Đỡ đẻ đà điểu: Sợ nhất đánh ghen!

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các “ông đỡ” vừa phải vuốt ve, trấn an đà điểu cái bình tĩnh, vừa phải canh chừng những cú đá long trời lở đất của đà điểu đực đang khò khè, tức xì khói vì “ghen”
Đỡ đẻ đà điểu: Sợ nhất đánh ghen!
Ảnh minh họa

Khu hành chính, xưởng chế biến thức ăn của Trung tâm Giống đà điểu Khatoco (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) một buổi chiều đầu năm vắng tanh vắng ngắt. Toàn bộ nhân viên đều tập trung ở khu nuôi dưỡng để căng mắt đỡ đẻ cho đà điểu.

Khu vực này gồm dãy chuồng trại làm bằng lưới B40, hệ thống nhà chế biến thức ăn, nhà ấp trứng, nuôi dưỡng đà điểu con.

Anh Phạm Đông Thiện đỡ đẻ cho đà điểu

Với 11 năm làm công nhân chăm sóc đà điểu, anh Phạm Đông Thiện được xem là “ông đỡ” mát tay ở trung tâm này. Anh tiết lộ phải quan sát liên tục các chị em đà điểu để kịp thời đỡ đẻ. Em nào bồn chồn, đi lui đi tới, ít ăn, ăn được một ít rồi bỏ ăn là biết em đó chuẩn bị đẻ.

Đà điểu là giống hoang dã nên rất sợ người, sợ tiếng động, phải làm quen, chăm sóc chúng liên tục chúng mới để yên cho “đỡ đẻ”.

Khi đẻ, đà điểu sẽ nằm xuống, người đỡ tiến gần lại từ từ nhấc đuôi đà điểu lên. Đợi trứng lòi ra liền nhanh tay hứng lấy để tránh vỡ trứng. Điều quan trọng phải làm cho các “chị em” đà điểu yên tâm. Sau đó, ghi chép số liệu đầy đủ lên vỏ trứng. Ca nào dễ đẻ chỉ cần vài phút là lấy trứng được. Ca khó hơn, trứng lớn hoặc đà điểu nhát, trứng thụt ra thụt vào phải ngồi vuốt ve đến 30 phút mới lấy trứng.

Theo ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, nếu trứng đẻ ra mà tiếp xúc với đất sẽ bị nhiễm khuẩn, không ấp nở được (trứng bị ung). Chưa kể nhiều đà điểu mái có tật xấu là đứng đẻ hoặc vừa chạy vừa đẻ, dẫn đến vỡ trứng.

Coi chừng dính đòn

Mỗi “ông đỡ” được giao quản lý vài chục con đà điểu mái. Mỗi khi đến giờ đẻ (thường từ 15-18 giờ), công nhân phải canh liên tục. Mỗi con cái lại có một “ông xã” sống kèm trong chuồng nếu đỡ đẻ không khéo sẽ bị “dính cước”.

Theo công nhân Võ Đại Tài, con trống có xu hướng bảo vệ con mái nên khi người đỡ đẻ vào, nó sẽ dò xét và đe dọa. Con trống thường to hơn con mái, lông đen, hai cánh có nhúm lông màu trắng. Khác với con mái rất nhát gan, con trống hầu như không sợ người, gặp người là xù lông, há mỏ khè khè dọa nạt. Mỗi con nặng hơn 1 tạ, cơ chân rất khỏe, nếu khi đỡ đẻ không khéo, không quan sát xung quanh mỗi khi để đà điểu trống tung cước thì chỉ trọng thương.

Những chú đà điểu trống là mối nguy hiểm khi đỡ đẻ

Nhiều trường hợp công nhân ở trung tâm bị đà điểu trống rượt đá, đạp nên phải bố trí những khe lách để công nhân kịp thời thoát thân. Cú đá của đà điểu mạnh đến nỗi tung cả hệ thống lưới rào B40. “Đỡ đẻ cho đà điểu đòi hỏi nhân viên phải chịu khó quan sát, thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc, thấu hiểu tâm sinh lý của từng con một kể cả con mái lẫn con trống để có cách ứng xử phù hợp” - ông Huỳnh Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm giống đà điểu Khatoco, cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật