Sáp nhập Crimea, Nga buộc phương Tây phải xem lại “luật chơi”

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga. Sau sự kiện này, phương Tây áp đặt một loạt biện pháp cấm vận Nga nhưng sự kiện Crimea đã giúp Nga đạt được nhiều mục đích chiến lược, buộc phương Tây phải xem lại “luật chơi“.
Sáp nhập Crimea, Nga buộc phương Tây phải xem lại “luật chơi”
Tổng thống Nga Putin

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Sau sự kiện này, phương Tây áp dụng một loạt các biện pháp cấm vận chống Nga nhưng sự kiện Crimea đã giúp Nga đạt được nhiều mục đích chiến lược quan trọng, nhất là buộc phương Tây phải xem lại “luật chơi” trong quan hệ với Nga.

“Đưa Crimea trở về với đất mẹ” là cụm từ được Tổng thống Nga Putin sử dụng khi đề cập đến vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea thành vùng lãnh thổ của Nga. Sự kiện này xảy ra không chỉ vì người dân Crimea muốn đưa vùng đất này trở về trực thuộc Nga và còn là vì Moscow đã lắng nghe nguyện vọng của người dân Crimea và tận dụng tốt thời điểm thuận lợi.

Sự kiện Crimea không chỉ giúp Nga đạt được mục đích chiến lược quan trọng bậc nhất của mình mà còn buộc các “đối tác” phương Tây phải xem xét lại các “luật chơi” trong quan hệ với Nga.

Trước đó, “luật chơi” mà phương Tây vạch ra trong quan hệ với Nga là làm suy yếu nước Nga và không tính đến các lợi ích chiến lược của Nga. Trong những năm 1990, Nga buộc phải chấp nhận “luật chơi” này vì khi đó, Nga không có mong muốn và thực tế là không đủ khả năng để bảo vệ quyền lợi và các lợi ích đối ngoại của mình.

Đến giai đoạn gần đây, Moscow mới đủ khả năng lên tiếng yêu cầu phương Tây phải tôn trọng các lợi ích của mình, ít nhất là tôn trọng khu vực ảnh hưởng của Moscow (trước hết là ở không gian hậu Xô Viết), cũng như yêu cầu được tham gia vào các hệ thống đảm bảo an ninh tập thể và các quá trình liên kết kinh tế ở châu Âu.

Tuy nhiên, các đối tác phương Tây đã phớt lờ các đề xuất của Nga và tiếp tục thực hiện mục đích chi phối không gian hậu Xô Viết và thúc đẩy quá trình liên kết với châu Âu của khu vực này.

Châu Âu và Mỹ tự cho mình quyền được thông qua các quyết định ở các quốc gia láng giềng với Nga, cũng như thúc đẩy hoặc chí ít là “nhắm mắt làm ngơ” để các lực lượng không chỉ thân phương Tây mà còn điên cuồng chống Nga lên nắm quyền ở các quốc gia này.

Mục đích chính là biến các nước này thành các mắt xích chống và kiềm chế Nga và trong tương lai trở thành “bàn đạp” để thực hiện cái gọi là “cách mạng màu” nhằm thay đổi chế độ cầm quyền ở các quốc gia có tư tưởng thân Nga.

Bắt đầu “phản đòn”

Nga bắt đầu có những phản ứng mạnh mẽ từ năm 2008 nhưng các nỗ lực này là chưa đủ. Sau sự kiện Maidan ở Ukraine, Nga đã buộc phải thực hiện các bước đi mạnh mẽ nhằm phá vỡ hệ thống quan hệ đang tồn tại.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đã khiến phương Tây loại Nga ra khỏi nhóm G-8 và áp dụng hàng loạt biện pháp cấm vận nhằm ép Tổng thống Nga Putin phải quay trở lại với các “luật chơi” cũ.

Một mặt, các lệnh cấm vận này khá nặng nề và không thể chấp nhận được với Nga. Các chuyên gia phân tích nhìn nhận rằng, Moscow phải kiên trì cho đến khi phương Tây nhận thức được rằng không thể ép buộc nước Nga và Putin quay trở lại mô hình quan hệ cũ.

Sau hàng loạt nỗ lực không thành, phương Tây buộc phải chuyển từ trạng thái “giận dữ” sang trạng thái sẵn sàng thực hiện các “luật chơi” mới với Nga khi vừa đưa ra 5 nguyên tắc trong quan hệ với Nga.

Các chuyên gia phân tích không loại trừ khả năng đến mùa hè năm nay, các lệnh cấm vận của phương Tây chống Nga sẽ không được tiếp tục gia hạn và cuộc “chiến tranh cấm vận” giữa Nga và phương Tây sẽ đi đến hồi kết. Kết quả là Nga sẽ đạt được các “luật chơi” công bằng trong quan hệ với phương Tây.

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin (bên phải).

Ngăn chặn tham vọng của NATO

Dù có thể buộc phương Tây xem lại các “luật chơi” quốc tế nhưng Nga sẽ chưa thể nhanh chóng được tham gia vào các hệ thống an ninh tập thể và liên kết kinh tế ở mức độ như trước kia.

Kremlin đã bắt đầu soạn thảo ra các “luật chơi” trong không gian hậu Xô Viết để tránh làm nảy sinh mâu thuẫn giữa Nga với phương Tây. Nếu như EU chấp nhận phương án này thì điều đó đồng nghĩa với việc EU thừa nhận các lợi ích của Nga trong khu vực này.

Ngoài ra, Moscow cũng sẽ ngăn chặn được bước tiến của NATO sang phía sườn Đông, trước hết là sang Ukraine.

Đối với Ukraine, Moscow đã tuyên bố rõ ràng về các lợi ích của mình ở Ukraine và sẵn sàng “bảo vệ” Ukraine bằng bất cứ giá nào. Quan điểm cứng rắn này đã khiến NATO phải từ bỏ phương án đưa Ukraine vào quỹ đạo của mình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã phải lên tiếng khẳng định rằng Ukraine sẽ không “có cửa” gia nhập NATO và EU trong vòng ít nhất 25 năm nữa, còn Tổng thống Mỹ Obama cũng thừa nhận Ukraine là “lợi ích chiến lược của Nga chứ không phải của Mỹ. Chính vì vậy, Nga sẽ luôn có đủ khả năng để giành thế vượt trội ở Ukraine”.

Những tuyên bố trên của giới lãnh đạo phương Tây thực sự là “cú đánh” nặng nề vào tham vọng của giới lãnh đạo Ukraine (đặt mục tiêu gia nhập EU và NATO là mục tiêu then chốt trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình).

Đây cũng là yếu tố giúp Nga củng cố đáng kể uy tín và vị thế vì đã bảo vệ được lợi ích chiến lược của mình trước sự “nhòm ngó” của phương Tây.

Ngoài ra, giới lãnh đạo phương Tây đã thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với Nga trong việc giải quyết các vấn đề khu vực hậu Xô Viết, cũng như các vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, khủng hoảng nhập cư và chương trình hạt nhân Iran…..

Một thế giới mới

Một “điểm cộng” nữa từ nước cờ Crimea của Nga là đã thúc đẩy thế giới từ hình thái đơn cực sang đa cực.

Trong vòng 2 năm qua, Nga đã chứng minh được rằng ngay cả các cường quốc hàng đầu như Mỹ cũng không có đủ lực lượng và phương tiện để ép Nga phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ khi các yêu cầu này gây tổn hại đến các lợi ích an ninh quốc gia của Nga.

Nga đã vạch rõ ranh giới các khả năng của Mỹ và mức độ thực sự trong các đảm bảo của người Mỹ đối với các đồng minh của mình.

Ngoài ra, thực hiện chiến dịch “đưa Crimea trở về đất mẹ” trên cơ sở là tiền lệ ở Kosovo, Nga đã “giúp” người Mỹ nhận thức được hậu quả từ chính sách do Mỹ đặt ra về quyền của các khu vực trong việc tự tách ra giành độc lập.

Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận đơn phương của phương Tây chống Nga cũng có thể coi là yếu tố thúc đẩy hình thành thế giới đa cực. Tất cả đã thấy rõ rằng Mỹ đã sử dụng các thể chế tài chính toàn cầu do họ kiểm soát để gây áp lực lên một trong những cường quốc hàng đầu thế giới khác.

Động thái này khiến các quốc gia đang phát triển có nhu cầu thực sự phải hình thành các thể chế tương tự, và ngân hàng BRICS, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á…được hình thành từ nhu cầu này.

Dòng chữ: Chúng Tôi thuộc Nga.
Xem Thêm: Tổng thống Putin chính thức phê chuẩn việc sáp nhập Crimea vào Nga

//

Nga cần tăng cường các biện pháp phát triển Crimea

Có một điều chắc chắn rằng “ván bài Crimea” vẫn chưa kết thúc vì hiện Nga vẫn chưa hiện thực hóa được tất cả các khả năng quốc tế mà việc sáp nhập Crimea đem lại.

Moscow sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao mức sống của người dân Crimea và chứng minh cho các khu vực khác của Ukraine thấy được tất cả các ưu thế khi sáp nhập vào thành phần của Nga.

Hiện nay, mục đích này phần nào đó vẫn chưa đạt được vì chính sách bao vây, cô lập Crimea của giới lãnh đạo Ukraine khi ngăn chặn các nguồn tiếp tế nước, lương thực và năng lượng cho Crimea.

Ngoài ra, Nga vẫn cần giải quyết một loạt các tồn tại ở Crimea như nạn quan liêu khiến việc thực hiện các dự án ở Crimea đã bị trì hoãn khá lâu, nạn tham nhũng và nhất là các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, cụ thể là xung đột công khai giữa Aleksey Chaly (Chủ tịch nghị viện Sevastopol) với Sergey Menhiailo (Tỉnh trưởng Sevastopol).

Đây rõ ràng là các vấn đề Nga cần tích cực giải quyết nếu như muốn biến Crimea thành “tấm gương” cho các khu vực khác của Ukraine noi theo.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật