Sự thật trái ngược 180 độ về Triều Tiên, qua lời kể một người Nga

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cây bút Victor Agaev của tờ Kommersant (The Businessman – Thương gia) vừa có bài viết thú vị về Triều Tiên hiện đại. Chúng tôi xin được giới thiệu với độc giả về bài viết này.
Sự thật trái ngược 180 độ về Triều Tiên, qua lời kể một người Nga
Ảnh minh họa

“Tại sân bay ở Bắc Kinh, Trung Quốc, không khó để nhận ra những người Triều Tiên. Họ mải mê kiểm tra các túi lớn chứa đầy đồ gia dụng. Họ tranh thủ mua đồ điện máy ở các cửa hàng miễn thuế. Họ được yêu cầu phải đeo các huy hiệu với hình chân dung hai nhà lãnh đạo lớn của đất nước là ông Kim Jong Il và Kim Il Sung.

Có thể thấy rõ rằng những người Triều Tiên chúng tôi đi cùng là khách VIP. Bởi ngay khi chúng tôi tới Bình Nhưỡng, họ đã được một quan chức đón đi, trong khi tất cả chúng tôi – một nhúm người nước ngoài, một nhóm vũ công và vài doanh nhân, phải xếp hàng chờ kiểm tra và nhập cảnh.

Những trải nghiệm mới mẻ

Tất cả các du khách đều phải kê khai mọi loại thiết bị công nghệ mang vào Triều Tiên. Thẻ SIM của nước ngoài vô dụng ở đất nước này. Chỉ có người nước ngoài mới được thực hiện các cuộc gọi điện ra khỏi Triều Tiên. Những cuộc gọi cũng phải thực hiện tại một khu vực đặc biệt ở khách sạn và có giá rất đắt, tới 10 euro mỗi phút đàm thoại.

Người ta cũng có thể gửi thư điện tử, nhưng phải trải qua một quy trình như gửi điện tín: họ phải viết ra bức thư muốn gửi, bằng tiếng Anh hoặc tiếng Triều Tiên, lên một mảnh giấy tại một trung tâm dịch vụ chính thức. Sau đó sẽ có người biên soạn và gửi bức thư tới địa chỉ mà bạn kê ra. Thư hồi đáp cũng tới theo cách thức tương tự. Không ai ở đây được đăng nhập vào Internet.

Có thể thấy hoạt động kiểm tra ngặt nghèo ở khu vực biên giới là để ngăn chặn người ta mang các loại phim ảnh khi‌ּêu dâ‌ּm hoặc bất kỳ thứ gì có thể mô tả cuộc sống ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là tại Hàn Quốc. Những hình ảnh này không phù hợp với hoạt động tuyên truyền chính thức của Triều Tiên.

Trên máy bay, hành khách được phát một tạp chí rất đẹp có tên “Triều Tiên”, với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cứ sau mỗi nửa giờ, các màn hình phát video lại phô ra cảnh một dàn hợp xướng nam đang hát về những người hùng và chiến thắng.

Không lâu sau khi tới Triều Tiên, bạn sẽ nhận ra rằng ở nhiều nơi có lắp các màn hình lớn, chiếu các lễ duyệt binh và các buổi hòa nhạc của quân đội. Tất cả đều ca ngợi ông Kim Jong-un. Nó cũng có cảnh ông Kim thăm và làm việc tại các nhà máy, các điểm đóng quân hay trực tiếp chứng kiến màn bảo dưỡng máy bay “do tầng lớp lao động ở Triều Tiên thực hiện.”

Có thể thấy ông Kim Jong-un đã vượt cả cha và ông nội về việc trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ở Triều Tiên. Ví dụ như ông Kim Jong Il chỉ thăm có 7.400 cơ quan, tổ chức, đơn vị trong vòng 2 thập kỷ. Nhưng ông Kim Jong Un đã đi xa hơn thế.

Trên báo chí, truyền thông chính thức của Triều Tiên, ông ôm trẻ con, tự phóng tên lửa, thăm bệnh viện và nông trại. Ông chứng tỏ mình như người giỏi nhiều mảng và kẻ nào không lắng nghe ý kiến của ông sẽ gặp họa.

Có tin đồn rằng kiến trúc sư đứng sau một sân bay mới khai trương ở Bình Nhưỡng đã trả giá bằng mạng sống, do không nghe theo các chỉ đạo của ông Kim. Nhưng giống như nhiều điều khác ở Triều Tiên, chẳng ai biết tin này có phải thật hay không.

Thành phố với nhiều hình ảnh tương phản

Một người đi xe đạp ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Matt Paish)

Sân bay ở Bình Nhưỡng có vẻ hiện đại. Tương tự là các tòa nhà trên đường vào thành phố. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, người ta thấy các tòa nhà cao tầng ở đây dường như không được xây ra để ở. Nó giống như trong một phim trường, xây dựng để du khách nước ngoài ngắm nghĩa.

Cần phải kể tới một công trình biểu tượng của Bình Nhưỡng – một khách sạn có hình dáng như quả tên lửa. Hoạt động xây dựng bắt đầu cách đây 25 năm và sau khi ngốn hàng triệu đô la, nó vẫn chưa hoàn tất.

Khi đi trên phố, nếu nhìn thoáng qua, bạn sẽ thấy tòa nhà này rất đẹp. Nhưng ban đêm, sự đẹp đẽ sẽ biến mất và ở trung tâm tòa nhà chỉ phát ra một ánh sáng yếu ớt. Đó là khung cảnh ở giữa Bình Nhưỡng. Những nơi khác hoàn toàn không có điện. Tình trạng thiếu điện dường như là lý do khiến một số tòa nhà 35 tầng không có thang máy.

Các con phố và những quảng trường ở trung tâm thành phố trông như một bộ phim Hollywood về Liên Xô. Có những hàng sinh viên và binh lính đang bước đều dưới phố, như Liên Xô trong những năm 1930 vậy. Ngay cả các viên cảnh sát giao thông ở dưới phố cũng mặc cùng một bộ đồ màu trắng như ở Moskva  hồi những năm 1930.

Tôi đã chứng kiến một viên cảnh sát giao thông bận đồ trắng ra dấu hiệu dừng dòng xe để nhường đường cho chiếc limousine của một nhân vật quan trọng. Tuy nhiên hành động của anh ta khá vô nghĩa, do chẳng có chiếc xe nào khác đang chạy trên đường.

Ngoại tệ tới từ nhiều nguồn

Du khách tới Triều Tiên đã mang tới nguồn ngoại tệ chủ lực cho nước này. Du khách bị cấm đổi ngoại tệ sang đồng won của Triều Tiên và phải trả mọi thứ bằng đồng đô la, euro hoặc NDT. Tỷ giá chính thức nói rằng mỗi đô la đổi được 900 won. Tuy nhiên thực tế thì khi bạn mua thứ gì đó, tỷ giá thực cao hơn mức này vài lần.

Điều đó khiến người ta rất khó để biết trung bình người Triều Tiên bỏ ra bao nhiêu tiền cho mỗi món hàng. Dường như các thợ mỏ ở đây kiếm được khoảng 50.000 won mỗi tháng. Tuy nhiên một chiếc áo sơ mi do Trung Quốc sản xuất cũng có chi phí khoảng 50.000 won.

Dù sao, nhiều món hàng chỉ được mua nếu có giấy phép đặc biệt. Những món hàng đặc biệt như xe hơi và căn hộ chung cư đều do chính quyền cấp phát. Một số nhóm người đặc biệt có thể mua xe hơi: đó là các doanh nhân giàu có mới phất, các ngôi sao trình diễn và những người Triều Tiên có gia đình ở Nhật Bản. Thường thì chính quyền không muốn động tới những người có gia đình ở Nhật Bản vì không muốn mất nguồn ngoại tệ ổn định.

Điều đáng kinh ngạc là tuyên truyền cũng mang tới một khoản ngoại tệ không nhỏ. Cụ thể hơn, một tấm bưu thiếp mang nội dung tuyên truyền có chi phí khoảng 1 USD. Trong khi đó, bản sao của một tấm áp phích ra đời trong những năm 1950, mô tả người Triều Tiên tiêu diệt đế quốc Mỹ xâ‌m lượ‌c, có giá 25 USD.

Du khách bật cười khi họ mua tấm áp phích, nhưng họ hẳn sẽ băn khoăn không rõ người Triều Tiên có hiểu vì sao mình lại cười hay không. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật