Thăm lân Ông ở Lý Sơn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), du khách không chỉ ngắm trời mây non nước, thăm các di tích về đội Hoàng Sa vâng mệnh vua ban đi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mà còn có dịp hiểu thêm về tín ngưỡng của cư dân vùng biển qua việc thờ cá Ông.
Tàu thuyền trên đảo Lý Sơn

Đi dọc mé biển phía tây của huyện đảo Lý Sơn từ xã An Vĩnh qua xã An Hải, bạn sẽ thấy những nghĩa địa cá voi mà ngư dân đất đảo đọc chệch đi là "lân Ông”. Điều này có lẽ xuất phát từ xa xưa, khi ngư dân đất đảo với thuyền bè thô sơ đánh bắt cá trên biển. Thường xuyên đối mặt với bão tố nên họ đặt niềm tin vào sự cứu giúp của thần linh, của những sinh vật hiền lành trên biển như loài cá voi mà họ kính trọng gọi là Ông Nam Hải.

Tại lân Ông thuộc vạn chài làng An Vĩnh, trong buổi chiều nắng tắt, dưới gốc cây phong ba cổ thụ, nhìn ra khơi xa thấp thoáng những con tàu, ngư dân Lê Sòng 78 tuổi kể cho tôi nghe những câu chuyện nhuốm màu giai thoại về những ngư dân gặp bão biển may nhờ Ông phù hộ độ trì nên thoát nạn.

Như trường hợp ông Nguyễn Nùng (quê ở thôn Tây, xã An Vĩnh), câu thúng ngoài biển, chẳng may trời nổi cơn sóng lớn, thúng câu bị lật úp. Ông Nùng chấp chới trong cơn sóng dữ, phần chết đến mười mươi thì Ông từ dưới biển nhẹ nhàng nâng lên khỏi mặt nước, cho ngồi trên lưng. Sau ba ngày đêm biển mới lặng yên, Ông đưa ông Nùng về mé biển gần nhà trong niềm vui mừng không xiết của vợ con.

Còn ông Nguyễn Dần cũng đi thúng câu bị sóng lớn đánh chìm, may mắn được Ông đưa vào tận đất liền thuộc khu vực cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Mộ Đức. Đến đó ông Dần lại được bà con đưa về nhà rồi bón cháo cho. Sau khi khỏe mạnh, trong khi vợ con tưởng ông đã mất xác ngoài biển ông mới trở về lại đảo.

Từ cây phong ba cổ thụ trước đình An Vĩnh nhìn ra biển

Những câu chuyện như vậy có nhiều nên nhiều thế hệ ngư dân đất đảo luôn đặt niềm tin vào cá Ông và từ lâu dân chài đã lập nhiều lân thờ  Ông cá. Tuy vậy, khác với các làng biển dọc vùng duyên hải miền Trung thường gọi cá voi bơi vào bờ chết là “Ông lụy”, người đất đảo Lý Sơn thì gọi “Ông đi tu”. Một khi “Ông đi tu” về với đất đảo thì dân làng tổ chức lễ theo nghi thức giống như con người.

Nếu cá voi lớn hàng chục tấn thì sau khi "lụy" vào bờ ngư dân đem chôn ngoài đất từ 5-7 năm, cá nhỏ từ 3-4 năm. Sau đó họ hốt cốt bỏ trong quách để phía trong lăng và lập bàn thờ.

Lăng cá Ông ở làng An Vĩnh

Chúng tôi dừng lại trước lân Tân nơi thờ hai bộ xương cá voi lớn mà dân đảo cho biết tước hiệu là Nam Hải đồng đình đại vương và Nam Hải đức ngư tôn thần.

Ông Phù Ngã, trưởng vạn chài thôn Đông, xã An Vĩnh, kể: "Từ lúc còn nhỏ, cha tôi đã kể về chuyện Ông Nam Hải đồng đình đại vương này. Hồi đó khi “Ông đi tu” còn ở ngoài biển xa, một ngư dân trong làng đã được báo mộng sẽ có “Ông đi tu“ dạt vào".

Ba tháng sau trong một ngày biển rất yên thấy ngoài khơi có nhiều dợn sóng, dân làng biết  Ông được các Ông khác đưa vào bờ, bèn dùng ván lót ở phía dưới, quấn dây thừng rồi dùng thuyền buồm kéo vào. Sau đó, phụ nữ mua giấy điều về trải, người già thì lo tế lễ cầu xin tước hiệu, còn cánh thanh niên lo đào huyệt để táng bên mé biển. Lễ táng xong, vài tháng sau, dầu cá từ c‌ơ th‌ể Ông cứ rịn ra thấm vào đất làm ươn ướt cả một vùng.

Hài cốt cá Ông ở làng An Vĩnh

Bảy năm sau đó, dân làng tiến hành hốt cốt, mua dát trầm về xông. Nhưng bộ cốt lớn quá, có chiều dài khoảng 7m và đốt xương như chiếc cối quá lớn mà lăng thì nhỏ nên đành lót giấy điều sắp cốt.

Còn về Ông Nam Hải đức ngư tôn thần thì có trước cả Ông Nam Hải đồng đình đại vương. Qua nhiều thế kỷ, “Ông đi tu” đến vùng biển đảo này nhiều hơn, nhưng lần nào cũng vậy, dân làng đều tổ chức nghi lễ đón Ông trong niềm kính trọng.

Du khách từ phương xa đến muốn vào viếng lân thờ Đức Nam Hải đồng đình đại vương thì theo ông Phù Ngã, phải tìm đến chủ vạn. Sau đó, chủ vạn sẽ có lời đề đạt với những dân chài cao niên trong vạn. Nếu những bậc cao niên đồng ý thì chủ vạn sẽ tiến hành một lễ gồm ba mâm trầu rượu để cầu xin Ông đồng ý rồi mới được mời du khách vào viếng.

Thời gian trôi qua, bây giờ ngư dân đất đảo nhiều người đã đóng tàu lớn, trang bị nhiều phương tiện đánh bắt hải sản hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị. Nhưng ở huyện đảo Lý Sơn cũng như nhiều vùng biển miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão tố và cũng có ngư dân gặp nạn nên dân chài vẫn đặt niềm tin vào Ông cá. Hầu như trước các chuyến ra khơi dân chài đều vào lân Ông thắp nhang xin phù hộ. Rồi sau những chuyến ra khơi trở về, họ lại thắp hương, tưởng nhớ công đức của Ông.

Gỡ lưới sau chuyến biển

Ở vạn chài, thường trong dịp kết thúc mùa biển, bà con dân chài tổ chức cúng vạn, hát bả trạo (một hình thức cá hát dân gian diễn tả công cuộc đánh bắt hải sản trên biển đầy nhọc nhằn, gặp bão tố, cố sức chống chèo, được Ông độ trì nên thoát nạn trở về cập bến bình yên, trong khoang đầy cá).

Cũng chính vì thế nên việc thờ cùng cá Ông từ lâu đã trở thành tín ngưỡng của ngư dân vùng biển đảo này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật