Cụ rùa Hồ Gươm có nhà mới vào dịp 1.000 năm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sở KH&CN Hà Nội vừa được UBND TP Hà Nội cho phép thử nghiệm công nghệ hút tách bùn của Đức áp dụng trên khoảng 1/10 diện tích Hồ Gươm. Nếu thực hiện thành công, toàn bộ hệ thống bùn, tầng địa chất, mực nước, tảo thủy sinh… của hồ Gươm sẽ được làm sạch.
Cụ rùa Hồ Gươm có nhà mới vào dịp 1.000 năm
Công nghệ tách hút bùn thực hiện tại Hồ Gươm giống như công nghệ đã thực hiện tại ao cá Bác Hồ.

Công nghệ hút bùn ngầm

TS Lê Xuân Rao, giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2009, các chuyên gia người Đức sẽ tiến hành hút bùn ngầm ở diện tích 1/10 hồ Gươm. Với phương pháp này, mặt thoáng của hồ cải tạo sẽ được chia thành nhiều ô nhỏ và thực hiện hút bùn theo từng ô một để tránh những thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật trong hồ.

Sản phẩm cho ra là bùn khô đóng bánh, tiện lợi trong quá trình vận chuyển đi, không làm rơi rớt, không làm bẩn đường phố. Tháng 6/2009, công nghệ hút tách bùn đã được ứng dụng thành công vào việc nạo vét bùn trong ao cá Bác Hồ không làm ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh xung quanh đó, không làm vẩn đục nước. Kết quả của đợt thử nghiệm trên khoảng 1.000m2 Hồ Gươm lần này sẽ là cơ sở quyết định có nạo vét toàn bộ Hồ Gươm theo phương pháp hút tách bùn. 

Trước khi tiến hành thử nghiệm, các nhà khoa học đã có hơn 1 năm nghiên cứu bùn tại Hồ Gươm. Quy trình hút bùn sẽ được tiến hành cẩn trọng, khoanh vùng hút bằng cách giăng lưới khu vực này để rùa và loại động thực vật khác không nằm trong khu vực hút. Sau đó, bùn được hút lên và được đóng thành viên, vận chuyển đi nơi khác.

Nhóm các nhà khoa học sẽ tiến hành khảo sát mực nước hồ, tầng bùn, địa chất, hệ thống tảo, thủy sinh... Các thông số sẽ phải đưa ra là hút bùn vị trí nào thì hợp lý, làm sạch môi trường  nước và đảm bảo các thông số môi trường để các loài sinh vật trong hồ tiếp tục phát triển.

Cẩn trọng 

GS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ đời sống, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhận định, hút bùn hồ Gươm phải vừa hút vừa thử nghiệm xem có ảnh hưởng đến hệ thực vật trong đó không. Hệ sinh vật của hồ Gươm hiện có hơn 30 loài, phần lớn là những loài đặc hữu không có ở ngoài, vì thế phải là hết sức thận trọng để không mất đi nguồn gene quý. Không để mất đi sự đa dạng trong thành phần loài.

Cụ rùa nổi trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh Vne

Chung nhận định, theo GS Hà Đình Đức, việc thực hiện thành công công nghệ này ở ao cá Bác Hồ là một cơ sở để tin tưởng khi đem ứng dụng ở Hồ Gươm. Việc hút bùn sẽ được thực hiện ở từng khu vực nên không ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như địa điểm di chuyển của các sinh vật trong hồ.

TS Lê Mạnh Hùng, viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật băn khoăn: Vấn đề là họ định nạo vét bằng cách nào. Nếu công nghệ đó kết hợp hài hòa được việc nạo vét làm sạch hồ với việc bảo vệ được các loài có trong hồ thì đó sẽ là cách tốt nhất để vừa duy trì được một di tích văn hóa lịch sử, vừa giữ gìn được những tài nguyên không gì sánh được trong Hồ Gươm. Đây là công việc không chỉ đơn thuần là khoa học mà còn mang giá trị văn hóa nên phải thử nghiệm cẩn thận.

Theo đúng lộ trình, tháng 12/2009 việc hút bùn ngầm cũng các hạng mục cải tạo hồ Gươm sẽ bắt đầu tiến hành. Theo TS Lê Xuân  Rao, nếu thành công, vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cụ rùa sẽ có "nhà mới" khang trang, sạch đẹp hơn, nước Hồ Gươm vẫn sẽ giữ được vẻ trong xanh như đang có.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật