Săn lan rừng kiếm Tết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lan rừng là loài thực vật sống gửi trên cây cổ thụ nằm ở độ cao lên đến 30-40m. Để lấy được lan rừng về bán đòi hỏi số người tham gia phải biết leo trèo giỏi, có thần kinh thép và không sợ độ cao... Những ngày cuối năm Ất Mùi, phóng viên NTNN đã theo một nhóm người dân tộc Kdong ở Quảng Ngãi lên rừng lấy lan về bán kiếm tiền sắm Tết.
Săn lan rừng kiếm Tết
Thành quả sau gần cả buổi vào rừng tìm kiếm. Ảnh: C.X

Lan rừng hút người chơi cảnh

Nhờ sự giới thiệu của người quen, chúng tôi đã gặp một nhóm gồm 4 người chuyên đi hái lan rừng có tiếng ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, để xin theo chân họ lên rừng lấy lan. Họ đều là người dân tộc thiểu số Kdong. Tuy nhiên phải mất nhiều giờ ngồi trò chuyện và "chén chú chén anh" hết gần cả lít rượu để làm quen, anh Đinh Văn Hải (35 tuổi) - một thành viên của nhóm mới giãi bày: “Chỉ sợ mấy anh là người của cán bộ giả đò đi theo  tui tui để bắt, chứ không phải bọn mình khó khăn đâu”.

Có lan, họ sẽ có tiền sắm tết cho gia đình. Ảnh: C.X

Theo lời của các thành viên trong nhóm thì việc đi hái lan rừng về chơi cảnh đã có từ lâu rồi, nhưng  trước đây người đi tìm và số lượng lan tìm lấy không nhiều. Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây, khi lan rừng đã trở thành loại cây cảnh thu hút nhiều người dân thành thị, đồng bằng xứ Quảng mua về chơi cảnh thì việc tìm hái lan rừng mới rộ lên.

Theo đó tại nhiều huyện miền núi như Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng... một số thanh niên, đàn ông ở các thôn, bản và cả người kinh ở dưới xuôi lên lập nhau thành từng nhóm từ 3-5 người để đi tìm lấy lan rừng về bán. Riêng ở thị trấn Di Lăng hiện có khoảng 5-7 nhóm, với số lượng trên 25 người. Lan rừng có thể tìm lấy quanh năm, thế nhưng thời điểm gần tết cổ truyền thì người tham gia đi tìm lấy đông hơn. Lý do, theo ông Đinh Văn Bin (41 tuổi), người đi trong nhóm anh Hải là bởi để kiếm tiền về mua sắm tết. Vì thế người đi hái lan rừng thường đùa “tiền sắm tết đang để trên ngọn cây” là vậy.

Đủng đỉnh như thợ săn lan

 “Thu nhập từ tìm lấy lan rừng về bán khá cao như vậy, thế nhưng nghề này khá nguy hiểm” - nhiều người tham gia tìm lan rừng xác nhận. Chỉ riêng ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã có ít nhất 4 trường hợp bị thương tật vì ngã khi đi lấy lan rừng. 

Theo giao hẹn, đúng 6 giờ 30 hôm sau, cả nhóm tập trung đông đủ tại quán cà phê cóc ở đầu thị trấn Di Lăng. Qua quan sát, tôi thấy đồ nghề mà nhóm tìm lan mang theo khá đơn giản, gồm: 3 cái kéo, 3 cái liềm dùng để cắt; 2 cây rựa để phát đường đi, vài cuộn dây cao su để cột và mấy hộp cơm cho buổi trưa. Tất cả được bỏ vào một cái bao nhỏ.

Sau hơn 30 phút ngồi uống nước tại đây, thấy chúng tôi cứ liên tục liếc mắt nhìn đồng hồ có vẻ sốt ruột, còn số đi tìm lan lại đủng đỉnh ngồi uống trà, anh Đinh Văn Hải cười: “Chờ nắng lên cho sương khô ráo. Hơn nữa khu vực tìm lan hôm nay là ven trục đường nhựa Di Lăng, Sơn Hà- Trà Trung, Tây Trà nên không gì phải vội”.

Hơn 1 giờ sau thì tất cả mới lên xe máy và khởi hành. Trên đường đi, anh Bin cho biết: “Lan rừng ở vùng núi Quảng Ngãi phân bố khá rộng, với hơn 20 loại khác nhau, nhưng nhiều nhất là lan thủy tiên, quế, hạc vỹ... Và một trong những khu vực được ví là “vựa” lan rừng ở Quảng Ngãi là vùng núi ở phía tây bắc của tỉnh, thuộc các huyện Tây Trà, Sơn Hà và Trà Bồng”.

Tuy lan rừng là loại sống gửi trên cây cổ thụ, thế nhưng không phải loại cây to nào cũng có lan sống, mà tập trung chủ yếu chỉ ở một số loại cây như ké, chò. “Vì vậy người tìm lan rừng thường tìm hiểu, dò la những nơi có nhiều loại cây này để tìm, với tỉ lệ có lan mọc ở số cây cổ thụ loại này chiếm đến trên 90%” - anh Hải cho biết.

Sau gần 1 giờ vừa chạy xe máy dọc theo trục đường tìm kiếm, đến tại khu vực núi nằm giáp giới giữa 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà, thì cả nhóm phát hiện một cây ké khá to cách trục đường không xa nên liền dựng xe bên lề đường, cầm dụng cụ theo.

Dù đoạn đường đi chỉ khoảng 1.000m, thế nhưng phải mất gần 20 phút để vượt qua con dốc chổng ngược, rồi phát bụi rậm men theo con suối... cả nhóm mới đến nơi. Sau khi quan sát thấy có lan đang bám lủng lẳng trên cành cao, 2 trong 4 người của nhóm gồm anh Đinh Văn Bun (35 tuổi) và Đinh Văn Min (34 tuổi) được phân công trèo lên lấy, 2 người còn lại ở dưới gốc để nhặt sản phẩm.

Như một con sóc, anh Min thoăt thoắt ôm gốc và trèo lên khá nhanh. Chỉ vài phút sau đó, những nhánh lan nằm ở cành cây cách mặt đất khoảng 15m được 2 người trèo cắt và thả xuống. Cứ thế hết cành thấp rồi đến cành cao, sau gần 1 giờ treo mình đu bám trên các cành, nhánh của cây đại thụ này, toàn bộ số lan nằm cao cách mặt đất từ 15-35m được 2 anh Min và Bun lần lượt cắt lấy gần như tất cả. Qua ước lượng, chỉ riêng số lan rừng cắt lấy từ cây ké này hơn 10kg. Anh Hải không giấu giếm: "Cũng khá nhưng chưa gọi là nhiều. Vì có trường hợp số lượng lan các loại tìm lấy gần 20 kg/cây”.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Theo anh Hải thì với nhóm 4 người của mình, hôm nào ít cũng được 40-60kg lan các loại, nhiều thì lên đến 100-150kg. Toàn bộ số lan tìm được sau khi chở về đến thị trấn Di Lăng thì đem bán cho các chủ  đại lý thu gom, để họ chở về dưới xuôi bán cho người chơi cảnh và các chủ điểm bán lan. Nhẩm tính bình quân số lượng lan rừng tìm được của nhóm 90kg/ngày; với giá bán từ 60.000-120.000 đồng/kg, thì số tiền thu về từ lan rừng cho các thành viên trong nhóm có lúc lên đến trên 2 triệu đồng/người - con số quá lớn và gấp gần cả chục lần so với tiền công đi làm thuê.

“Tuy không phải lội vào rừng sâu để lấy, thế nhưng lan là loại sống gửi trên những cây đại thụ cao từ 20-40m, vì vậy để đòi hỏi những người đi tìm lấy lan rừng ngoài chuyện biết leo trèo giỏi phải có “thần kinh thép”, không sợ độ cao. Chứ nếu không thì không thể làm nghề này được, anh Bun bày tỏ. “Thu nhập từ tìm lấy lan rừng về bán khá cao như vậy, thế nhưng nghề này khá nguy hiểm” - nhiều người tham gia tìm lan rừng xác nhận.

Chỉ riêng ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã có ít nhất 4 trường hợp bị thương tật vì ngã khi đi lấy lan rừng. Như trường hợp anh N, cách đây khoảng hơn 4 tháng, trong lúc trèo lấy lan rừng, chẳng may anh bị trượt tay ngã xuống từ độ cao hơn 10m. Tuy cú ngã không cướp đi sinh mạng thế nhưng tiền thuốc thang điều trị cho anh tốn gần 40 triệu đồng. Và sau cú té ngã đó, hiện anh N chỉ có thể làm việc nhẹ, gánh nặng cơm áo cho gia đình 4 miệng ăn dồn kết cho vợ.

Trao đổi với phóng viên báo NTNN, ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trừ trường hợp chặt cây để lấy thì lan rừng không phải là loại cấm khai thác. Tuy nhiên, tình trạng lan rừng bị tìm lấy với số lượng như vậy nên dẫn đến nguy cơ bị cạn kiệt, tuyệt chủng là rất lớn. Vì vậy cùng với chỉ đạo cho kiểm lâm phối hợp chính quyền các địa phương miền núi tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, chúng tôi đã và sẽ nhắc nhở, xử lý các điểm thu mua lan rừng với số lượng lớn”./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật