Lời xin lỗi: Khó thế sao?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc sống, để có được một cảm nhận đẹp về mối quan hệ giữa người và người thì vừa rất khó, mà cũng lại rất dễ. Một ánh mắt cảm thông, một nụ cười chia sẻ, một câu cảm ơn, một lời xin lỗi chẳng hạn đâu có khó gì.
Lời xin lỗi: Khó thế sao?
Các lãnh đạo Đài Loan gập đầu xin lỗi dân chúng.

Ấy vậy mà để có được điều đó, được nghe một lời như vậy, nhận được một nụ cười như thế, thấy được những ánh mắt làm ấm lòng người nhiều khi lại quá hiếm hoi! Tại sao?

Các cụ ta thường dạy con cháu “lời chào hơn mâm cỗ cháu ạ, liệu mà thưa gửi cho lễ phép chỉn chu”, hay “lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau con ơi…”. Cho nên mới có câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Trong “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Bác Hồ đã mấy lần nhắc đến câu tục ngữ này để lưu ý cán bộ trong ứng xử với quần chúng, trong quan hệ với dân. Mà xem ra, những ứng xử người ta gọi là “có văn hóa” phải được đơm hoa kết trái từ một nền tảng văn hóa được thường xuyên vun trồng, chăm bón.

Đúng như lời dạy của ông cha ta “cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó” (Nguyễn văn Siêu). Và Bác là tấm gương mẫu mực về tác phong ứng xử vừa thân tình cởi, mở khiến người gặp Bác luôn cảm nhận được sự thoải mái vì có sự bình đẳng, chan hòa, gần gũi.

Người ta gọi đó là một trong những nét thể hiện “văn hóa lãnh đạo”. Mà xét đến cùng, phẩm tính của con người như thế nào sẽ thể hiện ra trong tác phong, trong lối ứng xử, lời nói và việc làm không vênh, không trái nhau, không nói một đằng làm một nẻo, “nói vậy mà không phải vậy”.

Điều này chắng có gì mới. Cách đây hai nghìn năm, cụ Khổng đã khuyên các nhà làm chính trị “tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, tạm dịch là làm trước điều mình muốn nói, rồi hãy nói. Nếu “nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, thái độ quá cung kính” [xảo ngôn, lệnh sắc túc cung], hoặc “giấu lòng oán mà bề ngoài làm bộ thân thiện” [Nặc oán nhi hữu kỳ nhân] thì Khổng Tử lấy làm thẹn khi gặp phải những người như vây. (Luận Ngữ, thiên Công Dã Tràng).

Lại cũng chẳng phải đây là nét riêng biệt và độc đáo của văn hóa Phương Đông. Hãy chỉ dẫn ra vài sự kiện nóng hổi vừa được báo chí nước ngoài đưa tin cũng thấy được rằng nhiều chính khách, cả Đông và cả Tây đã có những ứng xử giàu sức thu phục nhân tâm. Xin nhắc lại đây lời xin lỗi của Gordon Brown, Thủ tướng Anh: "Tôi muốn thay mặt tất cả các chính khách, các đảng phái xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Các nghị sĩ Quốc hội phải có trách nhiệm chứng tỏ rằng họ được bầu vào nghị viện để phục vụ các quyền lợi của công chúng, chứ không phải vì lợi ích bản thân”.

Tôi muốn thay mặt tất cả các chính khách, các đảng phái xin lỗi vì những gì đã xảy ra.

Cũng phải nói thêm cho rõ là lời xin lỗi này đưa ra khi tờ Daily Telegraph phanh phui những khoản chi tiêu công quỹ. Trong lúc đất nước đang vật lộn đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng thì Thủ tướng Brown từng trả cho người em trai 6.500 bảng (9.934 USD) về công việc dọn dẹp căn hộ của ông ở Westminster. Còn ông Bộ trưởng Cộng đồng Hazel Blears thì có đến 3 căn hộ trong một năm và đã chi tới gần 5.000 bảng (6.644USD) trang trí nội thất trong vòng 3 tháng. Bộ trưởng Thương mại - Lord Mandelson thì kê khai gần 2.850 bảng (4.356 USD) tiền sửa chữa một ngôi nhà của ông sau khi thông báo sẽ rời Hạ viện Anh để trở thành ủy viên Ủy ban châu Âu. Sau đó, chính ông đã bán căn nhà để thu được 136.000 bảng Anh (207.864 USD).

Những hé lộ trên do báo chí phơi ra trước dư luận đã khiến công chúng Anh phẫn nộ khi nước này đang tìm cách thoát khỏi cơn suy thoái hiện tại. Đại khái là như vậy. Và rồi người ta đặt câu hỏi: nếu không có Daily Telegraph đưa tin, [mà dù tờ báo này không đưa, tờ báo khác cũng chớp lấy thông tin để đưa], thì liệu ông Brown có đưa ra lời xin lỗi không? Nhưng xin khất câu trả lời sau khi đọc tiếp những dòng tin sau đây:

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên tiếng xin lỗi dân chúng lần thứ hai trong tháng về những rắc rối liên quan tới kế hoạch nhập khẩu thịt bò Mỹ. Ông Lee trần tình: "Tôi và chính phủ đáng lẽ phải thấy được những quan ngại của dân chúng về an toàn thực phẩm một cách kín kẽ hơn… Tuy nhiên, chúng tôi đã không làm được điều đó và tình cảnh hiện giờ phản ánh rõ thất bại của chính phủ". Ông đảm bảo rằng sẽ không nhập khẩu thịt của những con bò hơn 30 tháng tuổi. Những con bò già được cho là có nguy cơ nhiễm dịch bò điên. Lần xin lỗi trước diễn ra ngày 22/5/2009 khi mà làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nhập khẩu thịt bò Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ ông Lee đã giảm đáng kể sau sự kiện này. Nhiều thành viên trong nội các của ông đã đệ đơn từ chức sau làn sóng biểu tình này. Và lại xin khất thêm một lần nữa câu trả lời trước khi đọc tiếp một lời xin lỗi nữa:

Ngày 15/8/2009, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã phải nói lời xin lỗi về phản ứng chậm chạp của chính quyền trước cơn bão Morakot. Cơn bão khủng khiếp này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Ông Mã nói: "Chúng tôi đáng ra đã có thể làm tốt hơn và phản ứng nhanh hơn. Nhưng chúng tôi đã không làm tốt hơn và cũng không phản ứng nhanh hơn. Chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân”. Ông Mã phát biểu như vậy với các phóng viên khi đi thị sát công việc cứu trợ, cứu hộ ở quận Nantou. Sau ông Mã với cương vị người đứng đầu Đài Loan, mới hôm rồi ông phụ trách hành pháp đã đệ đơn từ chức với lý do: “Phải có người chịu trách nhiệm về những thiết hại nặng nề của đời sông ngtười dân Đài Loan sau vụ thiên tai thảm khốc này”. Một số lãnh đạo ngành khác cũng đang theo gương ông này đệ đơn từ chức.

Thì ra, cùng với chuyện xin lỗi dân, hay từ chức vì những hệ lụy do quản lý kém gây ra, do nhập nhèm công tư bị báo chí phanh phui, nói theo ngôn từ dân dã là “ăn vụng chùi mép không sạch” đều thuộc phạm trù “văn hóa lãnh đạo”. Mà để là “người có văn hóa” thì dù là nguyên thủ quốc gia, vùng lãnh thổ khi vướng vào chuyện này đều phải nhanh chóng t‌ּự x‌ּử trước khi búa rìu của dư luận quật vào.

Cách hành xử của các nhà lãnh đạo Đài Loan thật đáng để noi gương!

Do vậy, câu hỏi đặt ra cứ phải lần khân chưa trả lời chỉ là vì, cho dù phải đợi sự lên tiếng của công luận thì rồi ông nọ, ông kia mới đưa ra lời xin lỗi thì đã khí muộn. Nhưng muộn còn hơn không! Chả thế mà người tự vỗ ngực mà rằng “Nhà nước là ta” như Napoléon cũng đành ngậm ngùi tuyên bố “Nhà nước là gì? Chẳng là gì cả nếu không có dư luận”. Đúng là phải có áp lực từ dư luận. Và áp lực ấy, một nhà nước hiểu rõ sứ mệnh của mình, phải chủ động tiếp nhận để tự làm trong sạch mình, nâng cao sức mạnh và uy tín của mình trong dân chúng. Phải làm cho áp lực của dư luận lành mạnh, đích thực là tiếng nói tích cực của công chúng, trở thành một liều kháng sinh cực mạnh chống trả kịp thời những viêm nhiễm dẫn đến bội nhiễm trong c‌ơ th‌ể xã hội, và nguy hiểm hơn khiến cho nó di căn.

Cho nên, dù có giương mục kỉnh đạo đức học lên để soi rọi về động cơ của những lời xin lỗi hay sự từ chức nói trên thì cũng phải sòng phẳng mà nói rằng: những lời xin lỗi, hay sự từ chức dù kịp thời hay muộn mằn, đều đem lại những nét đẹp cần thiết cho cuộc sống. Có thể đẹp nhiều, có thể đẹp ít, nhưng dù thế nào cũng là đẹp. Vì, muốn hay không, chúng vẫn giải tỏa bớt đi những bức xúc trong xã hội. Cho dù ai đó gọi đây là sự khôn ngoan chính trị đi chăng nữa, thì tại sao lại không cổ vũ và biểu dương sự khôn ngoan ấy? Không thế, thì chả nhẽ lại tán dương sự dại dột chính trị?

Đấy là chưa nói đến chuyện: nếu từ góc độ của đạo đức học, thì dù hành vi xin lỗi hay là từ chức đều là do áp lực từ xã hội mà thuật ngữ đạo đức học gọi đó là “sự cưỡng chế bên ngoài”. Thuật ngữ này nhằm phân biệt với “sự cưỡng chế bên trong”, biểu đạt nhu cầu nội tâm được thể hiện ra trong hành vi của chủ thể. Nhưng dù từ bên ngoài hay tự bên trong, đạo đức học vẫn đánh giá tác dụng tích cực của cả hai loại hành vi đó. “Sự cưỡng chế bên ngoài” có tác dụng hỗ trợ cho “sự cưỡng chế bên trong”. Sự tự cưỡng chế xuất phát từ động cơ thôi thúc của tình cảm đạo đức muốn có sự thanh thản của lương tâm, hoặc tránh khỏi sự day dứt lương tâm.

Do vậy, hành vi xin lỗi hay từ chức của các chính khách nước ngoài vừa dẫn ra ở trên, dù muộn dù sớm, vẫn cần được ghi nhận là một nét của “văn hóa lãnh đạo” nằm trong tổng thể những tương tác giữa lãnh đạo và công chúng, môt công chúng có đầy đủ ý thức và được tạo điều kiện để thực thi quyền hạn và nghĩa vụ công dân của họ. Chính vì thế, để có được một lời xin lỗi, dễ hay khó là tùy thuộc vào chính điều này đây. Có hiểu vậy mới thấm thía ước vọng của Montesquieu, nhà Khai sáng Pháp thuộc thế hệ thứ nhất, cha đẻ của triết lý về nhà nước pháp quyền, người đồng hương với Napoléon. Ước vọng rằng, ông ta sẽ là người sung sướng nhất trên đời nếu chứng kiến được việc nhà quản lý nhà nước am hiểu sâu sắc với đầy đủ trách nhiệm về công việc của mình và người bị quản lý thì vui vẻ tự nguyện tiếp nhận sự quản lý đó.

Đã là ước vọng thì bao giờ cũng nhuốm ít nhiều chất ảo tưởng! Nhưng chính ước vọng là nguyên cớ đem lại cho con người sự kiên nhẫn để mà sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật