Xây đập ngăn sông Hồng: Không thực tế, tiền đem đổ biển

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các đập dâng trên sông Hồng chỉ phục vụ được cho một số địa phương ở trung lưu trong vòng 15 ngày, đó là cái nhìn phi khoa học.
Xây đập ngăn sông Hồng: Không thực tế, tiền đem đổ biển
Về mùa khô nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) nhận xét như vậy trước đề xuất xây dựng một số đập dâng trên sông Hồng.

Thiếu cái nhìn tổng thể, khoa học

Là người làm thủy lợi, đê điều hàng chục năm, ông Nguyễn Ty Niên đã đúc rút ra một điều xương máu, đó là con sông Hồng có sức sống và hồn thiêng của nó. Chính vì thế, khi làm bất cứ công trình gì trên sông Hồng đều đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và phải tuân theo quy luật.

Ông Niên nhắc lại kinh nghiệm lịch sử khi xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải: "Trước khi làm Bắc Hưng Hải ít năm, ta đã đào kênh Hưng Thái Ninh có quy mô khá lớn chỉ cách cửa vào sông Bắc Hưng Hải sau này chừng vài trăm mét nhưng nước không chảy vào. Sau này các chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu rất kỹ quy luật của dòng sông để chọn đúng điểm rơi của thế sông làm cho dòng nước chảy vào thuận ít bị bồi lắng nhất. 

"Khi "làm việc" với sông Hồng, phải đảm bảo 4 điểm huyệt trên sông là cống Liên Mạc, cửa Đuống, cảng Vĩnh Tuy và cửa Bắc Hưng Hải. Nếu ảnh hưởng đến các điểm huyệt này là ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và trên 40 vạn ha ĐBSH", ông Niên lưu ý. 

Một câu chuyện khác cũng được ông Nguyễn Ty Niên kể lại: hệ thống sông Hồng và các chi lưu của nó có một dòng sông chết, đó là sông Đáy có cửa vào tại Hát Môn. Do quy luật vận động của dòng sông, cửa Hát Môn bị bồi lấp nên mùa kiệt không có nước chảy vào.

Các kỹ sư Pháp đã xây đập phân lũ sông Đáy vào những năm 30 của thế kỷ trước vừa ngăn lũ thấp để tạo cho vùng hạ du tiêu được nước mùa mưa, và khi gặp lũ lớn thì phân lũ để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tiếc rằng công trình đồ sộ ấy từ khi xây dựng đến nay chưa một lần vận hành thành công.

Sau lũ lịch sử năm 1971, ta đã cải tạo lại công trình này. Rồi ý tưởng làm sống lại dòng sông Đáy đã nung nấu trong nhiều thế hệ thủy lợi. Thời ông Nguyễn Cảnh Dinh làm Bộ trưởng Thủy lợi đã để tâm đến vấn đề này, song vì quy luật bồi lấp của cửa Hát Môn rất phức tạp nên đã có hướng chọn vị trí công trình tiếp nước vào sông Đáy ở thượng nguồn sông Tích tại Bến Mắm, Sơn Tây.

Đến đầu thế kỷ XXI, Bộ NN&PTNT quyết định hệ thống công trình tiếp nước vào sông Đáy có tên là cống Cẩm Đình ngay tại cửa Hát Môn, nơi mà Bộ Thủy lợi trước đây "sợ". Nhiều cán bộ thủy lợi lâu năm cũng đã can ngăn Bộ trưởng, nhưng rồi công trình vẫn được đầu tư với số vốn cả trăm tỷ đồng, nay công trình chưa xong đã thấy hai lưỡi cát bồi chắn trước cống.

Trở lại đề xuất xây 5-7 đập dâng trên sông Hồng, theo ông Niên, nếu thành hiện thực, nó sẽ phá vỡ quy luật tất yếu của sông Hồng.

Ông cho biết, sau khi có thủy điện Hòa Bình, lòng sông Hồng đã bị hạ xuống nhưng thứ làm cho lòng sông Hồng bị xói mạnh, biến chuyển chính là hoạt động khai thác cát hiện nay.

"Con sông luôn vận hành theo quy luật bên lở bên bồi. Việc xây kè hai bên sông Đuống làm con sông mất đi quy luật vận hành tự nhiên. Trước đây, Bộ Thủy lợi cho một bên sông Đuống lở nhưng về sau, khi sáp nhập vào Bộ NN&PTNT, người ta kè cả hai phía cho khỏi lở. Chính điều đó làm cho lòng sông bị xói sâu xuống, đẩy lưu lượng tăng về phía sông Đuống, dẫn đến nguy cơ chuyển dòng.

Một vấn đề khác khi nhìn tổng thể, đó là sau thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, chỉ có khúc trung lưu (gồm Hà Nội, Sơn Tây, một phần Bắc Ninh, Hải Dương) là thay đổi, trong khi các tỉnh hạ lưu (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) lưu lượng về lớn, triều đẩy lên cao, nguồn nước vào thuận. Ngay cả khi có biến đổi khí hậu, không bao giờ các tỉnh hạ lưu kêu thiếu nước vì lưu lượng về rất lớn. Xâm nhập mặn có cái lợi nhưng cũng có cái hại: cái lợi là nó như đập dâng nước lên, khi triều lên thì nước ngọt đẩy vào.

Biến đổi lòng sông hạ thấp chỉ xảy ra một số tỉnh ở vùng trung lưu nhưng chỉ có một thời đoạn rất ngắn. Nhu cầu tăng đầu nước chỉ diễn ra trong vòng 15 ngày chứ không phải suốt cả năm. Trong khi đó, con sông còn phải đảm bảo giao thông và các vấn đề khác. Nếu xây các đập dâng trên sông Hồng, giao thông sẽ như thế nào và khi đóng các đập ở đây, họ nói cứu được các tỉnh trung lưu nhưng 4 tỉnh hạ lưu sẽ như thế nào? Câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời", ông Nguyễn Ty Niên phân tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật