Tha hương sống mặt sông, kiếm ăn đáy sông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặt trời ló rạng, anh Cao Văn Mơ cùng vợ lên đường bắt đầu cho một ngày lao động mới. Xóm hến (thôn Yên Tập Bắc, xã Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang) tập trung khoảng hơn 20 gia đình, chủ yếu quê gốc ở Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương).
Tha hương sống mặt sông, kiếm ăn đáy sông
Cả gia đình lênh đênh trên một chiếc thuyền

Ba đời cào hến

“Ông bà tôi đã lênh đênh sông nước, rồi sau đến bố mẹ và giờ là đến tôi, quanh năm suốt tháng chỉ  quẩn quanh  với chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên sông”. Anh Cao Văn Mơ, người có thâm niên 20 năm cào hến, chia sẻ.

Chị Dung, vợ anh, cặm cụi lựa bỏ rác rưởi từ mẻ hến anh vừa cào được, thoăn thoắt đưa con thuyền tiến sát mép bờ. Theo anh, sát mép bờ là chỗ hến tập trung nhiều nhất, bởi vì ở đó có nhiều bùn đất và nước tĩnh hơn ở giữa dòng.

Ở xóm hến, có người đã 40 năm cào hến, như ông Cao Văn Tân, năm nay 48 tuổi. “Nếu may mắn gặp phải đúng luồng của hến sinh sống thì cả gia đình ba người lớn cào trong vòng một ngày được hơn tạ hến, tính ra tiền cũng được 300 ngàn. Còn không thì cả ngày chỉ được chừng đôi chục cân, cũng đủ tiền mua mấy bơ gạo”.

Sát mép bờ có nhiều  hến sinh sống.                            

Chị Trần Thị Út quê ở Kẻ Sặt phân trần: “Làm cái nghề này thu nhập có đáng là bao. Đủ ăn đã là tốt lắm rồi, chứ mấy ai có dư dật đâu chú ạ”.

Chiều xuống, bờ đê bên kia xóm hến lại tấp nập người mua kẻ bán. Các thương lái đánh xe xuống tận chân đê gần xóm hến thu mua.

Hến chỉ cào được vào những ngày nắng ráo, còn ngày mưa, cả xóm ngồi nhà mong cho nước sông nhanh xuống.

Dòng sông cho hến, cướp con

Trẻ con xóm hến lênh đênh sông nước cùng bố mẹ từ nhỏ, chạy trên thuyền như trên mặt đất. Thằng Dũng, con anh Mơ mới lên 6 nhưng có thể điều khiển hai mái chèo tay, bơi đi bơi lại, nhanh thoăn thoắt rất có nghề.

Trẻ em ở xóm hến (ảnh trái). Một người mẹ đang ôm đứa con vừa bị chết đuối

“Dũng có muốn tới trường không?”- “Không ạ”. Khuôn mặt ngây thơ trả lời tôi một cách ngượng nghịu. Đứa trẻ nào ở đây cũng nói không muốn đến trường.

Anh Đào Văn Nam quê ở Bình Giang - Hải Dương, có 2 đứa con nhỏ, thở than: “Biết đi học là cần, nhưng mình nghèo quá, lo chạy ăn từng bữa còn tính gì đến chuyện cho các cháu đi học  nữa”.

Thoăn thoắt kéo mẻ hến từ dưới sông lên, ông Cao Văn Tân kể lại câu chuyện cách đây có nửa tháng. Hôm đó, chiếc thuyền hến của vợ chồng anh Cao Văn Thành và chị Đào Thị Lợi bị một chiếc thuyền trọng tải lớn đâm vào. Chỉ phút chốc, chiếc thuyền lật chìm xuống dòng sông.

Đôi vợ chồng quê Kẻ Sặt huyện Bình Giang- Hải Dương may mắn được dân làng cứu, đưa lên bờ. Suốt đêm, tất cả trai tráng trong xóm được huy động để tìm xác hai đứa con nhỏ, nhưng chỉ thấy xác đứa nhỏ mới ba tháng tuổi, còn đứa lớn ba tuổi mất tích. Tỉnh dậy, chị Lợi lại khóc ngất đi mấy lần. Vài ngày sau, dân làng mới tìm được xác đứa con thứ hai của chị…

Những đôi vợ chồng trẻ có con nhỏ ở xóm lúc nào cũng phải để mắt tới con.  Nhiều người mải làm việc để con chơi thơ thẩn trên thuyền, chỉ phút chốc sơ sểnh là con đã rơi xuống sông.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều thanh niên trai tráng, nhiều lão làng trong nghề ở xóm hến cũng không thoát khỏi miệng Hà Bá.

Biết cuộc sống lênh đênh vất vả và đói kém là vậy nhưng những gia đình ở cái xóm hến nhỏ này vẫn cứ phải bám trụ với nghề bởi không còn con đường nào khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật