Doanh nhân đồng bằng sông Cửu Long trong hội nhập kinh tế quốc tế

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với quyết tâm làm giàu cho đất nước, làm lợi cho cộng đồng và làm giàu chính đáng, cộng đồng doanh nhân ĐBSCL mong muốn được đóng góp để phát triển vùng ĐBSCL - vùng châu thổ giàu tiềm năng nông nghiệp, thủy sản đóng góp 90% lượng gạo, 70% lượng trái cây và 60% lượng thủy sản, hải sản xuất khẩu của cả nước.
Doanh nhân đồng bằng sông Cửu Long trong hội nhập kinh tế quốc tế
Ảnh minh họa
Hiện tại, ĐBSCL có trên 15 ngàn DN, chiếm 12% DN cả nước; trong đó lĩnh vực thương mại chiếm 40%, xây dựng 13%... Tuy nhiên, hầu hết đều là những DN nhỏ lẻ, với nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng. Việc hướng đến thành lập những tập đoàn kinh tế lớn, hội nhập toàn diện và thành công không còn là định hướng của ĐBSCL, mà còn là hướng đi tất yếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, cộng đồng DN trong vùng đang phải đối mặt với thực trạng của ĐBSCL như hạ tầng kém (giao thông thủy, bộ, cảng, sân bay), trình độ lao động kém, giáo dục thấp, đời sống thấp…Chính những điều này đã tạo lực cản rất lớn cho các DN, làm gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của DN và thất thu cho nhà nước. Thêm vào đó là sự thiếu liên kết và gắn kết giữa các DN trong kinh doanh, chưa quan tâm đến yếu tố pháp lý.
Để thay đổi bức tranh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay của vùng ĐBSCL thì việc phát triển ngành dịch vụ nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản; Vận dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; Kết hợp giữa tiêu thụ, chế biến hàng nông sản và xuất nhập khẩu; Xây dựng thương hiệu hàng nông sản… cần được tập trung và vai trò của cộng đồng DN là vô cùng quan trọng. Chỉ có các DN mới giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển dịch vụ nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến nông sản. Làm việc này chính là tạo cho mình nguồn nguyên liệu bền vững. Người nông dân vừa là khách hàng và chủ hàng, đối tác tin cậy của các DN.
Vì thế việc đồng hành cùng DN trên bước đường kinh doanh, hiểu và chia sẻ với DN những thành công, khó khăn trong kinh doanh luôn sẽ là nguồn động viên, động lực quan trọng để DN tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng và phát triển - TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ chia sẻ.
Từ phía các DN họ cũng đưa ra nhiều đề xuất như: Sớm nâng cấp hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành cảng Cái Cui, sân bay, kênh Quan Chánh Bố, tạo điều kiện để DN vận chuyển hàng hóa kịp thời, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN trong vùng; Có chính sách phù hợp để DN tham gia đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT; Nhất quán trong chính sách giữa các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN phát triển; Nhà nước nên sớm quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng thủy sản, cần chú trọng vào bảo vệ môi trường nếu không sự trù phú, phì nhiêu, ưu đãi của thiên nhiên ĐBSCL sẽ bị hủy diệt; Cần có những sáng kiến mới như nuôi tôm trong khu công nghiệp…
Theo PGS. TS Nguyễn Đông Phong - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM để phát triển bền vững trong thời gian tới, các DN trong vùng ĐBSCL cần chú trọng xây dựng và nâng cao năng lực quản trị kinh doanh theo những hướng cơ bản như hoạch định chiến lược kinh doanh một cách đúng đắn; Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; Xây dựng thương hiệu gắn liền với ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm có thế mạnh của vùng; Cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; Xây dựng năng lực cạnh tranh động trong DN; Xây dựng mạng lưới CEO ĐBSCL chuyên nghiệp…/.
Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay - 13/10/2009, nhằm tôn vinh vai trò và sự đóng góp to lớn của các doanh nhân ĐBSCL cũng như tạo điều kiện để các doanh nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn ĐBSCL (MDEC) tổ chức chương trình trao giải “Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL”, giải “Tôn vinh lãnh đạo Doanh nghiệp ĐBSCL” và chương trình tọa đàm “Vai trò của quản trị tri thức trong Doanh nghiệp ĐBSCL” tại TP. Cần Thơ. Chương trình được tổ chức với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo UBND của 13 tỉnh/thành khu vực ĐBSCL, đại diện các hiệp hội, DN trong vùng cùng tham dự và được truyền hình trực tiếp trên sóng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.
Giải thưởng “Tôn vinh doanh nhân đồng bằng sông Cửu Long” lần đầu tiên thực hiện năm 2009, để tìm ra những doanh nhân xuất sắc và trao giải thưởng cao quý là các danh hiệu và bằng khen của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật