Lý Tiểu Long chết vì thượng mã phong?

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ký giả Patrick Wang Sai-yu có thể được gọi là người tiên phong của hoạt động xuất bản báo lá cải ở Hong Kong. Ông là người sáng lập tờ Kim Dạ Báo (Kam Yeh Pao) vào thời điểm điện thoại di động, Internet hoặc những chiếc ống kính tele với tiêu cự cực xa chưa ra đời.
Lý Tiểu Long chết vì thượng mã phong?
Patrick Wang (phải) và ông Tra Lương Dung (Kim Dung) trong bức ảnh chụp năm 2014. (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên Wang vẫn có được những tin tức rất "độc". Một trong số đó là cái chết của huyền thoại Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Wang, nay đã 76 tuổi, nhớ lại rằng thời điểm Lý Tiểu Long qua đời, người ta đồn rằng ông chết vì thượng mã phong lúc đang quan hệ tình dục. Ai chụp ảnh được phần dưới th‌i th‌ể của ông có thể thu lấy bằng chứng về điều này.

"Vậy là tôi trả 1.500 HKD cho một người khâm liệm trong nhà xác để được chụp ảnh thi hài Lý Tiểu Long. Ở cổ ông có một chỗ phồng lớn lên. Nhưng khi tôi định chụp ảnh xuống phía dưới thi hài, người phụ nữ làm công việc liệm xác đã xuất hiện, lôi tôi ra ngoài. Bà ấy nói rằng tôi có thể khiến bà bị mất việc".

Trong lễ viếng diễn ra sau đó, thi hài Lý Tiểu Long được che kín cho tới tận cằm. "Bức ảnh của tôi là thứ duy nhất trên thế giới cho thấy ông ấy với một cái cổ sưng phồng" - Wang kể.

Bức ảnh được Wang đăng trên trang nhất của tờ Kim Dạ Báo và lập tức khiến tờ báo của ông trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Người ta thi nhau bỏ tiền ra mua báo. Thậm chí có người từng trả 1.000 HKD, theo tỷ giá khi ấy thì gần bằng 1.000 USD, chỉ để mua một tờ báo, vốn có giá 0,5 HKD.

Câu chuyện đi cùng với bức ảnh kinh dị của Wang cũng xoay quanh một đề tài nóng không kém: Lý Tiểu Long chết trong căn hộ của nữ diễn viên Đinh Phối (Betty Ting Pei) thay vì nhà riêng của ông. Tin này do nhà sản xuất Raymond Chow Man-wai (Châu Văn Hoài) đưa ra với báo chí.

Patrick Wang hiện nay. (Ảnh: Jonathan Wong/SCMP)

Câu chuyện và bức ảnh ấy có thể gây sốc, nhưng hoàn toàn nằm trong chủ đích của Wang. Ngay từ đầu ông đã muốn làm báo lá cải. Tờ Kim Dạ Báo, ra đời trong năm 1972, sống nhờ vào các bài viết về mẹo đặt cược đua ngựa, các truyện ngắn khiêu dâm và tin tức giật gân trong ngày. Để hút khách, Wang còn đăng quảng cáo cho các cô gái gọi và thậm chí còn mời gọi các nam độc giả chia sẻ ảnh khỏa thân của vợ họ. 

"Các bức ảnh chỉ có thân thể của người phụ nữ và không hề lộ ra gương mặt của họ. Đó là ý tưởng của tôi" - Wang hào hứng nói. Ông tin rằng một sự bắt chước ý tưởng này sẽ không có tác dụng trong ngày hôm nay, bởi tranh ảnh khiêu dâm đã có khắp nơi, vô cùng dễ kiếm.

Wang, người sinh ra tại Sơn Đông, Trung Quốc, đã tới Hong Kong vào năm 1956. Ông làm việc ở tờ Minh Báo (Ming Pao), trong vai trò một người đọc dò morat, chuyên soát lỗi chính tả. Đó là năm 1959, thời điểm Minh Báo vừa ra đời và chủ bút Tra Lương Dung (Louis Cha Leung-yung) tham gia viết các tiểu thuyết kiếm hiệp cho báo dưới tên Kim Dung (Jin Yong).

"Sau 3 ngày làm việc, ông Tra hỏi rằng tôi từng viết gì trước đây chưa. Tôi cho ông ấy xem một số bài viết trên chuyên mục dành cho sinh viên của tờ Hwa Chiao Jit Pao. Ông nói rằng tôi viết tốt nên đã bổ nhiệm tôi làm phụ trách biên tập chỉ trong ngày thứ 6 làm việc ở báo. Ông rất tin tưởng tôi" - Wang nhớ lại.

Wang trở thành thư ký riêng đầu tiên của ông Tra và sau đó đã làm việc trên mọi ấn bản của Minh Báo. Nhiệm vụ của ông bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Ông phải nghĩ ra ý tưởng của các bài viết, thực hiện các cuộc phỏng vấn, viết và biên tập bài vở...

Bức ảnh chụp thi hài Lý Tiểu Long trên trang bìa tờ Kim Dạ Báo.

Wang là người viết rất khỏe. "Có lúc tôi viết tới 40.000 chữ mỗi ngày" - ông nhớ lại. Các bài viết của ông bao gồm nhiều chủ đề, từ cách thức tự vệ tới truyện khiêu dâm...

Năng lực siêu nhân là chủ đề khác mà ông quan tâm và rất tích tranh luận về sự tồn tại của chúng với các nhà khoa học, trong những bài viết đăng trên Minh Báo. Các màn tranh cãi của họ khiến độc giả phấn khích.

“Ni Cong (nhà văn viễn tưởng Trung Quốc nổi tiếng với bút danh Ngai Hong) không phải là nhân viên của báo, nhưng thường tới vào các buổi sáng để viết bài. Tra cùng Ni và tôi viết về đủ thứ” - ông kể.

Trong giữa những năm 1960, căng thẳng tăng lên ở Hong Kong khi các nhóm cánh tả tăng cường thách thức sự cai trị của nước Anh. Tra chạy tới Singapore để tránh sự hỗn loạn, để lại Wang ở ghế phụ trách hoạt động kinh doanh tờ báo của ông.

Wang vào năm 1968. (Ảnh: SCMP)

Vài năm sau, do mâu thuẫn với vợ của Tra, Wang đã rời Minh Báo và gia nhập tờ Hong Kong Nhật Báo. Dù Wang không dừng chân lâu tại tờ báo này, đây chính là nơi ông gặp vợ tương lai, trong hoàn cảnh rất đặc biệt.

“Tôi có khả năng đọc đường chỉ tay. Một ngày nọ, có tới 20 người trong số đó xếp hàng nhờ tôi xem tay họ. Vợ tôi, người làm việc trong phòng kế toán, đứng thứ 3 trong hàng đó. Sau khi đọc tay cô ấy, tôi nói rằng cô ấy có thể thành vợ mình. Và cuối cùng chuyện đã diễn ra như tôi nói" - ông chia sẻ.

Với Wang, sự vươn lên của tờ Kim Dạ báo là một phép lạ. Ông đã sản xuất tờ báo với đội nhân sự chỉ 1 người, nhưng nó đã bán được 100.000 bản - gấp đôi lượng phát hành thường nhật của tờ Minh Báo. Nội dung của tờ báo có nhiều yếu tố gợi dục, nhưng không quá lộ liễu: không có gì phơi bày ra một cách thô tục và độc giả phải sử dụng trí tưởng tượng của họ nhiều hơn.

Năm 1983, Wang bán tờ báo và dọn tới Mỹ sống. Nhưng ông không ở lại đây lâu. Năm 1986, khi được Tra mời về chấn hưng lại tờ Minh Báo, Wang đã nhanh chóng nhận lời. Có một lý do để Wang đồng ý là vì tình bạn với Tra, vẫn bền chắc kể cả sau khi ông rời khỏi Minh Báo. Ngoài ra thì cuộc sống ở Florida không phù hợp với ông.

Ông nói rằng báo chí ngày hôm nay đã rất khác do với thời của mình. "Báo chí hôm nay có đủ thứ trong đó, nhưng lại thiếu bản sắc riêng. Như Tra từng nói, phần chính của một tờ báo không phải tin tức vì mọi tờ báo đều làm tin tức. Điều quan trọng hơn là các yếu tố bổ sung quanh tin tức. Trước đây, sự bổ sung đó của các tờ báo rất dày dặn, với đầy các bài viết về văn chương và bình luận chính trị" - ông nói.

Wang (trái) với cựu giám đốc phát thanh truyền hình Cheung Man-yee và Kim Dung, ảnh chụp năm 2014. (Ảnh: SCMP)

Ngoài ra, sự tự do trong thời của Wang cũng là lý do khiến báo chí khi đó phát triển mạnh. Sau hơn 3 thập kỷ kinh doanh báo chí, cuối cùng Wang đã rời cuộc chơi vào năm 1990. Ông di cư tới Canada cùng gia đình. Ông bắt đầu nghiên cứu Đông y Trung Quốc từ năm 2002 và mở một phòng tư vấn dùng Đông y tại Vancouver.

Wang đã xuất bản hơn 20 cuốn sách bán rất chạy về Đông y Trung Quốc. Các cuốn sách của ông từng bị cấm lưu hành ở Hong Kong sau khi một người phụ nữ bị ốm nặng vì uống thuốc tự chế, dựa trên công thức in trong sách ông. Tuy nhiên sách lại được lưu hành trở lại khi nhà chức trách thấy rằng người phụ nữ kia đã không thực hiện theo đúng chỉ dẫn của ông.

Mặc dù từng bị đau tim hồi năm 2003, Wang nói rằng phong cách sống của ông vẫn không thay đổi mấy so với thời mình còn làm nghề báo. Ông vẫn thích nhậu nhẹt và thức khuya.

"Tới tận giờ tôi vẫn thường chỉ lên giường từ 4 hoặc 5 giờ sáng. Tôi chưa từng quan tâm quá nhiều tới sức khỏe của mình. Điều quan trọng nhất là được hạnh phúc. Nếu mệt mỏi, tôi sẽ tự đun chút thuốc rồi uống là xong" - ông chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật