Hố đen lớn gấp 21 tỷ lần Mặt Trời

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Siêu hố đen nằm cách Trái Đất 208 tỷ năm ánh sáng, có đường kính vùng chân trời sự kiện khoảng 130 tỷ km.
Hố đen lớn gấp 21 tỷ lần Mặt Trời
Siêu hố đen ở trung tâm dải thiên hà NGC 4889 đã ngừng hoạt động. Ảnh: Universe Today.

Theo IFL Science, NGC 4889 là một trong những thiên hà hình elip sáng nhất và lớn nhất trong cụm thiên hà Coma cách Trái Đất 308 triệu năm ánh sáng, nhưng nó không có vẻ nổi bật và không thể hiện nhiều hoạt động.

Một bức ảnh chụp thiên hà NGC 4889  bằng Kính viễn vọng vũ trụ Hubble được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố vào tuần trước, cho thấy một hố đen siêu lớn nằm giữa thiên hà này.

Hố đen này có khối lượng lớn gấp 21 tỷ lần Mặt Trời và đường kính vùng chân trời sự kiện của nó lên đến 130 tỷ km, gấp 15 lần đường kính quỹ đạo của Hải Vương tinh. Siêu hố đen Sagittarius A*  là vật thể lớn nhất dải Ngân hà, có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời, nhưng vẫn có kích thước vô cùng nhỏ bé khi so sánh với hố đen của NGC 4889.

Thiên hà NGC 4889 và hố đen ở lõi của nó tỏ ra khá trầm lặng. Hố đen siêu lớn đã ngừng hút vật chất từ các ngôi sao và không có đợt bùng phát năng lượng nào từ trung tâm hố đen. Các nhà thiên văn có thể phát hiện những ngôi sao mới hình thành xung quanh nó.

Khi các hố đen hoạt động mạnh, khí gas, bụi và những mảnh vụn khác tích tụ quanh chúng, chúng hình thành các đĩa lớn dần. Vật chất sau đó tăng tốc và bị kéo căng dưới tác động của trọng lực khổng lồ, đạt tới nhiệt độ hàng triệu độ C.

Trong suốt thời kỳ hoạt động, đĩa vật chất quanh hố đen của thiên hà NGC 4889 phát ra năng lượng nhiều gấp hàng nghìn lần so với dải Ngân hà. Hố đen sản sinh phản lực mạnh, làm vật chất bắn ra khỏi đĩa, đồng thời khiến dải thiên hà cũng như môi trường xung quanh nóng lên.

Hố đen của NGC 4889 đã ngủ yên nhưng dấu hiệu hoạt động cuối cùng của nó vẫn có thể được quan sát. Dải thiên hà từng trải qua giai đoạn chuẩn tinh khi siêu hố đen "nuốt" sao. Các nhà thiên văn học có thể trông thấy tia X trải rộng hàng triệu năm ánh sáng từ NGC 4889.

Hiểu rõ điều gì xảy ra với chuẩn tinh sau khi chúng ngừng sáng là một phần quan trọng trong nghiên cứu của các nhà vật lý thiên văn. Chuẩn tinh rất phổ biến trong vũ trụ thuở sơ khai và chúng vẫn là vật thể bí ẩn nhất. Những quan sát tương tự như NGC 4889 và siêu hố đen sẽ cung cấp gợi ý về sự tiến hóa của dải Ngân hà thông qua tuổi vũ trụ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật