NSND Lan Hương: Bến đậu cuối cùng trong sự nghiệp nghệ thuật

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nổi danh từ năm 13 tuổi với vai Ngọc Hà trong bộ phim “Em bé Hà Nội” (đạo diễn NSND Hải Ninh), NSND Lan Hương luôn được biết tới với những vai diễn giàu nội tâm, đa chiều, góc cạnh. Hiện đang là trưởng đoàn kịch Thể nghiệm, Nhà hát Tuổi trẻ, sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh, chị trở lại phim trường với vai Đàm hoàng hậu trong bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” – sản phẩm điện ảnh được đặt nhiều kỳ vọng để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
NSND Lan Hương: Bến đậu cuối cùng trong sự nghiệp nghệ thuật
Ảnh minh họa

- dư luận thời gian gần đây đặc biệt chú ý tới dự án phim “Thái sư Trần Thủ Độ” với sự chia tay giữa chừng của Á hậu Thiên Lý, người được chọn vào vai Trần Thị Dung. Còn vai Đàm Hoàng hậu do chị đảm nhận  dường như ít được nhắc tới?

Vai Đàm Hoàng Hậu là một nhân vật khá quan trọng, sau vai Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Đó là một hoàng hậu họ Lý không còn đươc vua ưu ái và luôn tìm mọi cách giành sự ảnh hưởng quyền lực về phía mình. Có nhiều xung đột xảy ra trong suốt bộ phim, Đàm Hoàng hậu về sau trở thành Thái hậu, đó là một người đàn bà mạnh mẽ, nhưng vì thời điểm thời của bà không còn nữa, thì bà chịu bó tay. Đó cũng là một người rất tàn nhẫn, cuộc “chiến đấu” của hoàng hậu với Trần Thị Dung hứa hẹn sẽ mang đến sự hấp dẫn cho khán giả.

- Một bộ phim cổ trang được đầu tư kỹ lưỡng chắc hẳn sẽ có rất nhiều cảnh quay đẹp, những khó khăn của diễn viên khi tham gia bộ phim này là gì, thưa chị?

Trước hết, tất cả diễn viên trong đoàn đều phải hiểu lịch sử do Giáo sư sử học Lê Văn Lan hướng dẫn và học lễ nghi cung đình dưới sự cố vấn của các nghệ sĩ tuồng chèo. Và đúng là diễn viên chúng tôi đã có những ngày làm việc khá vất vả. Có những cảnh quay ở Huế, dưới cái nắng chang chang, các diễn viên với những trang phục nhiều lớp vải, mồ hôi vã ra như tắm mà vẫn phải diễn cho ra đúng chất trang nghiêm, cung kính của triều đình. Thời gian tới, đoàn làm phim sẽ tiếp tục quay tại trường quay Hoàng Điếm, Trung Quốc, hy vọng thời tiết sẽ dễ chịu hơn.

- Một nghệ sỹ sân khấu luôn cháy hết mình trên sàn diễn như chị, ở độ tuổi chín muồi, chị lại đảm đương công việc trưởng đoàn kịch Thể nghiệm, Nhà hát Tuổi trẻ. Chị có thấy mình hơi liều lĩnh với trọng trách này?

Nói là liều cũng đúng nhưng để làm cái mới thì luôn phải liều lĩnh. Khi được ra nước ngoài nhiều hơn để biểu diễn, tôi nhận thấy sân khấu của những nước có nghệ thuật phát triển đã tiến đến những bước phát triển rất xa. Đó không chỉ là những vở diễn kịch nói như chúng ta đang làm, để bắt kịp với thế giới, chúng ta cần có những hình thức tìm tòi khác nữa. Hiện nay, kịch hình thể ở mỗi nước phát triển khác nhau, chính vì thế kịch hình thể mới ở giai đoạn đầu. Những vở diễn chúng tôi đã thực hiện như “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”, “Biến vỹ của tình yêu” cũng đang ở dạng thể nghiệm và nhận được rất nhiều phản hồi khác nhau của người trong nghề cũng như khán giả. 

- Dường như loại kịch mang màu sắc đương đại này phù hợp hơn với giới trẻ?

Ở Việt Nam, với thói quen thưởng thức nghệ thuật của đa số khán giả, nghệ thuật đương đại nói chung và kịch hình thể nói riêng vẫn còn là một khái niệm mới mẻ đến khó hiểu. Nhưng đúng là với giới trẻ, kịch hình thể được ủng hộ nhiều hơn vì đây là lứa tuổi dễ khơi gợi được trí tưởng tượng. Đắm chìm trong không gian của vở diễn, họ được thỏa mãn nhiều hơn cái sự nhìn ngắm, xem, và nâng cao hơn về thẩm mỹ bởi người diễn viên biểu đạt bằng những ngôn ngữ cô đọng, đa ngữ, chứ tuyệt nhiên không thể dùng ngôn ngữ sinh hoạt, và cách đối thoại cũng khác, ngân nga, cao vút.

- Mải mê với vai trò chèo lái đoàn kịch hình thể, dường như chị cũng không còn mặn mà nhiều với diễn xuất?

Đã trải qua nhiều thăng trầm với nghiệp diễn, gặt hái được không ít vinh quang, tôi luôn chấp nhận dấn thân, đi tới tận cùng con đường tự chọn với niềm đam mê không vụ lợi. Ở tuổi này tôi phải làm những việc có ích hơn, còn diễn xuất dần nhường lại cho các bạn trẻ. Đến với kịch hình thể, tôi như tìm thấy hạnh phúc thứ hai của cuộc đời mình. Kịch hình thể là bến đậu cuối cùng trong sự nghiệp nghệ thuật của tôi.

- Cuộc sống riêng tư của chị với nghệ sỹ Tất Bình cũng nhận được không ít đồn thổi, nhưng giờ đây thấy chị thật nhiệt huyết và say nghề. Sau những phút mệt mỏi của công việc, điều gì khiến chị thấy bình yên nhất khi về nhà?

Cuộc sống của nghệ sỹ luôn phải đối mặt với những tin đồn, nhưng tôi và anh Tất Bình đã đến với nhau sau những đổ vỡ, nên lúc nào cũng có ý thức bù trừ cho nhau để đi suốt cuộc đời này. Sau những giờ dành cho công việc, những phút rảnh hiếm hoi, tôi thích vẽ tranh, đây là niềm đam mê và cũng là những giờ phút giúp tôi cân bằng lại đời sống tinh thần. Tôi cũng thích sơn lại nhà cửa, trang trí căn nhà giống như khu vườn cổ tích với đầy thú nhồi bông, những con vật ngộ nghĩnh. Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản thế thôi.

- Chị có một cô con gái sống và làm việc tại Đức và chị đã lên chức bà ngoại được 5 năm nay. Chị có thường xuyên sang Đức thăm con không?

Thời gian Mỹ Hạnh, con gái tôi mới sinh, tôi cũng sang thăm cháu một thời gian. Đợt này, Hạnh cũng cho con trai về thăm bà và sẽ sang Trung Quốc luôn. Sang Đức từ năm 6 tuổi, Mỹ Hạnh học ở trường nội trú và là người Việt Nam duy nhất của trường nên chỉ biết tiếng Việt lõm bõm. Khi lên trung học, vào các kỳ nghỉ hè, Mỹ Hạnh thường về Việt Nam, sống trong những ngày đầm ấm bên mẹ và các dì nên Tiếng Việt của Hạnh cũng khá dần lên. Còn cháu ngoại của tôi bây giờ, mọi lần khi tôi sang chơi cháu còn chưa đi học nên còn nói tiếng Việt, giờ cháu đã đi học rồi nên nhất định chỉ trả lời bà bằng tiếng Đức, tôi đang nói đùa là phải cắp sách đi học tiếng Đức để có thể giao tiếp với cháu thôi (cười)

- Cảm ơn chị và về những chia sẻ chân thành!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật