Nỗ lực đáng nể của 4 cô gái trẻ thành đạt từng bắt ếch, bưng bê

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Luôn nỗ lực để theo đuổi đam mê của mình, những cô gái Việt không ngừng tạo dựng giá trị cho bản thân mình và số tài sản mà họ hiện sở hữu khiến không ít người choáng váng.
Nỗ lực đáng nể của 4 cô gái trẻ thành đạt từng bắt ếch, bưng bê
Bùi Thị Ngát

Điểm chung của những nữ doanh nhân trẻ, thành đạt mà chúng tôi đề cập tới dưới đây, đều có một quá khứ vất vả, khổ cực. Chính từ những ngày khốn khó ấy đã thôi thúc họ không ngừng nỗ lực để theo đuổi đam mê, để có được thành công như hiện tại. Bản lĩnh của những nữ doanh nhân chính là bài học thành công cho không ít bạn trẻ trong thời buổi hiện nay.

Cô bé bắt ếch trở thành doanh nhân

Lê Thị Lan Hương (tên thường gọi là Hương Bike, sinh năm 1986, quê Phú Thọ) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ bé Hương đã tự lo mọi việc nhà, đồng thời bắt ếch đem bán lấy tiền nộp học phí. Dù vất vả như vậy, nhưng nhiều năm liền, Hương luôn đạt học sinh khá giỏi.

Không gặp may mắn khi thi các ngành xã hội, 2 năm liền thi trượt đại học, Hương vẫn không bỏ cuộc mà thử sức mình ở năm thứ 3 với khối tự nhiên và chọn trường trường Học viện công nghệ Quốc Gia, cô đạt số điểm khá cao. Hương nhanh chóng trở thành sinh viên duy nhất dành suất học bổng chi trả toàn bộ học phí tại trường trong 2 năm.

Tốt nghiệp đại học, Hương Bike trở thành nhân viên bán hàng của 1 cửa hàng điện thoại di động nhỏ. Trong 2 năm đầu làm việc, mỗi ngày Hương Bike phải nghe hơn 30 cuộc điện thoại; thường xuyên làm việc đến 4h sáng; đi thị trường, đóng hàng; tìm nhà xe gửi hàng cho đại lý, đi ra bến xe nhận hàng bảo hành, và một mình làm truyền thông cho hãng di động này. Mức lương Hương Bike nhận được khi ấy chỉ chừng 3-4 triệu/tháng.

Trong chuyến công tác Hà Giang, cô nảy ra ý tưởng kinh doanh xe điện và tháng 12/2012, một cửa hàng xe điện nho nhỏ do Hương Bike làm chủ khai trương cơ sở đầu tiên tại Khâm Thiên. Chỉ sau 1 năm xây dựng, chuỗi thương hiệu của Hương Bike đã có 70 showroom trên toàn quốc. Sau 2 năm, con số này đã lên đến 130 showroom với con số doanh thu ổn định hàng trăm tỷ mỗi năm.

Từ cô gái bưng bê đến phù thủy make-up thu nhập 1 tỷ/tháng

Tina Lê (sinh năm 1985) là chuyên gia trang điểm nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhưng ít ai biết rằng, trước đây cô đã phải kiếm từng đồng bạc lẻ với nghề bưng bê, rửa cốc chén.

Sinh ra trong gia đình vốn không mấy khá giả, Tina Lê sớm phải bươn chải với đời. Từ khi học lớp 10, chị đã vừa đi học, vừa đến một quán bar chuyên phục vụ khách Tây rửa cốc thuê kiếm thêm thu nhập. Số tiền tích góp được trong những ngày đi làm thêm, 1 phần để nộp học phí, phần còn lại Tina Lê muốn giữ để thực hiện ước mơ được học nghề make-up mà mình mơ ước.

Tốt nghiệp phổ thông, Tina có được 5 triệu trong tay và nung nấu quyết tâm theo nghề make up. Tina cầm 5 triệu đi xin học ở một cửa hiệu trên phố Huế. Nhưng chị đành ngậm ngùi quay về, bởi không có tiền để mua mỹ phẩm theo học (áng chừng khoảng 25 triệu đồng). Tina về nói chuyện với mẹ, và cả hai mẹ con quyết đánh cược một phen lớn để giúp chị theo đuổi ước mơ. Mẹ của Tina đã vay một người họ hàng 150 triệu đồng để chị được sang Hàn Quốc học về trang điểm và thẩm mỹ. Vào thời điểm hơn 10 năm trước, số tiền 150 triệu không hề nhỏ. Nhưng chị luôn vững tin mình sẽ thành công.

Sau một năm học nghề, Tina Lê về làm thuê cho một tiệm áo cưới khá nổi tiếng tại Hà Nội. Thời đó, chị đã kiếm 20-30 triệu/tháng nhờ công việc ở cửa tiệm và các lớp dạy make up cá nhân tại nhà.

Mức thu nhập đó là con số mơ ước của nhiều người, nhưng Tina cảm thấy chưa đủ. Sau nhiều trăn trở, vợ chồng chị quyết định mở cửa tiệm riêng, vừa make up, vừa dạy nghề, vừa bán mỹ phẩm. Sự chăm chỉ và lòng quyết tâm của Tina Lê đã được đền đáp. Cửa tiệm của Tina luôn tấp nập khách ra vào, nhiều học sinh liên tục đến ghi danh. Bởi vậy, không có gì lạ khi Tina thu về vài chục triệu, có khi đến cả trăm triệu mỗi ngày. Và mỗi tháng, doanh thu của chị đạt đến 1 tỷ đồng.

Nữ CEO trẻ xuất sắc từng bán hàng vỉa hè

Bùi Thị Ngát (sinh năm 1990) được mọi người gọi với cái tên thân thuộc Ngát Pro, sinh ra từ làng quê nghèo của tỉnh Thái Bình. Dù không có một ‘bệ phóng’ tốt cho con đường lập nghiệp sau này, nhưng cô đã nỗ lực để trở thành doanh nhân thành đạt ở tuổi 25.

Ít ai biết được rằng, ngay từ những năm thứ 1 đại học, Ngát đã làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cô nhận lớp dạy gia sư và sau đó trở thành cộng tác viên cho một trung tâm gia sư – chuyên kết nối gia đình với trung tâm. Thời điểm này, Ngát đã khiến doanh số của trung tâm gia sư tăng cao.

Thấy một người bạn kinh doanh quần áo, Ngát đã quyết định cùng người bạn đó nhập quần áo về bán tại chợ sinh viên. Sáng vẫn đi học, chiều đi làm gia sư, đến tối bán quần áo, tuy mệt mỏi nhưng Ngát luôn tự động viên mình phải nỗ lực hàng ngày.

Không chỉ dừng lại ở việc làm gia sư, bán quần áo giá rẻ trong chợ sinh viên. Cô gái ‘dám nghĩ, dám làm’ này đã khẳng định năng lực của mình khi thử sức ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau: dẫn tour du lịch, bán tour du lịch...

Không lâu sau đó, Ngát quyết định lấn sân sang lĩnh vực siêu thị. Ngát tiến hành mở siêu thị đầu tiên chuyên bán các sản phẩm cho mẹ và bé, đồng thời mở thêm thương hiệu giầy bảo hành vĩnh viễn và trở thành Chủ tịch HĐQT một công ty giáo dục, đào tạo.

Ở tuổi 25, những điều mà cô gái trẻ này có được khiến nhiều người cảm thấy… không tưởng. Là chủ của 3 thương hiệu lớn, có nhà lầu, xe hơi, lại chăm lo đời sống cho cả gia đình, Ngát trở thành tấm gương của nhiều bạn trẻ.

Không chỉ thành công trong kinh doanh, Ngát còn là một diễn giả, người truyền động lực và truyền lửa đến các bạn trẻ. Cô chia sẻ kiến thức đến các CEO, các chủ doanh nghiệp và thổi một luồng sinh khí mới để doanh nghiệp của họ bứt phá. Với những nỗ lực của bản thân, mới đây, Ngát vinh dự được bình chọn là Doanh nhân trẻ xuất sắc khu vực các nước Asean 2015.

9X dang dở việc học trở thành Tổng giám đốc

CEO 9X Phan Thanh Bảo Ngọc (sinh năm 1993, tên thường gọi Tuệ Nghi) có một quá khứ vất vả, khổ cực mà mỗi lần nhìn lại, cô và mẹ đều rơi nước mắt.

Năm 15 tuổi, bố mất, Tuệ Nghi bỏ dở việc học cùng mẹ vào Sài Gòn mưu sinh vì kinh tế gia đình gần như khánh kiệt. Có những thời điểm, Tuệ Nghi và mẹ đi xe bus, ở trọ giá rẻ và ăn cơm 2.000 đồng. Quá cơ cực, Tuệ Nghi xin làm công nhân và nhờ đầu óc nhạy bén, dần dần cô tìm cách kinh doanh các mặt hàng từ vải lụa.

Sau khi nhập lụa từ Hà Nam vào TPHCM bán, Tuệ Nghi bắt đầu có những người bạn hàng mới. Năm 2009 cô xuất khẩu lụa và các sản phẩm lụa sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua khách hàng của các kênh thương mại điện tử. Cũng trong năm này, nắm bắt được xu hướng thị trường điện thoại di động ưa chuộng các mặt hàng kiểu dáng đẹp và giá thành rẻ, cô bắt đầu kinh doanh song song cả hai lĩnh vực.

Tới năm 17 tuổi, Tuệ Nghi bắt đầu kinh doanh bất động sản và cũng thu được lợi nhuận khủng nhờ những căn nhà giá rẻ và căn hộ cao cấp.

Sau 4 năm làm việc cật lực, năm 2011, Tuệ Nghi thành lập công ty và trở thành Tổng giám đốc. Năm 2013, cô cũng là một trong những doanh nhân trẻ được nhận giải thưởng Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á - Thái Bình Dương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật