Thế chiến 2 sẽ tái hiện nếu xung đột xảy ra với Triều Tiên?

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cảnh báo một cuộc xung đột với Triều Tiên sẽ có quy mô tương tự với Thế chiến 2, gây ra những thiệt hại nặng nề.
Thế chiến 2 sẽ tái hiện nếu xung đột xảy ra với Triều Tiên?
Ảnh minh họa

Ngày 24.2, Trung tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã cảnh báo hình ảnh của Thế chiến 2 có thể tái hiện tại Đông Á nếu một cuộc xung đột với Triều Tiên xảy ra. Ông Scaparrotti khẳng định: “Với kích thước hiện tại về lực lượng quân sự và vũ khí của các bên, cuộc xung đột với Triều Tiên nếu xảy ra sẽ khá giống với chiến tranh thế giới thứ 2, rất phức tạp và nhiều thương vong”.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban quân sự Hạ viện, trung tướng cho biết quân đội Mỹ đã mất 405.399 binh sĩ trong Thế chiến 2 và 36.574 người trong chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950-1953. Trong khi đó, thương vong của người Triều Tiên trong cuộc chiến cũng lên đến hàng triệu. Do đó, nếu một cuộc xung đột mới xảy ra với những loại vũ khí hiện tại, thương vong sẽ tăng gấp nhiều lần.

Ông Scaparrotti nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un sẽ sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, nếu các lực lượng vũ trang nước ngoài đe dọa đến quyền cai trị đất nước. Trung tướng cũng nhấn mạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua.

 Tương quan lực lượng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trong khi đó, đô đốc Harry Harris, tư lệnh thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo với mục tiêu nhắm đến là lãnh thổ Mỹ. Quân đội Triều Tiên cảnh báo Washington và Seoul vào ngày 23.2 rằng, một động thái trả đũa sẽ được tiến hành nếu quân đội Mỹ và Hàn Quốc thực hiện các cuộc tập trận.

Mỹ hiện duy trì khoảng 30.000 quân trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc có một lực lượng vũ trang 650.000 quân cùng các trang thiết bị quân sự hiện đại trên toàn lãnh thổ. Bên kia khu phi quân sự, Triều Tiên xây dựng một đội quân đông đảo với 1.190.000 binh sĩ kiểm soát miền bắc bán đảo, theo thống kê của viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế.

Tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đã buộc Mỹ phải cân nhắc kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm gần, trung bình và tầm xa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối quyết liệt kế hoạch triển khai các hệ thống, khi cho rằng Mỹ âm mưu sử dụng THAAD để chống lại quốc gia này.

Ông Harris cho rằng phản đối của Bắc Kinh đối với hệ thống phòng thủ nhằm vào Triều Tiên là “lố bịch”. Đô đốc cũng cáo buộc Trung Quốc về những hành động gây hấn ở Biển Đông, đặc biệt là động thái xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa chống máy bay hay radar trên các đảo. “Trung Quốc đang tìm cách để trở thành bá chủ trong khu vực Đông Nam Á,” ông Harris nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật