi chuyện rồi sẽ qua đi”. Tuy nhiên, nếu giữ thói quen tại hại này mà không chịu thay đổi, bạn sẽ ngày càng chìm sâu vào “cơn mê” không lối thoát.

Thái độ này cũng giống như bạn bị bệnh nhưng nhất quyết không đi khám bác sĩ. Thay vào đó, nên chủ động, thậm chí có thể nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè đáng tin cậy để sắp xếp lại vấn đề chi tiêu, tài chính, bắt đầu từ việc liệt kê thu nhập, các khoản nợ... sau đó lập kế hoạch cụ thể, bao gốm cả tiết kiệm, để từng bước vượt qua thời điểm khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật