Cột điện cao thế 500kV bị đổ:Chuyên gia chỉ rõ sai phạm...

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chuyên gia về xây dựng đều khẳng định cần phải xem lại thiết kế cũng như thi công cột điện cao thế 500 kV bị quật đổ.
Cột điện cao thế 500kV bị đổ:Chuyên gia chỉ rõ sai phạm...
Ảnh minh họa

Thiết kế, thi công có vấn đề

Liên quan đến việc cột điện đường dây 500 KV (Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Bắc Giang) đoạn qua xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bị quật đổ sau trận giông lốc sáng 22/4, trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia xây dựng đều cho rằng cần phải xem lại thiết kế cũng như quá trình thi công của dự án này.

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cột điện cao thế là một hình đặc biệt cho nên khi xây dựng phải tính tải trọng gió, bão ở mức cao nhất. Tùy từng khu vực, phạm vi người ta còn cho cộng thêm 1,2 cấp, trong đó thấp nhất là cấp 12.

Trước việc cột điện đường dây 500kV bị đổ gẫy, vị chuyên gia cho rằng có nhiều điểm vô lý cần phải được xem xét để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

“Hiện nay rất nhiều người đang nghi ngờ cột điện trên thi công sai thiết kế, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bê tông không đạt chất lượng... Những cái này phải chờ các cơ quan thẩm định. Tuy nhiên khi xem xét thực tế những ngày qua tôi thấy có mấy điểm sau:

Thứ nhất, gió lốc như thế mà xung quanh cây chuối, vườn tược không bị ảnh hưởng, không bị lốc gì mà chỉ có cột điện bị đổ gẫy, tức là có vấn đề.

Thứ hai, cần phải xem lại cả thiết kế và thi công. Chúng ta phải xem thiết kế đã đầy đủ chưa, hệ thống chằng chống, hệ thống móng chống lật đã đúng tiêu chuẩn chưa.

Ngoài ra cũng phải kiểm tra quá trình thi công xem hệ thống chống lật và hệ thống bu lông, dây neo có đảm bảo không đúng theo thiết kế không. Bu lông mà không neo tốt thì cột điện sẽ đổ. Và quan trọng nhất là chất lượng khi đổ bê tông, cường độ bê tông, mà đặc biệt hiện nay hiện tượng bê tông không phải chịu nén nữa mà bị đổ”, vị chuyên gia đặt nghi vấn.

Các chuyên gia về xây dựng đều khẳng định cần phải xem lại thiết kế cũng như thi công cột điện cao thế 500 kV bị quật đổ.

Cùng đánh giá về sự việc này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội XDVN, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, rất ít khi xảy ra những trường hợp cột điện bị quật đổ vì giông lốc trong khi cây cối vẫn hoàn toàn bình thường.

“Những người liên quan bảo rằng gió lốc lớn dẫn đến đổ cột điện thì tôi nghĩ là không đúng. Tôi đã trực tiếp nhìn xung quanh,  những cây chuối bên cạnh lá vẫn còn nguyên, không xơ xác. Tất nhiên là gió ở trên cao bao giờ cũng mạnh hơn ở dưới thấp. Có thể cây chuối ở dưới mặt đất sẽ không chịu sức gió lớn như cột điện cao 30m tuy nhiên nếu cột điện bị quật đổ thì ở dưới cũng phải bật cây chuối. Điều này hết sức vô lý”, ông Liêm nói.

Ngoài ra, khi nhìn hiện trường, vị chuyên gia khẳng định ý kiến của nhiều người về việc chất lượng công trình thi công không đảm bảo là có cơ sở.

“Cột chính bị bật gốc chứ cột vẫn thẳng đứng vẫn dài không làm sao cả, chỉ bị vặn một chút thôi. Những bu lông để cố định cột, neo cột vào móng bị lôi lên  rất ngắn. Điều này chứng tỏ neo chưa đủ lực, với những neo như thế thì gió chưa cần đổ mạnh đã bật rồi

Thứ hai, những mảnh bê tông ở trụ cột khi bị cậy vụn vặt, chứng tỏ chất lượng rất kém. Bê tông chất lượng kém, neo không đảm bảo và cuối cùng khi chịu sức gió nó bật cái neo ra dẫn đến cột bị đổ.

Nếu móng tốt, neo đúng quy chuẩn chất lượng thì khi đó cột sẽ bị gẫy chứ không thể bật cả gốc lên mặt đất được”, vị chuyên gia phân tích.

Đơn vị thi công chịu trách nhiệm lớn nhất

Nhìn nhận tổng thể vấn đề, TS Liêm cho rằng, hậu quả của việc đổ cột điện đường dây truyền tải điện 500kV rất nghiêm trọng. Vì vậy cần phải nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

“Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo làm rõ nguyên nhân thì phải triệu tập một hội đồng chuyên gia gồm cả những chuyên gia về thiết kế cột điện, thi công, để nghe tường trình vụ việc, đánh gia kết luận sự cố này. Để kiểm tra toàn diện, có thể khoan mẫu bê tông để đi đo xem mác bê tông là bao nhiêu, có đảm bảo chất lượng không.  Cốt thép cũng lấy ra, đo đường kính cây neo xem có phù hợp với thiết kế không. Đội ngũ thiết kế, thi công cột điện đường dây truyền tải 500kV  phải trả lời cho Hội đồng thẩm định những điều đó”, TS Liêm nêu ý kiến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật