“Bóng ma” chiến tranh đang bao trùm Thái Bình Dương

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với tiêu đề “bóng ma” Thế chiến III đang hiện hữu tại châu Á – Thái Bình Dương, báo Độc lập Nga có bài bình luận nhân sự kiện Mỹ và Philippines đạt thỏa thuận triển khai các căn cứ quân sự mới.
“Bóng ma” chiến tranh đang bao trùm Thái Bình Dương
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Theo Báo Độc lập (Nga), tại châu Á đang diễn ra “ván cờ” căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc và bên còn lại là Mỹ và Philippines. Trong ván cờ này còn có những "đối thủ giấu mặt" gồm Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Mỹ chống lưng) và Nga (đứng sau Trung Quốc).

Tạp chí có ảnh hưởng National Interest cùng nhiều phương tiện truyền thông khác ở Mỹ cũng có chung dự đoán trên với Báo Độc lập. Trong khi đó theo tờ Nhân dân Nhật báo, Bắc Kinh không nợ nần gì Mỹ và cho rằng chính Washington đang khiến cho Thái Bình Dương thêm căng thẳng bởi các động thái tăng cường liên minh quân sự trong khu vực.

Việc phô trương sức mạnh này đáng lẽ sẽ không xuất hiện nếu Trung Quốc không xây dựng sân bay mới tại các đảo tranh chấp. Dấu hiệu về một "cơn bão" trên Thái Bình Dương đang hiện hữu khi Mỹ và Philippine vừa đạt được thỏa thuận triển khai một căn cứ quân sự của nước này ở Philippines.

Trước đó, cũng trong tháng 4/2016, 8.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày với các bài tập huấn luyện kỹ năng tiêu diệt và đối phó với những kẻ xâ‌m lượ‌c Philippines.

Trong thời gian này, Nhật Bản đã triển khai radar ở vùng biển tranh chấp nhằm giám sát tàu thuyền Trung Quốc ở Biển Hoa Đông- nơi cả Tokyo và Bắc Kinh không thể phân chia các quần đảo.

Tình hình khu vực Bắc Á- Thái Bình Dương cũng đang trở nên không yên bình. Tại khu vực này, theo đánh giá của các nhà quan sát Mỹ, thì Nga cũng đang dần dần thiết lập sự hiện diện của mình ở đây.

Trong một nỗ lực hậu thuẫn đối tác chiến lược Trung Quốc, Nga đã lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Nam Kuril.

Lầu Năm Góc cũng không hài lòng trước việc Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận chung. Tạp chí National Interest (Mỹ) cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm hoặc hành động khiêu khích nào trong điều kiện hiện nay cũng rất có thể sẽ dẫn đến một thảm họa toàn cầu, nếu không muốn nói là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Lý do gì để đưa ra những dự đoán đầy hoang mang như vậy? Từ những động thái của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương, có thể nhận thấy Washington đang nỗ lực thực hiện 3 mục tiêu:

Ảnh mang tính chất minh họa.

Thứ nhất, quân đội Mỹ có thể tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương bởi đây là một trong những phần quan trọng nhất trong chiến lược "tái cân bằng tại khu vực" của Mỹ.

Thứ hai, Mỹ giúp Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế ở Lahay trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Mỹ cũng sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và cố tạo ra "sự thương cảm" đối với Philippines.

Mỹ đã che đậy một thực tế rằng chính Philippines khiêu khích Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia cũng như can thiệp công việc nội bộ để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Thứ ba, mặc dù tỏ ra quan tâm vấn đề an ninh ở Biển Đông nhưng thực chất Mỹ đang muốn phối hợp hành động với các đồng minh và cố gắng tạo ra một liên minh mạnh mẽ trong khu vực.

Cũng cần nhấn mạnh rằng việc bị kiện lên cơ quan trọng tài quốc tế khiến Trung Quốc không tránh khỏi lo ngại.

"Trung Quốc đang gần như bị cô lập trong câu chuyện căng thẳng trên Biển Đông", Giáo sư Li Xing của Đại học Bắc Kinh cho biết.

Chính vì vậy Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phải nói với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp 3 bên Nga – Trung - Ấn tại Moscow rằng hai nước Nga – Trung cần phối hợp để chống lại mục tiêu "quốc tế hóa các tranh chấp" trên Biển Đông và kêu gọi vấn đề này nên được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên liên quan.

Vậy liệu Trung Quốc đã kêu gọi và tranh thủ được sự hỗ trợ của Nga trong cuộc xung đột ở Biển Đông?

Trả lời phỏng vấn Báo Độc lập, nhà nghiên cứu hàng đầu của viện Nghiên cứu Viễn Đông, thuộc viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Alexander Isaev cho rằng "đánh giá có mối liên quan giữa việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở quần đảo Nam Kuril với các sự kiện ở Biển Đông là vô căn cứ và hết sức hoang tưởng. Nga cần quan tâm bảo vệ mình trong bối cảnh tình hình quân sự - chính trị ở Đông Á đang xấu đi. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trước những phức tạp trên bán đảo Triều Tiên và việc triển khai các các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đe dọa cả Nga và Trung Quốc".

Còn tiến sỹ Alexander Larin, chuyên gia về Trung Quốc thì cho rằng quan điểm của Moscow đối với vấn đề Biển Đông không thay đổi. Mặc dù không muốn bị lôi kéo tham gia các cuộc tranh cãi, nhưng cũng như Trung Quốc, Nga quan tâm đến thực tế rằng quyền lực của cơ quan trọng tài quốc tế bị hạn chế và dường như không phải bao giờ cũng khách quan.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật