Còn nhiều điều hay hơn chuyện 7,3 tỉ đô!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần đây, các báo bàn nhiều về con số 7,3 tỉ đô la Mỹ của Việt Nam đang được gửi ở nước ngoài, nếu nhìn vào thống kê cán cân thanh toán quốc tế của NHNN trong năm 2015 còn nhiều điều đáng chú ý hơn thế.
Còn nhiều điều hay hơn chuyện 7,3 tỉ đô!
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của NHNN, trong quí 3 các tổ chức tín dụng (TCTD) và khu vực khác đã đem 7,96 tỉ đô la Mỹ ra nước ngoài gửi, trong đó các TCTD là 5,96 tỉ đô la Mỹ còn khu vực khác là 2 tỉ đô la Mỹ. Điều đầu tiên nên biết là các ngân hàng trong nước luôn mở nhiều tài khoản nostro tại các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu phục vụ doanh nghiệp. Và đây đa số là tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn ngắn và có

thể rút về bất kỳ lúc nào.

Một ngân hàng với quy mô trung bình có hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu thì lượng tiền gửi này có thể ở mức 1.500 tỉ đồng, với khoảng 30 ngân hàng của Việt Nam thì lượng tiền gửi duy trì tại các ngân hàng nước ngoài xấp xỉ khoảng 45.000 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Khi lượng tiền gửi thanh toán này giảm dần thì các ngân hàng phải tiếp tục chuyển ra để duy trì một

số dư đáp ứng được nhu cầu thanh toán, do đó nếu thời điểm nào hoạt động nhập khẩu tăng mạnh thì lượng tiền chuyển ra cũng sẽ tăng cao.

Với 5,96 tỉ đô la Mỹ của TCTD đem ra gửi ở nước ngoài trong quí 3-2015 đúng là có tăng đột biến so với các quí trước, tuy nhiên theo đặc thù thì nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng thường tăng cao vào cuối quí 3 và trong quí 4, do đó các ngân hàng phải chuẩn bị sẵn nguồn tiền gửi thanh toán dồi dào để đáp ứng.

Ngoài ra, bối cảnh thị trường tiền tệ lúc đó (kỳ vọng FED nâng lãi suất, Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ) đã kíc‌h thí‌ch nhu cầu tích trữ và đầu cơ đồng đô la Mỹ, làm tăng lượng tiền gửi bằng đô la tại các ngân hàng trong nước với mức tăng xấp xỉ 8-9% trong quí 3-2015, trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ ngoại tệ chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Việc kỳ vọng phá giá tiền đồng khiến các doanh nghiệp đang vay cũng gấp rút trả nợ vì sợ tỷ giá tăng, trong khi các doanh nghiệp khác thì e ngại vay vì sợ rủi ro tỷ giá. Do đó, dòng vốn ngoại tệ tại các ngân hàng trở nên dồi dào và chính các ngân hàng cũng kỳ vọng NHNN sẽ phá giá tiền đồng nên duy trì trạng thái ngoại hối dương, đồng thời đẩy mạnh vốn gửi tại các ngân hàng nước ngoài để tối ưu hóa việc sử dụng vốn, mặc dù lãi suất chỉ ở mức thấp, từ 0,01-0,05%. Việc các TCTD gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài là một nghiệp vụ bình thường và có thể rút về bất kỳ lúc nào nên không đáng lo ngại, thực tế cũng đã có những thời điểm rút về (thường rơi vào quí 1 trong năm).

Trong khi đó, nguồn tiền gửi của khu vực khác đã duy trì dòng chảy ra suốt từ quí 1-2013 (thời điểm NHNN công bố số liệu thống kê này) cho đến quí 4-2015, với tổng giá trị lên đến 27,11 tỉ đô la Mỹ, trong khi của các TCTD chỉ ở mức 7,56 tỉ đô la Mỹ. Nhìn vào biểu đồ 1 bên dưới có thể thấy dòng tiền gửi ở nước ngoài của khu vực khác luôn duy trì mức chảy ra từ gần 1,5 tỉ đô la Mỹ đến hơn 3 tỉ đô la Mỹ qua các quí, đây mới thực sự là điều đáng lo ngại.

Dòng tiền đầu tư gián tiếp và tiền gửi vào các TCTD trong nước đang bị rút ra

Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam bắt đầu có tín hiệu rút ra quí 3-2014 đến nay, ngoại trừ trong quí 2-2015 tăng ròng được 160 triệu đô la Mỹ (biểu đồ 2). Tổng vốn đầu tư rút ròng ra trong năm 2015 là 65 triệu đô la Mỹ. Nếu so với các con số tăng ròng trong các năm 2012 là 1,88 tỉ đô la Mỹ, 2013 là 1,38 tỉ đô la Mỹ và 2014 là 93 triệu đô la Mỹ, thì đây quả là một tín hiệu tiêu cực.
Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào trong nước dưới dạng tiền gửi cũng bị rút ròng ra kể từ quí 2-2014, ngoại trừ các quí 1 và quí 2-2015 là có mức tăng ròng đáng kể (biểu đồ 3), điều này có thể có liên hệ với Luật Nhà ở 2014 theo đó cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1-7-2015. Tuy nhiên, lượng tiền gửi vẫn bị rút ròng ra khỏi Việt Nam trong năm 2014 là 1,43 tỉ đô la Mỹ và trong năm 2015 là 662 triệu đô la Mỹ, trong khi năm 2013 chảy ròng vào 610 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, khoản mục chuyển giao vãng lai (còn gọi là chuyển giao hiện hành) ở Việt Nam chủ yếu là tiền người Việt cư trú ở nước ngoài gửi về nước (thường gọi là kiều hối) cho gia đình trong năm 2015 là 8,57 tỉ đô la Mỹ, giảm so với mức 10,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014 và 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013. Con số này thấp hơn con số 12,25 tỉ đô la Mỹ mà Ngân hàng Thế giới công bố cho năm 2015. Thực tế dòng tiền đầu tư từ nước ngoài vào các tài sản trong nước trong những năm qua nằm dưới dạng kiều hối là khá lớn.
Những diễn biến trên phần nào giải thích cho nhận định dòng vốn từ hoạt động carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) đang rút khỏi Việt Nam, trước lo ngại FED sẽ tăng lãi suất trong tương lai, trong khi dòng vốn đầu tư dưới dạng kiều hối có thể sụt giảm.

Lỗi và sai sót tăng mạnh trong năm 2015

Cũng theo số liệu thống kê từ NHNN, trong năm 2015 cán cân vãng lai thặng dư 906 triệu đô la Mỹ và cán cân tài chính thặng dư 1,57 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên dự trữ ngoại hối của NHNN chẳng những không tăng lên tương ứng ở mức 2,48 tỉ đô la Mỹ mà còn giảm đi hơn 6 tỉ đô la Mỹ. Như vậy đáng chú ý là khoản mục lỗi và sai sót trong năm 2015 lên đến -8,5 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với những năm trước đó và là mức cao thứ hai chỉ sau mức âm 12,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2009 (biểu đồ 4).

Khoản mục lỗi và sai sót có thể đến từ nhiều nguyên nhân như việc găm giữ ngoại tệ, cất trữ tại đơn vị/nhà của các tổ chức kinh tế và dân cư, hoặc do nhập siêu trong thực tế cao hơn (nhập lậu không thống kê được) hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài.

Nếu chi tiết hơn vào con số lỗi và sai sót trong năm 2015, thì thấy tập trung vào quí 4-2015 với mức lỗ và sai sót lên đến 4,98 tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng rất cao, và khó tránh khỏi việc nhập lậu từ nước ngoài, nhất là khi hành động phá giá mạnh tiền tệ của Trung Quốc vào tháng 8-2015 đã khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn rất nhiều và kíc‌h thí‌ch các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong quí 4-2015 áp lực và kỳ vọng phá giá tiền đồng lớn đã khiến nhiều nhà đầu tư găm giữ và tích trữ đồng đô la Mỹ, trong khi trần lãi suất tiền gửi của đồng tiền này đối với cá nhân đã giảm về 0% từ ngày 18-12-2015 có thể đã khiến nhiều người rút đô la về cất giữ tại nhà. Ngoài ra việc chuyển ngân lậu ra nước ngoài của giới nhà giàu cũng không thể loại trừ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật