Các loài voọc quý hiếm của Việt Nam

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Voọc mũi hếch, voọc mông trắng là hai trong số 4 loài linh trưởng quý hiếm chỉ có ở Việt Nam.
Các loài voọc quý hiếm của Việt Nam
Voọc mũi hếch, voọc mông trắng là hai trong số 4 loài linh trưởng quý hiếm chỉ có ở Việt Nam.

Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới và là loài đặc hữu của Việt Nam. Loài này có bộ lông nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt, không có mào lông trên đỉnh đầu, vòng tròn quanh mắt màu trắng tuyết. Chúng chỉ còn dưới 200 cá thể trong tự nhiên và thường sống theo đàn 7-20 con. Khu vực phân bố của chúng là ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh. Là loài khá nhút nhát nên chúng thường sống trên tầng cây cao. Ảnh: FFI.

Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) có bộ lông màu đen, đuôi dài hơn thân, đầu có mào lông hình chóp đen. Đây cũng là loài đặc hữu của Việt Nam và nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp trên thế giới. Chúng thường sống ở vùng thứ sinh cây gỗ cao 4-5 mét, mọc trên vách đá có hang động ở các tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa. Loài này thường sống theo bầy đàn 5-10 cá thể. Hiện số lượng loài chỉ còn dưới 20 con. Ảnh: Thu Hiền.

Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) phân bố chủ yếu ở Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Cũng như hai loài trên, chúng là loài đặc hữu của Việt Nam và nằm trong danh sách 25 loài nguy cấp nhất thế giới với số lượng dưới 1.500 con trong tự nhiên. Chà vá chân xám là loài khá nhút nhát, thường sống trên các tán rừng có độ cao lớn và trung bình Ảnh: Vũ Ngọc Thành.

Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) có thân hình thon nhỏ, lông nhiều màu, trán màu đen, lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực chúng có màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Chiều dài đầu và thân của chúng là 52-62 cm, chiều dài đuôi 58-88 cm. Loài này sống trong rừng nguyên sinh trên núi cao, kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng hỗn giao, nương rẫy. Chúng thường sống ở các nơi như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại lá rừng và chồi non. Ảnh: Vncreatures.

Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) thân hình thon nhỏ, chân, tay dài, lưng màu xám đen, đầu trắng xám. Hai bên thái dương có viền lông nâu đỏ. Mặt của loài có nhiều lông dài màu trắng xám. Loài này sống ở Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai. Ảnh: Vncreatures.

Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi) có bộ lông đen tuyền, trên má có vệt lông màu trắng kéo dài quá tai, đỉnh đầu có mào lông đen, đuôi lông màu đen, không xù xì. Voọc đen má trắng ăn chồi non, lá cây và rất ít quả cây rừng và sống thành từng đàn 5-20 con. Loài động vật quý hiếm trên được tìm thấy ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ảnh: Wikipedia.

Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) chỉ còn dưới 60 con, là loài đặc hữu của Việt Nam và cũng nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Loài này có thân hình màu đen, phân biệt với các loài voọc khác nhờ vào màu lông ở đầu và vai màu trắng vàng. Chỏm lông trên đỉnh đầu thường tạo thành mào nhọn. Chúng thường sống thành bày đàn khoảng 5-15 con. Thức ăn chủ yếu là chồi non và một số loại quả. Ảnh: FFI.

Voọc bạc (Trachypithecus cristatus) có thân hình thon nhỏ, lông trên đỉnh đầu có màu tối xám. Khuôn mặt có màu xanh xám đen và có chòm râu dài màu trắng nhờ. Chiếc mào trên đầu gần như nhọn. Thức ăn chủ yếu là lá cây, chồi cây và quả. Chúng thường hoạt động ban ngày, leo trèo khá giỏi và sống ở trên cây. Địa điểm phân bố của loài ở Việt Nam là Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Tây Ninh. Ảnh: Vncreatures.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật