Vị thế của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đang gia tăng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà thầu quốc phòng Pháp DCNS vừa giành được hợp đồng lịch sử đóng 12 tàu ngầm hiện đại cho Australia.
Vị thế của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đang gia tăng
Loại tàu ngầm mà DCNS sẽ đóng cho Australia chính là lớp tàu ngầm Barracuda hiện đại nhất hiện nay của hải quân Pháp (Ảnh minh họa: KT)

Hợp đồng lớn nhất trong lịch sử

Với 50 tỷ AUD (dollar Australia), tương đương hơn 34,3 tỷ euro, đó là hợp đồng lớn nhất mà một công ty Pháp giành được ở nước ngoài, tính cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Theo những thông tin được chính phủ Australia thông báo, tập đoàn đóng tàu quân sự DCNS của Pháp đã vượt qua các đối thủ nặng ký là Nhật và Đức để được chọn để đóng mới 12 tàu ngầm hiện đại cho hải quân Australia.

Loại tàu ngầm mà DCNS sẽ đóng cho Australia chính là lớp tàu ngầm Barracuda hiện đại nhất hiện nay của hải quân Pháp, nhưng sẽ thay thế động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trong các tàu Pháp bằng động cơ di‌esel. 12 chiếc tàu ngầm này, dự kiến chính thức đi vào trực chiến từ năm 2030 sẽ thay thế cho hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Collins cũ của hải quân Australia.

Tin tức phát đi từ châu Đại Dương khiến cả nước Pháp vui mừng. Ngay trong ngày 26/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến trụ sở của công ty DCNS để chúc mừng và chia vui còn báo chí Pháp thì ngập tràn tin tức về hợp đồng quốc phòng lịch sử.

Sự chạy đua của cả bộ máy

Với chính quyền của ông Francois Hollande, đây thực sự là tin tức tốt lành. Việc DCNS giành được hợp đồng tại Australia dù ban đầu bị đánh giá là yếu thế hơn so với chính phủ Nhật Bản với lớp tàu ngầm Soryu hay nhà thầu TKMS (ThyssenKrupp Marine Systems) của Đức với lớp tàu Type 216 nâng cấp, được xem là chiến công của cả chính quyền Pháp chứ không chỉ của riêng công ty DCNS bởi tham gia cuộc chạy đua này có cả đội ngũ cố vấn chính trị của Elysées, Bộ Quốc phòng Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp và Tổng cục vũ khí. Chiến thắng của DCNS vì thế có thể xem là chiến thắng của chính quyền ông Hollande.

Trong bối cảnh nền kinh tế Pháp vẫn u ám và uy tín của chính quyền cũng như cá nhân ông Hollande xuống thấp đến mức kỷ lục (17%), điều này càng có ý nghĩa hơn. Sau 4 năm cầm quyền, hiện tại ông Hollande bị xem như đã thất bại trong hầu như mọi lĩnh vực quan trọng: tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, đảm bảo an ninh. Chỉ có duy nhất một lĩnh vực mà chính quyền của ông Hollande không chỉ làm tốt mà còn làm xuất sắc hơn tất cả các đời Tổng thống gần đây của Pháp: bán vũ khí.

Hợp đồng tàu ngầm lịch sử của DCNS không phải là điều quá xa lạ trong hai năm gần đây. Năm 2014, tập đoàn Dassault Aviation đã ký được hợp đồng đầu tiên bán 24 máy bay chiến đấu hiện đại Rafale cho Ai Cập. Đó là lần đầu tiên chiếc tiêm kích tinh hoa của công nghệ quốc phòng Pháp xuất khẩu thành công ra nước ngoài sau gần 3 thập kỷ chào hàng nhưng thất bại. Ngay sau đó, đến lượt Qatar mua Rafale và Ấn Độ cũng đang hoàn tất những thương thảo cuối cùng để có 36 máy bay thế hệ 4++ thuộc loại tốt nhất thế giới này.

Thành tích bán vũ khí Pháp không chỉ dừng ở đó. Năm 2015 là năm mà xuất khẩu vũ khí của Pháp phá mọi kỷ lục. Ngoài 80 chiếc Rafale bán cho Ai Cập, Qatar, Ấn Độ, 50 trực thăng bán cho Ba Lan, Pháp còn xuất khẩu vũ khí đến hàng loạt các quốc gia trên khắp thế giới và doanh số xuất khẩu vũ khí Pháp năm 2015 đã vượt mốc 15 tỷ euro, gấp đôi năm 2014 và đưa Pháp thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử tiền bán vũ khí của Pháp nhiều hơn tiền mà Pháp phải chi ra hàng năm để mua sắm vũ khí cho quân đội của mình.

vũ khí - lĩnh vực “con cưng” của chính quyền Pháp

Với các con số thống kê cực kỳ ấn tượng này, không ngạc nhiên khi giờ đây công nghiệp quốc phòng trở thành con cưng và là cứu cánh cho uy tín và hình ảnh của chính quyền Pháp. Trong chuyến thăm Ấn Độ cách đây vài tháng, ông Hollande còn chủ động tham dự lễ duyệt binh của quân đội Ấn Độ và cử cả các binh lính Pháp tham gia trong nỗ lực thắt chặt quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Việc xuất khẩu thành công vũ khí Pháp ra toàn thế giới mang lại nhiều ý nghĩa cho nước Pháp. Với hợp đồng vừa giành được ở Australia, DCNS và khoảng 200 nhà thầu phụ của mình có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ việc làm cho nhân viên của mình trong ít nhất 6 năm, đồng thời tạo thêm được khoảng 4.000 việc làm mới. Ngoài ra, hợp đồng này còn là sự quảng bá tuyệt vời cho công nghệ quốc phòng được đánh giá là hàng đầu thế giới của Pháp và có thể mở ra nhiều cơ hội khác ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi được đánh giá sẽ là điểm nóng về an ninh và địa chính trị của thế giới trong thế kỷ 21.

Cứu vớt nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande

Về mặt đối nội, hợp đồng khổng lồ của DCNS chắc chắn cũng sẽ mang lại các điểm tích cực cho chính quyền và cá nhân ông Hollande ở thời điểm chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, nơi mà ông Hollande hiện đang bị đánh giá là ứng cử viên kém thế nhất. Theo các nhà phân tích chính trị Pháp thì với các hợp đồng lớn như của DCNS hay trước đây là bán máy bay Rafale, cộng thêm tin tức mới nhất là tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp trong tháng 3/2016 có mức giảm mạnh nhất từ năm 2000, chắc chắn sẽ giúp ông Hollande ghi điểm trong các cuộc thăm dò dư luận sắp tới.

Và nếu ngành công nghiệp quốc phòng Pháp tiếp tục xuất khẩu vũ khí thành công ra nước ngoài như thời gian qua, nhiều khả năng nhiệm kỳ có nhiều thất bại của ông Francois Hollande sẽ được cứu vớt

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật