Những điều ít biết về 11 Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1-10-1949) đến nay, Trung Quốc đã có 11 Bộ trưởng Công an. Trong số đó có người từng giữ cương vị cao nhất.

Trước khi là Bộ trưởng Công an, ông Hoa Quốc Phong (1921-2008) từng làm Bí thư huyện ủy Tương Dương, Tương Đàm, rồi Trưởng ban văn hóa, giáo dục tỉnh Hồ Nam. Sau đó, ông lần lượt đảm trách cương vị Phó tỉnh trưởng, Bí thư Hồ Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công an (1975-1977). Tiếp đến là Phó Chủ tịch thứ nhất, quyền Thủ tướng và Thủ tướng. Ông là người kế vị Mao Trạch Đông sau khi lọt vào “mắt xanh” của Chủ tịch từ năm 1954. Sau khi đập tan “bè lũ 4 tên” (tháng 10-1976), ông Hoa Quốc Phong được cử làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch quân ủy Trung ương.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Công an đầu tiên (1949-1959), Đại tướng La Thụy Khanh (1906-1978) từng đảm nhiệm khá nhiều chức vụ trong quân đội và công an, trong đó đáng chú ý là Giám đốc Công an Bắc Kinh. Sau đó, ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm ủy ban chính pháp Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng chính pháp, Phó Thủ tướng, Tổng Thư ký quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng quân đội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch ủy ban quốc phòng.

Ông Triệu Thương Bích (1916-1993) là Bộ trưởng Công an thứ tư. Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Triệu Thương Bích làm Phó Giám đốc Công an Nam Kinh. Sau đó làm Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên, kiêm Giám đốc Công an tỉnh. Sau nhiều vị trí công tác kể từ khi xảy ra “Đại cách mạng văn hóa”, đến tháng 3-1977, ông được cử làm Bộ trưởng Công an cho đến tháng 4-1983.

 

Trước khi được cử làm Bộ trưởng Công an thứ năm, ông Lưu Phục Chi từng đảm trách khá nhiều vị trí lãnh đạo tại Bộ Văn hóa, Bộ Tư pháp cho dù xuất thân “con nhà nòi”. Sau khi làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Công an, ông Lưu Phục Chi được cử làm Thứ trưởng Bộ Công an (1964-1977). Nhưng sau đó ông lại được cử làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó Chủ nhiệm, Tổng Thư ký ủy ban pháp chế của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Bộ trưởng Công an (1983-1985). Sau khi rời ghế Bộ trưởng Công an, ông được cử làm Phó Bí thư ủy ban chính pháp Trung ương, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Với tư cách là Bộ trưởng Công an đầu tiên trưởng thành sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Nguyễn Sùng Vũ (SN 1933) được coi là người “ngoại đạo” trước khi trở thành Bộ trưởng Công an thứ sáu. Ông Nguyễn Sùng Vũ từng học cơ khí tại Nga và công tác nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo gang thép. Thậm chí ông còn làm Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc ở Đức, rồi Phó Thị trưởng, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, trước khi được cử làm Bộ trưởng Công an (1985-1987). Rời ghế Bộ trưởng Công an, ông Nguyễn Sùng Vũ được cử làm Bộ trưởng Lao Động, rồi Tỉnh trưởng Hải Nam.

Từng phụ trách công tác công an từ ngày kháng chiến nên ông Vương Phương đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hàng Châu ngay sau khi thành lập nước. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Phó Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh Chiết Giang. Đến tháng 4-1987, ông Vương Phương (SN 1920) được cử làm Bộ trưởng Công an (thứ bảy) kiêm Chủ tịch ủy ban phòng chống ma túy quốc gia. Sau khi rời ghế Bộ trưởng Công an (tháng 11-1990), ông là thành viên trong Ban cố vấn Trung ương.

Tuy tốt nghiệp khoa Vật lý hạt nhân Đại học Thanh Hoa và công tác nhiều năm trong lĩnh vực này, nhưng ông Giả Xuân Vượng (1938) lại là Bộ trưởng Công an (thứ chín) đầu tiên sau khi làm Bộ trưởng An ninh. Ông Giả Xuân Vượng đi lên từ Bí thư Đoàn thanh niên và sau khi rời ghế Bộ trưởng Công an (1998-2002), viện trưởng Kiểm sát Nhân dân tối cao, ông làm Chủ tịch Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế.

Từng tốt nghiệp chuyên ngành thăm dò vật lý địa cầu Học viện Dầu khí Bắc Kinh và công tác nhiều năm trong lĩnh vực này, nhưng ông Chu Vĩnh Khang lại được cử làm Phó Bí thư, Thị trưởng Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh. Sau đó làm lãnh đạo ở Tổng Công ty Dầu khí và khí đốt quốc gia (1985-1998), Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên (1998-1999), rồi Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999-2002). Sau khi rời ghế Bộ trưởng Công an (thứ 10, từ 2002 đến 2007), ông Chu Vĩnh Khang được cử làm ủy viên Quốc vụ viện, Bí thư ủy ban Chính pháp, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Đương kim Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ (thứ 11) là người đi lên từ kỹ sư cao cấp và từng được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ không liên quan gì tới công an. Khi Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây Mạnh Kiến Trụ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an đã gây bất ngờ đối với giới chuyên môn bởi ông không phải “con nhà nòi”. Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an, ông Mạnh Kiến Trụ (sinh tháng 7-1947) tuy là người Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô, nhưng lại có quá trình công tác lâu năm tại Thượng Hải và Giang Tây.

Là Bộ trưởng Công an thứ hai và trong thời gian tại nhiệm, ông Tạ Phú Trị (1909-1972) còn được bầu vào ủy ban quốc phòng (khóa 3). Sau khi rời ghế Bộ trưởng Công an, ông Tạ Phú Trị được bầu làm Phó Thủ tướng, Bí thư thứ nhất thành ủy Bắc Kinh, Chính ủy thứ nhất quân khu Bắc Kinh và là ủy viên Bộ chính trị khóa 9. Được phong hàm Thượng tướng từ năm 1955, nhưng vì tham gia hoạt động với “bè lũ 4 tên” nên tháng 10-1980, ông Tạ Phú Trị đã bị khai trừ khỏi đảng. Đến tháng 1-1981, ông bị Tòa án Nhân dân tối cao buộc tội chủ mưu trong “tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh”.

Là Bộ trưởng Công an thứ tám (1990-1998), nhưng ông Đào Tứ Câu (sinh tháng 4-1935) lại là người “hạ cánh không an toàn” bởi có liên quan tới nguyên Thứ trưởng Lý Kỷ Châu, người bị tử hình cách đây 6 năm. Sau khi bắt Lý Kỷ Châu (17-12-1998), ủy ban kiểm tra và kỷ luật Trung ương quyết định đình chỉ mọi chức vụ của ông Đào Tứ Câu để điều tra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật