Mạc Đĩnh Chi: Nhà ngoại giao siêu hạng

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) sinh ra và lớn lên trong vầng hào khí Đông A tỏa rạng. Năm 13 tuổi, cậu bé Mạc Đĩnh Chi đã chứng kiến cuộc chiến tranh lần thứ 2 chống quân Nguyên Mông xâ‌m lượ‌c, rồi đến năm 15 – 16 tuổi lại chứng kiến cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ 3.
Mạc Đĩnh Chi: Nhà ngoại giao siêu hạng
Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi.

Tinh thần “Sát Thát” ngấm vào sâu vào huyết quản của nhà khoa bảng, nhưng không vì thế mà Mạc Đĩnh Chi đem cái cương nghạch và cái đắc thắng sau ba trận chiến oanh liệt ấy ra “trêu ngươi” nhà Nguyên khi đi sứ.

Với đường lối mềm dẻo, cương quyết, Mạc Đĩnh Chi vừa giữ được vị thế quốc gia tự chủ không dễ gì “bắt nạt”, vừa giữ được hòa khí, lại vừa thể hiện được sự vượt trội về văn tài ứng đối trôi chảy, thần tình. Dù sử sách không ghi chép nhiều nhưng qua vài nét chấm phá cũng đủ để thấy diện mạo của một nhà ngoại giao siêu hạng Mạc Đĩnh Chi.

Vì dung mạo xấu, nên có bài phú để đời

Với những danh nhân xuất chúng, qua lớp bụi thời gian thường được phủ lên một lớp mù huyền hoặc. Có sách nói Mạc Đĩnh Chi là con của thần hầu nên ông xấu xí, người lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô, nhưng nhanh nhẹn. Có sách viết mộ thân sinh ông được thầy địa lý phương Bắc đặt cho. 

Nhưng cái gen dòng giống không thể phủ nhận: Mạc Đĩnh Chi là cháu 5 đời của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích đỗ kỳ thi Minh Kinh bác học (1068) thời vua Lý Nhân Tông. Từ làng quê Lũng Động (nay thuộc Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương) họ Mạc đã phát tích. 

Hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích có biệt tài chính trị, đi sứ Chiêm Thành làm vẻ vang quốc thể. Trở về được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Lại. Em trai Mạc Hiển Tích là Mạc Kiến Quang cũng làm đến chức Thượng thư, đồng triều với anh.

Hình vẽ Mạc Đĩnh Chi.​

Bố mất sớm, nhà lại nghèo, nhưng Mạc Đĩnh Chi đã vượt lên mọi trở ngại. Tương truyền thời trẻ, Mạc Đĩnh Chi phải học lỏm bài của thầy đồ giảng cho học trò trong làng. Bấy giờ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở trường dạy học ở phủ của mình thuộc vùng Chí Linh. 

Nghe tiếng lành về cậu bé ham học nên Chiêu Quốc Vương đã thu nhận Mạc Đĩnh Chi vào chu cấp cho ăn, học. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, ngoài Mạc Đĩnh Chi, phủ đường của Chiêu Quốc Vương còn đào tạo thành tài những người khác như Bùi Phóng ở Hồng Châu và gần 20 người khác “đều được dùng cho đời”.

Sự đỗ đạt Trạng nguyên của Mạc Đĩnh Chi đã để lại trong văn chương cổ trung đại Việt Nam một viên ngọc quý. Nhan sắc đẹp của mỹ nhân và những lời tán tụng văn thơ của thi nhân lưu lại hậu thế là chuyện thường tình. Nhưng vì dung mạo xấu xí, là cớ nảy sinh bài phú tuyệt hay thì xưa nay chắc chỉ có một. 

Truyện rằng: Khi vào thi Đình, vua Trần Anh Tông nhìn thấy Mạc Đĩnh Chi dung mạo khó ưa liền nảy tâm ý không muốn lấy đỗ Trạng nguyên. Biết ý nhà vua, Mạc Đĩnh Chi đã cảm tác bài Ngọc tỉnh liên phú dâng lên. Vua xem liền một mạch, bất giác tự thẹn rồi quyết cho Mạc Đĩnh Chi được Trạng nguyên. Qua bài phú, Mạc Đĩnh Chi gửi gắm hình ảnh ví von mình với giống sen trong giếng ngọc ở đầu núi Thái Hòa. Đây là vẻ đẹp của hoa sen trong giếng ngọc.

“Chẳng phải như Đào Trần, Lý tục 

Chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy

Câu ký phòng tăng khó sánh

Mẫu Đơn đất lạc nào bì

Giậu Đào lệnh Cúc sao ví được

Vườn linh quân lan sá kể gì

Ấy là giống sen giếng ngọc

Ở đầu núi Thái Hoà vậy”.

Mạc Đĩnh Chi

Ứng đối thần tình   

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Mạc Đĩnh Chi được ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia, chuyên coi sóc thư khố của nhà vua. Một thời gian sau, ông được thăng chức tả bộc xạ (Thượng thư). Trong cuộc đời của mình, Mạc Đĩnh Chi đi sứ hai lần. 

Lần thứ nhất vào năm 1308, tức là sau khi đỗ Trạng nguyên được 4 năm. Chuyến đi sứ phương Bắc lần hai năm 1324. Những câu chuyện truyền lại trong hai lần đi sứ tuy ít ỏi cũng đủ để cho hậu thế nhiều bài học về tài ứng đối trôi chảy của ông. 

Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mậu Thân (1308) sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên”. Đã báo tin và mong nước Đại Việt sang chia vui về sự lên ngôi của vị tân hoàng đế mà đến cửa khẩu quân Nguyên còn đóng cửa không cho đi. 

Họ còn thử tài vị chánh sứ Mạc Đĩnh Chi bằng một câu đối hiểm hóc: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”. Nghĩa là: Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua. Chỉ trong một vế đối 11 chữ mà sử dụng từ trùng lắp tới 4 chữ “quan” và 3 chữ “quá”. 

Một bức tượng thờ Mạc Đĩnh Chi.

Chẳng dè, Chánh sứ Mạc Đĩnh Chi đối lại dễ dàng bằng một câu rất tự nhiên, như một câu hỏi, như một câu thách thức tế nhị: “Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối”. Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước. Trong câu đối này cũng sử dụng 4 từ “đối” và 3 chữ “tiên” trùng lặp. Viên quan coi cửa khẩu tâm phục, liền sai người mở cổng cho vào. 

Tới kinh đô, đang dự tiệc thiết đãi thì bất chợt, vua nhà Nguyên ra vế đối thử tài Mạc Đĩnh Chi: “Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”. Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng. Vế đối ví von từ hiện tượng tự nhiên nhưng ẩn ý rõ ràng mang tính đe dọa của nước lớn rằng thiên triều (mặt trời) sẽ đốt cháy nước nhỏ.

Mạc Đĩnh Chi bình thản ứng khẩu: “Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”. Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rụng mặt trời. Vế đối cũng từ hiện tượng tự nhiên này ý tứ cứng cỏi chẳng kiêng dè gì gửi đi thông điệp: nước nhỏ cũng có thể bắn rụng nước lớn. Quả là một câu đối đạt tới độ kinh điển. 

Đặt trong bối cảnh hai quốc gia vừa trải qua ba cuộc chiến tàn khốc, mối bang giao còn đang rất mong manh thì  mới thấy sự mềm dẻo nhưng cứng rắn trong đường lối ngoại giao của Mạc Đĩnh Chi tài tình đến đâu. Trước câu đối “xấc” này, quan quân nhà Nguyên bình luận: Hậu duệ của người này sau tất tự lập làm vua (quả nhiên sau ứng với cháu 7 đời Mạc Đăng Dung). 

Tượng thờ Thái Tổ Mạc Đăng Dung, cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi.

Nhân đây cũng nói về việc đi sứ, cũng đối đáp lại vế đối “kẻ cả” của nước lớn mà sứ giả Đại Việt tuy thể hiện được sự cứng cỏi của mình, giữ được quốc thể nhưng lại không bảo toàn được tính mạng. Đó là việc vua nhà Minh ra vế đối cho chánh sứ Giang Văn Minh: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”. Nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã xanh. 

Vế đối nhắc tới việc Mã viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng rồi cho chôn cột đồng, nguyền rằng: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là: Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong. Chánh sứ Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa đã đỏ do máu. Vế đối lại nhắc việc người phương Bắc đã ba lần đại bại trên sông Bạch Đằng. 

Thừa tướng nhà Nguyên lại ra vế đối: “An khử nữ, dĩ thỉ vi gia”. Nghĩa là: Chữ an bỏ chữ nữ đi, thêm chữ thỉ vào thành chữ gia (nhà). Vế đối hàm ý thâm hiểm có ý muốn nhà Nguyên muốn xóa bỏ nước Đại Việt nhập thành châu huyện của họ. 

Mạc Đĩnh Chi lập tức đối lại: “Tù xuất nhân, lập vương thành quốc”. Nghĩa là: Chữ tù bỏ chữ nhân đi, thêm chữ vương vào thành chữ quốc (nước). Ý của Mạc Đĩnh Chi khẳng định người nước ta nhất định xóa bỏ sự tù hãm để lập nên một nước tự chủ.

Như vậy, việc “chơi đối” với Chánh sứ Mạc Đĩnh Chi của vua quan nhà Nguyên đâu chỉ để thử tài mà còn dụng ý gây khó và kiếm cớ đe nẹt, trách phạt. Sử sách còn ghi lại một tình huống hiểm hóc mà Mạc Đĩnh Chi phải đối diện. Đó là dịp công chúa của vua Nguyên yểu mệnh. Quan nhà Nguyên thông báo Chánh sứ Mạc Đĩnh Chi sẽ đọc bài ai điếu. Rồi đưa cho Mạc Đĩnh Chi bản điếu viết sẵn. 

Sử sách ghi lại rất nhiều bài phú, câu đối "để đời" của Mạc Đĩnh Chi.

Ai ngờ, khi bước vào vị trí, mở bản điếu văn ra thì chỉ thấy có một chữ “Nhất”. Trấn tĩnh, Mạc Đĩnh Chi sụt sùi, cảm thán: “Thanh thiên nhất đóa vân; Hồng lô nhất điểm tuyết;Thượng uyển nhất chi hoa;Dao trì nhất phiến nguyệt;Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!”. Nghĩa là: Một đóa mây giữa trời xanh; Một giọt tuyết trong lò lửa; Một cành hoa giữa vườn thượng uyển; Một vầng trăng trên mặt nước hồ; Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết. Thật là tuyệt cú.

Ngoài đối đáp, sự ứng biến của Mạc Đĩnh Chi cũng thật tài tình, sắc sảo, như đùa bỡn mà quan lại nhà Nguyên không làm sao trách được. Đó là lần đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Giữa phủ đường lộng lẫy có treo một bức gấm thêu hình con chim sẻ đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi tưởng là chim thật liền với tay bắt. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười, châm chọc. 

Bất giác, Mạc Đĩnh Chi lấy bức họa xuống và xé rách. Thừa tướng nổi giận, nhưng chưa kịp trách phạt thì Mạc Đĩnh Chi đã ôn tồn nói: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Thừa tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”.

Cũng vì đối đáp, ứng biến trôi chảy, tôn trọng nước lớn nhưng không hạ thấp vị thế nước mình, lại giảo hoạt vượt trội các sứ thần các nước như Cao Ly (Triều Tiên, Hàn Quốc) nên Mạc Đĩnh Chi được vua nhà Nguyên phong “Lưỡng quốc trạng nguyên”. 

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại Hải Dương.

Và cũng chính trong chuyến đi sứ nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi đã kết thân với sứ thần Cao Ly. Truyện kể rằng: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi sứ, Mạc Đĩnh Chi nhận lời mời đã sang Cao Ly. Tại đây, ông được sứ thần mai mối cho người cháu gái để làm thiếp. Sau bốn tháng, người thiếp ấy theo Trạng Mạc về Trung Quốc, 5 năm sau thì bà về nước cùng với hai người con, một trai một gái. 

Mười năm sau, Trạng Mạc lại sang Cao Ly một lần nữa. Lần này, ông ở lại Cao Ly sáu tháng, đi du lãm khắp Cao Ly. Người Cao Ly rất hâm mộ ông, bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng. Hết sáu tháng, ông trở về Trung Quốc rồi về Việt Nam, khi ấy người thiếp có mang đã ba tháng, sau sinh một bé trai.

Ngoài tài ngoại giao, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi còn là nhà kiến trúc sư tài ba. Sử sách chép năm 1313, tả bộc xạ Mạc Đĩnh Chi (thượng thư) đích thân chỉ đạo trông coi việc đại trùng tu chùa Dâu. Hiện nay, tại chùa Dâu vẫn còn một ban thờ Mạc Đĩnh Chi. 

Cuộc đời nhà ngoại giao rất đỗi tài ba và đa tình nhưng lại thanh bần. Chuyện chép rằng vua Trần Minh Tông muốn giúp đỡ một chút cho gia cảnh của Mạc Đĩnh Chi nên sai người lén để 10 quan tiền trước cửa nhà trạng. Không ngờ hôm sau Mạc Đĩnh Chi mang đến nộp. Vua khen là liêm khiết, ban cho số tiền đó và tặng ông hai chữ “Lịch sự”.

Tài năng ngoại giao, thơ phú, kiến trúc đã đem đến cho Mạc Đĩnh Chi danh thơm truyền đời. Và hẳn nơi suối vàng ông cũng khó tưởng tượng được người cháu 7 đời Mạc Đăng Dung khi lên ngôi đã truy tôn hiệu ông là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế.  

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật