7 sai lầm phổ biến mà ngay cả các CEO thông minh nhất cũng mắc phải

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầu hết những người đã leo lên đến vị trí CEO đều rất thông minh. Tuy nhiên, thông minh không phải là yếu tố duy nhất đưa các CEO đến thành công, bởi dù CEO có thông minh cỡ nào cũng không thể tránh khỏi có lúc mắc sai lầm.
7 sai lầm phổ biến mà ngay cả các CEO thông minh nhất cũng mắc phải
Ảnh minh họa

Một nghiên cứu của công ty xuất bản Elsevier Inc (thuộc Tập đoàn RELX) tiến hành từ năm 1996-2014 đã cho thấy rằng: Khoảng 40% CEO trong danh sách Fortune 500 CEO thuộc top 1% những người thông minh nhất.

Dù vậy, trí tuệ hơn người chỉ là yếu tố cần nhưng chưa phải là hoàn toàn đủ để tạo nên thành công của các CEO.

Những người như Jack Welch, Alan Mulally và Jeff Bezos có chỉ số IQ rất ấn tượng; họ đã rất xuất sắc ở vai trò CEO vì họ không chỉ biết vận dụng trí thông minh mà còn hiểu được những sắc thái độc đáo của vị trí này - đặc biệt là vai trò của người truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng.

Tuy nhiên, dù thông minh đến cỡ nào, họ vẫn không thể tránh được những sai lầm và dưới đây là 7 sai lầm phổ biến nhất của các CEO do Joel Trammell, người sáng lập và CEO của Khorus Software chỉ ra và chia sẻ trên trang Inc.com:

1. Quá lạc quan

Năm 2013, Đại học Duke (Mỹ) đã phân tích 1.000 CEO và đánh giá 80% trong số họ là "rất lạc quan". Con số này cho thấy các nhà lãnh đạo lạc quan hơn đáng kể so với đại bộ phận người dân.

Tất nhiên điều này là cần thiết trong nhiều trường hợp, nhưng nó có thể trở thành một vấn đề lớn nếu các CEO vẫn nhấn mạnh rằng tất cả mọi thứ đều rất ổn trong khi hiệu suất đang đi xuống. Cũng giống như một đội bóng rổ cần biết số điểm đã ghi được trong trận đấu, các nhân viên cũng cần hiểu được thực tế tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Các CEO cần phải giúp các nhân viên của công ty sẵn sàng đương đầu với những thách thức bằng tinh thần làm việc và thái độ tích cực - nhưng trước tiên CEO đó phải thừa nhận rằng thách thức đang tồn tại.

 CEO đừng khiến nhân viên "phát ngán" vì sự lạc quan thái quá. Ảnh minh họa.

2. Không chú trọng đến nhân sự

"Tôi đã từng ngồi cạnh huấn luyện viên Spike Dykes của đội bóng Texas Tech trên một chuyến bay. Chúng tôi đã nói về sự tương đồng giữa các CEO và các huấn luyện viên trưởng. Khi tôi hỏi bao nhiêu % thành công trong đội bóng của ông là do tài năng của các cầu thủ và bao nhiêu là do huấn luyện? Ông nói rằng ’75% là do các cầu thủ và 25% là do huấn luyện. Nếu bạn cho tôi những cầu thủ tốt nhất và một huấn luyện viên trung bình, chúng tôi sẽ đánh bại huấn luyện viên tốt nhất với những cầu thủ trung bình bất cứ khi nào’", Joel Trammell nhớ lại.

Từ câu chuyện trên, Joel Trammell cho rằng, nhân sự là một đồng minh quan trọng đối với các CEO, nhưng các CEO phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc dẫn dắt các nhân viên tài năng đó đem lại thành công cho công ty.

3. Cho rằng tất cả các quyết định đều "quan trọng"

Quyết định là nhiên liệu để các tổ chức vận hành nhưng nếu các CEO cho rằng tất cả các quyết định đều phải được mình thông qua thì chính các CEO sẽ bị "ngộp" trong một đống các quyết định.

Theo ác Joel Trammell, các CEO chỉ nên đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng tới toàn bộ công ty hoặc liên quan đến nhân sự chủ chốt, còn các quyết định nhỏ hơn hãy giao cho các cấp dưới có chuyên môn đảm nhiệm.

4. Hoạt động như một lãnh đạo tầm vi mô

Một CEO hoạt động như một lãnh đạo tầm vi mô và dành hầu hết thời gian để kiểm soát hoạt động của tất cả các nhân viên sẽ không chắc giúp CEO đó vận hành tốt công ty mà ngược lại còn có thể khiến những người chuyên trách các bộ phận cảm thấy không được trao quyền.

Chìa khóa lãnh đạo thành công là phải học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ và thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc suôn sẻ. Bất cứ khi nào CEO chuẩn bị đảm nhận một nhiệm vụ mới, hãy tự hỏi bản thân xem, ai trong những nhân viên của mình có thể đảm đương công việc đó thay thế mình.

CEO không nên để ngập trong đống dữ liệu thô. Ảnh minh họa.

5. Cố gắng để trở thành chuyên gia dữ liệu

Nếu một CEO để bản thân ngập trong đống dữ liệu thô thì toàn bộ công ty sẽ gặp khó khăn để tìm thấy một điểm sáng, bất kể khả năng nhận thức của CEO đó có giỏi đến mức nào. Do đó, CEO giỏi nhất là người biết giao các dữ liệu đó cho trưởng các bộ phận chức năng, những người có khả năng hiểu nó tốt nhất và chắt lọc ra được những dữ liệu quan trọng nhất. Thời gian của các CEO tốt hơn nên để dành cho việc mở rộng tầm nhìn, xây dựng đội ngũ nhân viên, và loại bỏ các rào cản đối với năng suất của doanh nghiệp.

6. Có sự ưu ái một người nào đó trong tổ chức

Bản chất của con người thường là ủng hộ một người nào đó hơn những người khác, nhưng các CEO thì không nên tỏ ra quá ưu tiên cho bất kỳ nhà lãnh đạo, đội nhóm hoặc nhân viên nào. Ví dụ, khi một CEO ưu ái giám đốc tài chính (CFO) và thường xuyên để người này tháp tùng trong các sự kiện thì điều đó sẽ dễ dẫn đến việc các giám đốc điều hành khác cảm thấy mình giống như "công dân hạng hai" trong công ty và tỏ ra chán nản.

7. Không hỏi ý kiến của hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là "bộ não" của một doanh nghiệp cũng như CEO (có khả năng bãi nhiệm CEO), và CEO sẽ rất dễ rơi vào thế bị động nếu không chủ động tìm kiếm thông tin phản hồi từ hội đồng quản trị.

Theo Joel Trammell, các CEO sau mỗi cuộc họp với hội đồng quản trị nên yêu cầu các thành viên hội đồng quản trị chỉ ra ba điều mà CEO đó đang làm tốt và ba điều mà CEO đó cần cải thiện. Rà soát và hành động dựa trên các thông tin phản hồi này sẽ giúp các CEO liên tục phát triển như một nhà lãnh đạo - cho dù CEO đó có phải là người thông minh nhất trong phòng họp hay không.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật